Các Giám mục Hoa Kỳ ủng hộ "Tuần lễ chọn trường"
Ngọc Yến - Vatican
Đây là sáng kiến nhằm cung cấp cho các gia đình Hoa Kỳ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, có cơ hội tiếp cận các quỹ công, như tín dụng thuế hoặc học bổng, để hỗ trợ học phí cho con cái trong các tổ chức tư nhân.
Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục khẳng định: "Giáo hội Công giáo luôn dạy rằng trẻ em có quyền phổ cập giáo dục và cha mẹ có quyền và trách nhiệm là nhà giáo dục đầu tiên cho con cái. Nhưng Giáo hội cũng dạy rằng Nhà nước có nghĩa vụ cơ bản hỗ trợ cha mẹ thực hiện quyền này".
Đức cha trích dẫn một văn kiện cụ thể của Giáo hội "Gravissimum Educationis", Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo do Đức Thánh Giáo hoàng, Phaolô VI ban hành, vào tháng 10 năm 1965: "Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái, nên họ phải được thực sự tự do trong việc lựa chọn trường học. Do đó, vì có bổn phận bảo vệ và bênh vực quyền tự do của công dân, chính quyền khi chú tâm đến công bằng phân phối phải lo phân chia những ngân khoản tài trợ chung sao cho cha mẹ có thể được thực sự tự do lựa chọn trường học cho con cái theo lương tâm mình".
Trong thời gian qua, tại Hoa Kỳ, việc chọn trường học cho con cái đang được mang ra tranh luận: Một điều khoản trong Hiến pháp tiểu bang Montana cấm tài trợ công cho các trường tôn giáo, điều này gây khó khăn cho các gia đình không có kinh tế ổn định. Một số người đã thành lập một chương trình học bổng của nhà nước. Chương trình do các khoản đóng góp được khấu trừ như một khoản tín dụng thuế, giúp các bậc cha mẹ nghèo đăng ký cho con em mình vào các trường tư, bao gồm cả các trường tôn giáo. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Montana phán quyết rằng chương trình này vi phạm hiến pháp tiểu bang và do đó đã hủy bỏ.
Ngay lập tức Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã phản ứng: Đức cha Michael Barber, chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cùng với Đức cha George V. Murry, Giám mục Youngstown, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, tuyên bố rằng mặc dù Hoa Kỳ không là một quốc gia toàn tòng Kitô giáo "điều này không có nghĩa là chính phủ có thể ngăn chặn những lợi ích khác dành cho tôn giáo. (CSR_541_2020)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.