Các giám mục Pháp cam kết thay đổi cách quản trị sau báo cáo về lạm dụng tính dục
Hồng Thủy - Vatican News
Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp Eric de Moulins-Beaufort nhìn nhận rằng Giáo hội tại Pháp phải bắt đầu một con đường thanh tẩy và canh tân. Trong bài phát biểu kết thúc đại hội, ngài cho biết các Giám mục đã bỏ phiếu thông qua một “sự đổi mới rộng lớn các thực hành quản trị của chúng ta ở cấp giáo phận và ở cấp quốc gia của Giáo hội ở Pháp”.
Nhìn nhận trách nhiệm tập thể
Đức tổng giám mục de Moulins-Beaufort lưu ý rằng các Giám mục đã công khai công nhận “trách nhiệm tập thể của Giáo hội” của họ và bắt đầu con đường “nhìn nhận và sửa chữa, mở ra khả năng hòa giải và bồi thường cho các nạn nhân”.
Ngài nói thêm rằng Giáo hội ở Pháp đã thực hiện bước này “trong khi nghĩ đến mỗi và mọi nạn nhân, mỗi trẻ em – cậu bé, cô bé và thanh thiếu niên – những người thầm khóc trong sâu thẳm tâm hồn và có khả năng sẽ vẫn còn như vậy cho đến ngày cuối cùng của cuộc sống trưởng thành của họ”.
Thay đổi cách quản trị
Theo Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp, đã đến lúc cần có một sự thay đổi sâu sắc ở cấp độ thể chế. Ngài nói: “Bắt đầu từ việc xem xét các nạn nhân, chúng tôi đã quyết định bắt đầu làm việc về cách thức hoạt động của Giáo hội của chúng ta một cách rộng rãi”. Ngài chỉ ra rằng những bước này trùng hợp với tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra, được khai mạc bởi Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 10.
Cầu nguyện và thống hối
Hôm ngày 7/11, trong giây phút suy tư và thống hối tưởng nhớ vô số các nạn nhân bị lạm dụng tính dục trong Giáo hội, các giám mục Pháp đã quỳ gối trước Thánh giá ở quảng trường trước đền thờ Đức Mẹ Mân Côi và cầu nguyện xin ơn tha thứ.
Các biện pháp chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị các giám mục, Đức tổng giám mục Moulins-Beaufort đã trình bày các biện pháp được các Giám mục Pháp thông qua để chống lại nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Các ngài xin Đức Thánh Cha cử một đoàn thanh tra để đánh giá nhiệm vụ bảo vệ trẻ vị thành niên và nếu cần thiết, đưa ra sự giám sát cần thiết sau cuộc thanh tra.
Một số quyết định khác như việc thành lập một tòa án giáo luật, sẽ được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 4 năm 2022. Nó sẽ thực hiện quyền tài phán đối với tất cả các giáo phận để xét xử sơ thẩm. Ở cấp độ dân sự, việc ký kết các nghị định thư giữa các giáo phận và các công tố viên sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Hệ thống này đã được giới thiệu ở 17 giáo phận, bao gồm cả Paris.
Hội đồng giám mục cũng thông báo thành lập một cơ quan nhìn nhận và đền bù, do bà Marie Derain de Vaucresson, luật sư và chủ tịch của Bộ Tư pháp đứng đầu. Quỹ bồi thường sẽ được tài trợ “bằng việc chuyển giao bất động sản và động sản của Hội đồng giám mục và các giáo phận”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.