Con đường khám phá Thiên Chúa của nhà thiên văn học dòng Tên Guy Consolmagno
Hồng Thủy - Vatican
Thầy Guy Consolmagno sinh năm 1952, và từ năm 2015, thầy là giám đốc đài thiên văn Vatican. Thầy cho biết nguồn gốc sự chọn lựa của thầy: “Tôi đã khám phá đức tin ngay từ khi còn là một đứa trẻ giúp lễ trong các Thánh lễ, tôi đã khám phá ra khoa học viễn tưởng trong thư viện đại học nơi tôi học ở Hoa Kỳ. Cả hai thứ này đã thay đổi cuộc đời tôi. Đức tin đã dẫn tôi đến việc tuyên khấn trở thành tu sĩ dòng Tên. Khoa học viễn tưởng đã thúc đẩy tôi chọn khoa học như một nghề nghiệp, nó giúp tôi nhận thấy rằng trở thành một khoa học gia có thể là một một cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc và nó cũng làm cho tôi tái khám phá vẻ đẹp của Công giáo”.
Thầy cũng chia sẻ: Trong vũ trụ tôi nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa, tôi thấy vinh quang, trí thông minh và vẻ đẹp của Người. Nhưng điều này chỉ có thể nếu bạn đã có đức tin”. Theo thầy, không có sự tương phản giữa khoa học và đức tin. Thầy giải thích: “ĐGH Gioan Phaolô II đã viết cho vị tiền nhiệm của tôi, sir George Coyne, rằng ‘khoa học quan trọng đối với tôn giáo bởi vì nó có thể xóa bỏ sự mê tín, nghĩa là niềm tin sai lầm’…
Lương thực cho tinh thần
Thầy kể tiếp về ơn gọi của mình: “Khi tôi ở vào tuổi 30 và là một nhà nghiên cứu ở Viện Kỹ thuật Massachusetts của Boston với một sự nghiệp thành công nhưng tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi tự hỏi tại sao tôi quan tâm đến thiên văn học khi có nhiều câu hỏi quan trọng hơn, giống như là nạn đói khủng khiếp ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới. Vì vậy, tôi đã bỏ tất cả mọi thứ và đi đến Châu Phi với lực lượng gìn giữ hòa bình của Hoa Kỳ. Đến Kenya, những vùng gần Nairobi, tôi hỏi những người tôi gặp điều gì tôi có thể làm cho họ. Và biết tôi là một nhà thiên văn, họ nói với tôi rằng họ muốn nhìn thấy những ngôi sao. Ở đó, tôi hiểu ra rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi. Không ai có thể sống mà không có lương thực cho tinh thần, bất kể anh ta đang ở đâu trên thế giới. Điều này cho thấy chúng ta là những con người”.
Ba con đường đến với Thiên Chúa
Nhưng theo thầy, con người cũng có một nét đặc thù khác, đó là tự đặt ra cho mình những câu hỏi hiện sinh. Thầy Consolmagno nhấn mạnh: "Về điều này, khoa học viễn tưởng trợ giúp chúng ta. Bởi vì trong những câu chuyện hấp dẫn này, thường kể về những gì xảy ra trong các hành tinh khác thông qua các cuộc phiêu lưu, những vụ nổ, tàu vũ trụ, các trận chiến, chúng ta tìm thấy những chủ đề luân lý đạo đức của mình. Và các dụ ngôn của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là những câu chuyện? Sự hồi sinh của Ladarô, Giôna trong bụng cá voi, người phú hộ giàu có: sự kết hợp giữa giả tưởng và trào phúng. Sự thật là những gì đã xảy ra, còn câu chuyện, là cách chúng ta kể nó, và nó phải được kể hay. Nếu kể chuyện dở, thì nội dung sẽ dở. Câu chuyện không phải là chân lý. Khoa học không phải như tự nhiên. Tôn giáo không phải là chính Thiên Chúa. Nhưng cả ba đều là cách để gặp Chúa".
Là một chuyên gia về thiên thạch ("những mảnh không gian rơi xuống trái đất"), thầy Consolmagno đã xuất bản các ấn phẩm và bài báo khoa học. Thầy nói: "Khoa học đang tiếp tục đặt ra các câu hỏi mới. Hiện nay vẫn còn quá nhiều điều cần học hỏi về vũ trụ và vẫn còn quá nhiều điều để biết về Thiên Chúa. Nếu bạn đã biết câu trả lời, bạn không đi tìm nữa. Đây là điển hình của chủ nghĩa cực đoan".
Một tu sĩ dòng Tên
Các nghiên cứu khoa học ủng hộ đức tin của thầy Consolmagno, người tìm thấy dấu vết của Thiên Chúa trong các cuốn sách khoa học và khoa học viễn tưởng. Thầy chia sẻ: "Tôi thích truyện ‘Harry Potter’, cũng như truyện ‘Chúa nhẫn’ của Tolkien. Đó là những cuốn sách có tính tôn giáo nhất hiện nay. Chúng không nói rõ ràng về Thiên Chúa, nhưng tất cả những thách thức của tôn giáo đều có trong đó. Các anh hùng thì không hoàn hảo và những kẻ gian ác thì cũng không hoàn toàn xấu xa. Mọi người đều có thể phạm sai lầm, không có sự tách biệt hoàn toàn giữa trắng và đen, như xảy ra trong cuộc sống. Thật vậy, đôi khi ơn cứu rỗi đến từ điều xấu. Cũng thế, trong sự tưởng tượng chúng ta tìm thấy điều thực tế. Đây là một bài học mà chúng ta phải học".
Thầy Consolmagno tuyên khấn trong dòng nhưng không làm linh mục. Có phải là vì làm linh mục sẽ khó cống hiến hết mình cho khoa học? Thầy trả lời: “Không, phần lớn các nhà khoa học là linh mục. Nhà khoa học linh mục nổi tiếng nhất là Gregor Mendel, người phát hiện ra quy luật di truyền. Ngay cả những người xây dựng lý thuyết Big Bang - Vụ nổ lớn - là một linh mục Công giáo người Bỉ, cha Georges Lemaître. Tôi cảm thấy một ơn gọi mạnh mẽ để gia nhập Dòng Tên, nhưng tôi không được kêu gọi làm linh mục. Các linh mục tốt nhất là những người biết lắng nghe, nhưng tôi thì ngược lại, trong sâu thẳm tâm hồn, tôi là một con mọt sách”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.