Các giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối việc xả nước phóng xạ ra biển
Hồng Thủy - Vatican News
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, gây ra một cơn sóng thần cao 15 mét. Nó đã làm hư hại nghiêm trọng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Sự việc được xem là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Sau nhiều năm tranh luận về việc xử lý chất lỏng bao gồm nước được sử dụng để làm mát nhà máy Fukushima Daiichi, nơi bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011, các nhà chức trách Nhật Bản đã quyết định xả một triệu tấn nước đã qua xử lý ra biển.
Theo truyền thông Nhật Bản, kế hoạch ban đầu là bắt đầu xả nước từ năm 2022, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Theo hãng tin BBC, hầu hết các đồng vị phóng xạ đã được loại bỏ bằng một quy trình lọc phức tạp. Nhưng một đồng vị, tritium, không thể bị loại bỏ. Nước đã được lưu trữ trong các bể chứa khổng lồ sẽ đầy vào năm 2022.
Các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và các nhóm đánh cá đã phản đối ý tưởng xả nước bị ô nhiễm ra biển, với lý do rủi ro có thể xảy ra.
Phản ứng của các giám mục Hàn và Nhật
Tuyên bố chung của Ủy ban Công lý và Hòa bình của hội đồng giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản, Ủy ban môi trường và sinh thái của các giám mục Hàn Quốc và tiểu ban hạt nhân vì hòa bình của các giám mục Nhật Bản viết: “Chúng tôi phản đối việc xả nước chứa tritium, một chất phóng xạ đã được làm sạch và xử lý, vào đại dương.” Tuyên bố nói thêm: “Nước chứa tritium, một chất phóng xạ, được lọc sạch thông qua hệ thống xử lý nước bị ô nhiễm của nhà máy Fukushima. Việc xử lý thứ cấp các hạt nhân phóng xạ còn lại trong nước đã qua xử lý vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa có kết quả xác định”.
Tuyên bố cũng chỉ ra rằng báo cáo của chính phủ Nhật Bản đã không đề cập đến những ảnh hưởng của nước đã qua xử lý đối với sinh vật biển, môi trường biển và sức khỏe con người. “Một khi được thả xuống biển, chất phóng xạ không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu. Nó sẽ có tác động đến con người và thiên nhiên. Nó sẽ gây ra sự lo lắng và thiệt hại lớn hơn cho mọi người trên thế giới.”
Các giám mục nhắc lại thông điệp Laudato Si’ do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành năm 2015, mời gọi liên đới với các thế hệ tương lai. Các ngài viết: “Chúng ta có trách nhiệm chuyển giao cho các thế hệ tương lai một môi trường toàn cầu nơi chúng ta thực sự có thể sống an toàn và an tâm.” (Ucanews 17/02/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.