Matxcơva tưởng nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Ngọc Yến - Vatican News
Có lẽ ít người biết ở trung tâm Matxcơva có một tượng đài Thánh Gioan Phaolô II. Bức tượng được đặt trong sảnh của Thư viện Văn học nước ngoài, một thực tế văn hóa nổi tiếng ở Nga. Chính cựu giám đốc Thư viện, bà Ekaterina Guenieva đã cho thực hiện tượng đài này. Bà Guenieva cho biết bà đã được Thánh Giáo hoàng tiếp kiến nhiều lần tại Vatican; và trong suốt 30 năm, Thư viện đã nỗ lực quảng bá văn hóa Kitô giáo và đối thoại đại kết.
Các nghệ sĩ Nga và Ukraine cùng thực hiện đài tưởng niệm này dựa theo ý tưởng của nhà đạo diễn Grigoriy Amnuel. Năm 2011 đài tưởng niệm được hoàn thành, cùng năm đó Thư viện đã cho xuất bản một bộ sưu tập các tài liệu về thần học, xã hội, sân khấu của Thánh Giáo hoàng với tên gọi “Hiểu tình yêu”.
Với những mối liên hệ trên, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo hoàng, Thư viện đã tổ chức sự kiện tưởng nhớ Thánh nhân. Trong dịp này, Đức Cha Paolo Pezzi, TGM giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở thủ đô Matxcơva, đã nhắc lại suy tư của Thánh Giáo hoàng về vùng đất châu Âu đang bị một thứ tình cảm tôn giáo rất mơ hồ và tầm thường lấn chiếm. Còn Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz thì lên tiếng khen ngợi sáng kiến đối thoại này. Cuối cùng, cha Hyacinthe Destivelle, thành viên của Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, chia sẻ về ơn gọi phục vụ cho đại kết sau khi suy tư về những lời của Thánh Giáo hoàng: “Một Kitô hữu không thể thở chỉ với một lá phổi; phải có tất cả hai lá phổi, đông và tây”.
Bà Alexey Yúdin, sử gia, người dẫn chương trình truyền hình Alexey Yúdin, người lãnh trách nhiệm tổ chức buổi gặp gỡ chia sẻ: “Tôi được gặp Thánh Gioan Phaolô II nhiều lần. Có một lần, khi đã yếu nhiều, Thánh Giáo hoàng thổ lộ với chúng tôi về sức mạnh bị lãng quên của tuổi già, sức mạnh tinh thần của con người chống lại sự yếu đuối của thân xác. Một lần, trong lúc thực hiện một bài huấn dụ, Thánh Giáo hoàng cảm thấy rất mệt, và đã trao các trang còn lại cho các cộng tác viên đọc. Tuy nhiên, ngài đã cố gắng hết sức để tiếp tục đọc hết những hàng chữ cuối cùng”. Bà kết luận: “Công việc của Thánh Giáo hoàng làm chứng rằng hồng ân sống vì tất cả mọi người là một chìa khóa thực sự cho đối thoại, hiểu biết nhau và hiệp nhất”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.