Đạo tình thương
Lúc nhỏ tôi thường nghe Cha tôi kể chuyện về các thánh, các phép lạ về Thánh Thể cũng như những phép lạ của Đức Mẹ… Một trong những câu chuyện làm tôi thích thú nhất là những chuyện về hoạt động truyền giáo của Cha tôi.
Cha tôi và các bạn đã xong pha ra tuyến đầu của những vùng sâu vùng xa, nơi đây đa số là nơi sinh sống của người lương dân. Hoạt động chính của nhóm là dạy học, thăm viếng, giữ linh hồn cho người cận tử. Chăm sóc đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người Công giáo lẫn không Công giáo.
Tôi còn nhớ như in những câu chuyện thú vị của các bác và Cha tôi về những người lương dân nơi Cha tôi truyền giáo. Công việc cũng gặp nhiều khó khăn giữa chiến tranh. Nhưng với đời sống vui vẻ, đầy nhiệt huyết đầy tình thương dành cho vùng đất xa lạ đã tạo nên những “dấu chấm hỏi” của những người lương dân. “Sao các anh luôn sống vui vẻ và yêu thương nhau cũng như yêu thương chăm sóc hết mọi người mà không phân biệt lương dân hay có đạo”. Chính tình yêu sống hết tình, phục vụ hết mình của Cha tôi và các bác đã chinh phục được hầu hết người dân sống ở đó. Từ từ họ có cảm tình với Đạo Tình Yêu và đã xin gia nhập.
Cha tôi kể có những câu chuyện cũng nữa cười nữa khóc. Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, có lúc gặp những khó khăn do chiến tranh, do bị hiểu lầm nhóm là tai sai cho giặc. Vì sống giữa bom đạn của chiến tranh nên tính mạng cũng không được bảo đảm, sống ngày nào thì tạ ơn Chúa ngày đó.
Tôi thường thắc mắc: Cha và các bác không sợ chết sao?
Cha tôi trả lời: “Chết ai không sợ nhưng có Chúa và Đức Mẹ bảo vệ nên mọi sự sẽ bình an”. Cha tôi có thói quen lần chuỗi cũng như luôn cầu nguyện với Chúa trong mọi lúc. Sức mạnh của Cha tôi là thánh lễ và chuỗi mân côi. Cha tôi kể khi còn ở nơi truyền giáo nằm trong vùng chiến tranh. Cha tôi đang ngồi chấm bài chỉ còn một quyển tập cuối cùng nữa là hết. Lúc đó Cha tôi cảm giác tự nhiên có một lực đẩy Cha tôi ngã xuống đất. Cha tôi vừa ngã xuống thì đúng lúc viên đạn bay tới gim đúng quyển tập cuối cùng để trên bàn. Mọi người chạy vào nói Cha tôi chết rồi nhưng thấy Cha tôi vẫn đứng đó một cách bình an. Cha tôi nói lần đó Đức Mẹ đã cứu Cha tôi thoát chết trong tích tắc khi viên đạn bay tới chỗ Cha tôi đang ngồi.
Tạ ơn Đức Mẹ đã cứu Cha tôi ngày đó, để có tôi ngày hôm nay.
Với đời sống đậm nét của Tin Mừng, Cha tôi và các bác đã “truyền nhiễm” cho nơi đây và những người ông gặp gỡ “một loại” ĐẠO YÊU THƯƠNG bằng chính đời sống của mình. Như lời trăn trối của Chúa Giêsu “Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga:35). Chính đời sống hiền lành và tình yêu thương thật sự của Cha tôi và các bác đã phần nào đó giới thiệu với mọi người một Thiên Chúa thánh thiện quyền phép vô cùng đã đem lòng yêu thương con người bao la vô bờ bến. Tôi thầm cảm ơn Chúa đã cho tôi làm con của Cha tôi. Chúa đã gửi tôi vào bàn tay giáo dục của ông, để cho tôi được mang cái gen đầy lửa nhiệt thành và một đức tin bền vững vào Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng các thánh. Cảm ơn Cha đã dành trọn cuộc đời để yêu thương và làm chứng cho tình yêu của Chúa. Cha đã xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền bá Đạo yêu thương cho mọi người cũng như con cháu. Giờ đây trên thiên đàng xin Cha tiếp tục tiếp lửa cho con để con cũng có tinh thần “bùng cháy” sống hết tình và phục vụ hết mình như Cha đã từng sống.
Tôi vẫn đang còn trong vòng suy tư thì một cơn gió mát thoảng qua đã kéo tôi lại với thực tại. Tôi tiếp tục nghe triển khai kế hoạch của Sr phụ trách và chị em.
Sống giữa đại dịch Covid mọi tiếp xúc cho kế hoạch có phần hạn chế vì chúng tôi phải tuân thủ khoảng cách nhất định, cần “tiết kiệm lời nói”, thời gian gặp gỡ cũng hạn chế để đảm bảo sự an toàn cho cá nhân và cộng đoàn. Sống trong cơn bão dịch, chúng tôi không thể thiếu cảnh giác. Tuy vậy chúng tôi không để mình bị đánh bại bởi hoàn cảnh. Lúc này hai mũi vắc-xin là điều quý giá. Chúa đã thương cho cả nhà đều đủ điều kiện để “xong pha” lên đường. Người thì mang xôi, bánh mì, thuốc đi bệnh viện, người thì đi tiếp tế xôi cho khu bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân nhiễm Covid, người thì đi viện cô nhi, người thì đến với các người già neo đơn… Còn tôi thì một mũi vắc-xin nên đi lòng vòng trong xóm với 100 phần quà cho các bé. Nhóm tôi có hai người. Sau khi “tiễn” cả nhà lên đường thì hai chúng tôi mới xuất phát. Ở trong xóm chứ có khi nào tôi đã đi quanh xóm được mấy lần đâu.
Ngày thế giới truyền giáo lần này hai chị em tôi đi ra “vùng ngoại bên”. Trong khoảng hai tiếng, chúng tôi đã đi, đã nhìn và đã nghe những mảnh đời trong chuyện cổ tích phiên bản đời thực. Tôi nhìn vào sâu trong ánh mắt những người tôi gặp gỡ dường như có niềm khao khát từ thẳm sâu nào đó mà không thể diễn tả bằng lời. Tôi tự hỏi: những anh chị em ngoài Công giáo, có bao giờ họ nghe về Đạo Tình Thương của người Công Giáo không? Nghe như thế nào? Có trung thực không? Như lời của thánh Phaolô Tông đồ: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe nói tới? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Những câu hỏi đó cứ theo tôi suốt quãng đường chạy quanh xóm.
Trên đường chúng tôi đi thì bỗng nhiên xuất hiện một đàn trâu khoảng 30 con đang hiên ngang đi giữa đường. Tôi dừng xe và yêu cầu đồng đội tôi đi đến tiếp xúc với đàn trâu. Chúng tôi bắc chước thánh An Tôn giảng lời Chúa cho cá nghe. Chúng tôi chỉ nghịch thôi nhưng ai ngờ đàn trâu đang đi bỗng toàn bộ đứng lại vảnh tai hướng mắt về đồng đội của tôi như đang lắng nghe, em ấy hát bài ca tạo vật cho đàn trâu nghe. Tôi chứng kiến cảnh đàn trâu đứng yên nhìn và lắng nghe em tôi hát. Tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Từ đây không ai được nói là đàn khải tai trâu nhe vì chúng có biết nghe.
Dường như chúng cũng hiệp ý với chúng tôi mà ca ngợi Chúa ngay giữa Sài Gòn phồn hoa kẻ qua người lại. Chắc những người đi đường chứng kiến cảnh đó nói chúng tôi điên. Nhưng chúng tôi cảm thấy vui vì cái điên đó. Vì Đức Ki-tô, chúng tôi chấp nhận sự điên rồi để danh Chúa được rạng sáng nơi nào còn bóng tối tăm của thần chết bao phủ.
Ngày Truyền giáo kết thúc, chúng tôi ngồi lại kể nhau nghe những háo hức trải nghiệm thực tiễn của bản thân. “Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. (Tv 117,1).
Tháng truyền giáo cũng dần trôi qua, nhưng trong tôi mỗi ngày trong đời sống đều mang sứ mạng truyền giáo của người Kitô hữu. Tôi nhắc nhở bản thân mình phải luôn tỉnh thức nếu những việc chúng ta làm cho tha nhân không đặt trọn tình yêu của Chúa vào thì công việc chỉ là làm từ thiện. Công việc từ thiện đó thiếu đi sự phản ảnh được cái “gốc”, cái bản chất thật “Thiên Chúa Là Tình Yêu”. Chính đời sống yêu thương của chúng ta phải phản ánh tình yêu tinh tuyền này để khi người ngoài nhìn vào họ sẽ thốt lên “kìa xem những Kitô hữu yêu thương nhau dường nào!” Bằng tình yêu thương “đậm chất” Kitô mới có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với những người chưa có đức tin.
Hy vọng ngọn lửa truyền giáo luôn bừng cháy trong tim mỗi người mang danh Công giáo, thúc bách họ chu toàn sứ mạng mà Chúa Giêsu giao phó: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp cùng bờ cõi trái đất”.
Ước gì mỗi người chúng con là khí cụ tình yêu của sự bình an để chúng con đem Tin Mừng đến cho mọi người thuộc mọi tầng lớp của xã hội.
Agnes Lữ Hành
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.