ĐHY BO: Kiên nhẫn có sức mạnh của hòa bình
Ngọc Yến – Vatican News
Đi từ thực trạng của Myanmar, Đức Hồng y nói: “Tôi vô cùng xúc động trước cuộc gặp gỡ này, bởi tình yêu của anh chị em dành cho chúng tôi. Trong bảy tháng qua, chúng tôi đã trải qua những thời điểm rất khó khăn. Chúng tôi bước đi trong nước mắt khổ đau, đối diện với những thử thách ở nhiều mức độ. Myanmar cần được chữa lành. Nguyện xin ngọn lửa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi chúng ta, để củng cố đức tin và ban cho chúng ta mọi ân sủng. Chúng ta hãy để cho sự hiện diện đầy quyền năng của Người chữa lành tất cả chúng ta”.
Đối với Đức Hồng y, Giáo hội Myanmar là một Giáo hội đã được thử thách về sự kiên nhẫn. Một đất nước nhỏ bé ở lục địa châu Á rộng lớn, nhưng giàu văn hóa với hơn 135 sắc tộc, vì thế, Myanmar thường được gọi là “quốc gia cầu vồng”. Vì vậy, Đức Hồng y đã trở thành nhân chứng của một “Giáo hội trẻ”, “năng động”, “được chúc phúc vì có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ”. Nhưng, từ 01/02, đất nước đã sụp đổ một cách thảm hại dưới chế độ quân phiệt nắm quyền trong một cuộc đảo chính.
Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Trong nhiều tháng qua, người dân chúng tôi đã phải đối mặt với những thách thức ở nhiều cấp độ khác nhau: xung đột, Covid, sụp đổ kinh tế và thảm họa khí hậu. Người Công giáo đã phải đau khổ rất nhiều; các nhà thờ bị tấn công. Nhiều người trong chúng tôi đang tị nạn trên chính mảnh đất của mình”.
Đức Tổng Giám mục cũng không quên nhắc lại chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Myanmar vào năm 2017. Bởi vì ký ức về chuyến viếng thăm vẫn còn đậm nét trong cộng đoàn Công giáo nhỏ bé của đất nước. Đức Thánh Cha là vị ngôn sứ của những người sống bên lề xã hội và có một tình thương đặc biệt đối với mảnh đất này. Sau cuộc bất ổn chính trị gần đây, bảy lần ngài đã lên tiếng đứng về phía những người đau khổ, và tại đền thờ thánh Phêrô ngài đã cử hành Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho Myanmar.
Đức Hồng y cho biết, tại Địa hội Thánh Thể, ngài được giao nhiệm vụ nói về đức tính kiên nhẫn, một đức tính đặc biệt được thử thách trong đại dịch do Covid-19 gây ra. Việc giãn cách xã hội kéo dài đã lấy đi sự giao tiếp của con người; đánh cắp nụ cười từ các tương quan, phải giấu nó sau chiếc khẩu trang; đã gây ra cho con người những mất mát, sợ hãi, tổn thương và thậm chí cả sự tin cậy về mặt tinh thần.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Hồng y mời gọi mọi người sống kiên nhẫn. Ngài nói: “Kiên nhẫn là cách duy nhất để thế giới này có thể sống trong hòa bình. Lịch sử cho thấy những nhà lãnh đạo nóng nảy, bốc đồng và thiếu kiên nhẫn đã đưa thế giới đến thảm họa. Sự kiên nhẫn có sức mạnh của hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng quyền bính thực sự là quyền để phục vụ. Phục vụ trong khiêm nhường, tử tế và kiên nhẫn của Chúa Giêsu là ngọn hải đăng dẫn đường cho nhân loại trong lịch sử”. (Sir. 08/9/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.