Tìm kiếm

Người dân Bangladesh Người dân Bangladesh 

Cha Robert Terence McCahill: 43 năm phục vụ người Hồi giáo nghèo Bangladesh

Cha Robert Terence McCahill, 81 tuổi, thừa sai dòng Maryknoll, truyền giáo tại Bangladesh từ 43 năm nay. Thay vì chọn công việc mục vụ, cha chỉ đơn giản sống như một người bạn và người anh với những người hàng xóm Hồi giáo, tỏ cho họ thấy chứng tá tích cực theo tinh thần phục vụ và yêu thương của Tin mừng.

Hồng Thủy - Vatican

Năm 1964, hai tháng sau khi chịu chức linh mục, cha Bob khởi hành đi truyền giáo tại Philippines và đã ở lại đây 11 năm. Sau khi nghe biết Bangladessh thật sự cần được trợ giúp vì bị nạn đói kém và thiên tai, cha Bob mong ước đến giúp cho người dân nước này. Và năm 1975, cha Bob đã cùng với 4 anh em khác đến Bangladessh. Từ đó cha đã chọn ở giữa những người nghèo tại đất nước có đa số dân theo Hồi giáo. Những người Hồi giáo gọi cha cách thân thương là “anh Bob”.

43 năm sống như một người bạn và người anh của người Hồi giáo

Cha Bob đã chọn sống và phục vụ những người Hồi giáo nghèo khổ và có hoàn cảnh khó khăn ở nước này. Tại nhiều thành phố nhỏ của Bangladesh, cha sống thật đơn giản, phục vụ bệnh nhân, bày tỏ sự tôn trọng đối với Hồi giáo và trả lời cho những ai muốn biết lý do cách sống và những công việc tốt lành của cha.

Ở tuổi 81, cha Bob chưa có ý định nghỉ hưu. Cha vẫn khỏe mạnh, vẫn đạp xe đạp, hạnh phúc trong đời tu trì thánh hiến và nhất là cha sẵn sàng di chuyển đến một khu phố mới. Trong 43 năm ở Bangladesh, cha Bob đã di chuyển đến 12 địa điểm trên toàn Bangladesh. Mỗi khi cha nhận thấy dân chúng bắt đầu yêu quý mình, cha lại thay đổi nơi chốn để đi đến với những người dân ở những nơi cần được giúp đỡ hơn.

Làm chứng tá giữa người Hồi giáo

Trong số các thừa sai Maryknoll, cha Bob là người duy nhất làm việc với người Hồi giáo. Cha chia sẻ: Ngay khi tôi vừa đến nơi, tôi đã hiểu rằng tôi không muốn làm việc ở giáo xứ. Tôi có thể làm chứng tá cách sâu sắc cho Chúa Ki-tô giưã những người Hồi giáo. Sứ mạng của cha Bob không dễ dàng, bởi vì cha đã chọn sống giữa người nghèo như người nghèo. Cha đã dựng những ngôi nhà bằng tre và sống như thế cho đến tháng 7/2016, khi xảy ra cuộc tấn công vào một quán bar ở thủ đô Dhaka và nhiều người ngoại quốc bị sát hại. Sau biến cố này, vì sự an ninh của cha, cảnh sát không cho phép cha sống trong các căn lều nữa.

Cuộc sống ở giữa những người Hồi giáo cũng không hề đơn giản. Cha kể: “Lúc đầu tôi gặp những người họ dè dặt nghi ngờ tôi. Họ không thường gặp thấy các nhà truyền giáo và người ngoại quốc sống giữa người Hồi giáo và họ không tin tưởng.” Cha kể tiếp câu chuyện của ông Malak Islam, cha của bé Al Amin, một bé trai 6 tuổi bị tàn tật. Ông ta không muốn đưa con mình đến bệnh viện để chữa trị. Sau 2,5 năm ông mới quyết định đưa con đi chữa trị. Cuối cùng chính ông đã nói: “Tôi biết ơn anh Bob bởi vì nhờ cha mà con trai của tôi bây giờ khá hơn rất nhiều.”

Chứng tá tích cực theo tinh thần phục vụ và yêu thương của Tin mừng

Dù cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gia tăng nhưng cha Bob không bao giờ bị đe dọa. Cha khẳng định: “Tất cả chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất: các Ki-tô hữu, tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo. Tôi không bao giờ muốn cải đạo bất cứ ai nhưng chỉ  bày tỏ tình thương yêu, lòng thương xót và điều tốt mà Chúa Giê-su đã làm trong cuộc đời của Người.” Mỗi sáng cha Bob đều thức dậy lúc 3 giờ, cha đọc kinh cầu nguyện và dâng lễ, rồi đi đến các ngôi làng để tìm các bệnh nhân cần được chăm sóc. Một người Hồi giáo xin cha theo đạo, cha trả lời anh ta: “Con chỉ bị phạt thôi.” Nhưng người đó nài nỉ cha: “Cha không hiểu rồi, con muốn trở thành Ki-tô hữu”. Cha vẫn nói: “Làm như thế, con sẽ bị phạt nặng đó.”

Lòng thương xót

Cha Bob chia sẻ: “Trước khi đến Bangladesh vào năm 1975 để bắt đầu sứ vụ làm chứng cho Chúa Ki-tô, tôi chưa bao giờ nhận ra ý niệm lòng thương xót quan trọng thế nào đối với người dân ở quốc gia mà Hồi giáo chiếm đa số này. Trong 40 năm sống giữa họ trong một trong những đất nước nghèo và có dân cư đông đúc dày đặc nhất trên thế giới, tôi đã quan sát thấy nhiều dấu chỉ của lòng thương xót, bắt đầu từ tên gọi của mỗi người... Người dân có câu nói: “Nụ cười của bạn với người anh em đó là bác ái” và điều này làm nổi bật sự giống nhau ý tưởng thương xót giữa Hồi giáo và Ki-tô giáo. Các hành động mà Đấng thương xót soi sáng cho các tín đồ Hồi giáo là lòng tốt, sự cảm thông, cộng tác và giúp đỡ, rất giống những hành động của tình yêu Ki-tô giáo.

Những việc nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa lớn lao

Cách đây vài năm, trong năm thánh Lòng Thương xót, cha Bob đã kể các ví dụ về lòng thương xót của người Hồi giáo mà cha đã nhìn thấy và nhận được. Một bà mẹ Hồi giáo đã khuyến khích con trai của mình cầu nguyện cho cha vì cha đã giúp đỡ cho con gái bà được phẫu thuật chữa bệnh thành công. Một người hàng xóm thấy cha quá mệt vì đã đạp xe rong ruổi cả buổi sáng nên nói cha đừng nấu cơm nữa và bà đã mời cha ăn cơm ngày hôm đó. Một người hàng xóm khác thì thu cất quần áo mà cha  phơi để không bị mưa ướt và đã nói với cha: “Cha phục vụ giúp đỡ cho người nghèo, cha không nghĩ là chúng tôi muốn giúp cha sao?”. Đối với cha Bob, những việc nhỏ nhặt này lại có ý nghĩa thật lớn lao.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng một 2019, 15:09