Phỏng vấn Đc. Anphong Nguyễn Hữu Long về Tháng Truyền giáo Ngoại thường
Thực hiện: Văn Yên, SJ - Vatican News
1. Tháng 10 tới đây là tháng truyền giáo ngoại thường mà Đức Thánh Cha khởi động cho toàn Giáo hội, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng, xin Đức cha cho biết Giáo hội Việt Nam tiếp nhận và triển khai sáng kiến này như thế nào?
- Trong tháng 7 vừa qua, Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã cùng với Văn phòng Quốc Gia Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tổ chức hai khóa bồi dưỡng thần học về truyền giáo tại Bãi Dâu, để đào sâu chủ đề “Được Rửa Tội Và Được Sai Đi - Hội Thánh Việt Nam Thi Hành Sứ Mạng Nơi Quê Hương Mình”.
- Cuối tháng 8, Ủy ban lại tổ chức một cuộc gặp gỡ toàn quốc các cha Trưởng ban Loan báo Tin Mừng các giáo phận cùng một số dòng tu tại Vinh, để học hỏi Tông Thư Maximum Illud và trao đổi những gì nên làm trong tháng 10 này để kỷ niệm 100 năm Tông Thư.
- Ủy Ban cũng dịch và phát hành tập sách nhan đề “Được Rửa Tội Và Được Sai Đi - Hội Thánh Chúa Kitô Thi Hành Sứ Mạng Trong Thế Giới” gồm 31 bài suy niệm mỗi ngày trong tháng 10 này. Chúng tôi sẽ xin phổ biến trên trang web của Hội đồng Giám mục. Các trang web giáo phận có thể nối kết với trang web này để chuyển tải cho mọi người suy tư và cầu nguyện, nhờ đó thêm ý thức thôi thúc việc thi hành sứ mạng Phúc Âm Hóa hơn.
- Ủy ban đã dịch và phổ biến Sứ điệp Ngày Truyền Giáo Thế Giới năm 2019, kèm theo tài liệu học hỏi Sứ điệp này để hiểu cặn kẽ hơn.
- Ngoài ra, Tông Thư Maximum Illud đề cập đến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là những tổ chức của Tòa Thánh đã trợ giúp công cuộc Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc rất hữu hiệu. Ủy ban chúng tôi sẽ cùng Văn Phòng Quốc Gia Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đề nghị các giáo phận sớm thiết lập các Hội này, để góp phần vào việc thi hành sứ mạng truyền giáo.
2. Xin Đức Cha giải thích thêm về ý nghĩa chủ đề Tháng truyền giáo ngoại thường này: "Được rửa tội và được sai đi".
Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2019 mang chủ đề : “Được Rửa Tội và được Sai Đi”, nhắc nhở mỗi kitô hữu ý thức ơn đức tin mà họ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội. Họ vừa phải gìn giữ ơn đó cho riêng mình, đồng thời cần ý thức mình được sai đi loan báo Tin Mừng cho người khác cũng nhận biết Chúa và được ơn đức tin để được sống đời đời. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng dùng thuật ngữ “Môn đệ-Truyền Giáo” cũng là nhằm ý này. Tháng Truyền Giáo ngoại thường năm nay là dịp để người tín hữu Việt Nam ý thức họ phải tích cực tham gia sứ mạng này, không thờ ơ mặc kệ, không ngại ngùng sợ hãi, đồng thời Tháng Truyền Giáo ngoại thường cũng muốn nhắc nhở các nhà hữu trách trong Giáo Hội (Tông Thư gọi họ là “Bề Trên-Truyền Giáo”) biết tin tưởng, huấn luyện và trao phó sứ mạng Phúc Âm hóa cho giáo dân thực hiện.
3. Việc loan báo Tin Mừng tại giáo phận Vinh như thế nào và Đức Cha có những sáng kiến gì cho việc loan báo Tin Mừng tại giáo phận của Đức Cha?
Giáo phận Vinh hiện có 300.000 tín hữu trên tổng số 3.000.000 dân, tỷ lệ 10%, tương đối cao so với nhiều giáo phận, tuy vậy sứ mạng loan báo Tin Mừng vẫn khẩn thiết tại đây. Giáo dân Vinh giữ đạo sốt sắng, nhiệt thành, nhưng mới chỉ là cho mình. Sứ mạng Phúc Âm Hóa lương dân và Tân Phúc Âm Hóa cho người xa Giáo Hội xem ra chưa được thực hiện ! Vì thế, tôi muốn thúc đẩy toàn giáo phận tham gia tích cực hơn vào sứ mạng này. Ban Loan báo Tin mừng giáo phận đang nỗ lực tổ chức các cuộc hội thảo cho linh mục, tu sĩ, hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, đồng thời thành lập và huấn luyện Tác viên Tin Mừng để thi hành sứ vụ này cách chuyên biệt. Tôi ôm ấp hoài bão các linh mục, tu sĩ sẽ mạnh mẽ hướng hoạt động Phúc Âm hóa đến anh chị em lương dân và người đang xa Giáo Hội, chứ không chỉ chăm lo mục vụ cho các tín hữu đang giữ đạo.
4. Thưa Đức Cha, sau gần một năm về giáo phận Vinh, Đức Cha cảm nhận thế nào về những niềm vui và thách đố mà Đức Cha gặp như là một vị mục tử của Giáo phận?
Giáo phận Vinh đông giáo dân, rộng về địa lý, mạnh về lòng đạo, và năng động. Tôi đang thực hiện các chuyến thăm mục vụ các giáo xứ, giáo họ trong giáo phận để biết thực trạng cuộc sống đạo-đời của họ, nhờ đó mới có kế hoạch mục vụ thiết thực. Thấy giáo dân đạo đức, nhiệt thành, giữ đạo nề nếp, tôi rất phấn khởi.
Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều trăn trở. Cuộc sống nghèo khổ vẫn đè nặng trên người dân, khiến nhiều người trẻ phải bỏ học, đi làm ăn xa, ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân gia đình và đức tin của họ. Đạo công giáo vẫn còn bị hiểu lầm và nghi ngại, gây nên sự nặng nề trong tương quan xã hội.
Tôi mong ước giáo phận sẽ được xây dựng trên 4 tiêu chí sau đây để trở thành cộng đoàn đức tin vững mạnh, cộng đoàn phụng vụ sốt sắng, cộng đoàn bác ái yêu thương và cộng đoàn Phúc Âm hóa mạnh mẽ.
Các Dòng tu nam nữ và các Hội đoàn Công giáo Tiến Hành hoạt động tại giáo phận cũng nhiều, tôi sẽ thúc đẩy họ tham gia tích cực và nhiều hơn vào các hoạt động mục vụ, bác ái và truyền giáo.
+Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Giáo phận Vinh
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.