Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh
Hồng Thủy - Vatican News
Những cử chỉ nhỏ được Đức Thánh mời gọi thực hiện để chuẩn bị tốt nhất có thể cho sự ra đời của Đấng Cứu Thế, ví dụ như một cuộc điện thoại cho một người đơn độc, một cuộc viếng thăm người già hoặc người ốm đau, một lời cầu nguyện, hoặc món quà của sự tha thứ, món nợ phải trả, giúp đỡ người nghèo. Tóm lại, đó là một đức tin được cụ thể hóa, giúp chúng ta đón Chúa Giêsu Hài Đồng một cách trọn vẹn. Và trên thế giới, từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Á, hay châu Phi, không thiếu những chứng tá đức tin cụ thể này.
Đi gặp tha nhân với tình yêu của Chúa Kitô
Vào chiều tối ở Elvas, Bồ Đào Nha, sơ Fátima Magalhães, một nữ tu dòng thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đi ra ngoài để giúp đỡ những người vô gia cư trú ẩn trong sảnh vào của một tòa nhà, cạnh một cái cây, trên một chiếc ghế dài. Đồng hành cùng sơ có rất nhiều tình nguyện viên mang bữa ăn nóng đến cho những người khó khăn. Đây là dự án xã hội “Những bước đi trong đêm”, được hỗ trợ bởi giáo phận địa phương, đặc biệt là trong mùa Giáng sinh. Ngoài dự án “Những bước đi trong đêm”, sơ Fatima còn điều phối nhiều dự án xã hội khác. Ví dụ, vào ngày 24/12, sơ sẽ điều hành hai lần trao quà đặc biệt: một lần ở nhà tù, cho con em của các tù nhân và một lần cho trẻ em tại các trung tâm tiếp nhận. Sơ Fatima nhấn mạnh: “Tôi đi ra ngoài để gặp gỡ tha nhân với cùng tình yêu như khi chúng ta đón Chúa Giêsu trong đêm Giáng sinh. Nếu chúng ta không đi với tinh thần này, thì nó không có giá trị”.
Giúp đỡ trẻ em
Nhưng niềm tin cũng có thể trở thành cụ thể nhờ quân đội: ví dụ, vào ngày 8/12 vừa qua, quân đội Ý làm việc tại Latvia đã trao một khoản quyên góp trị giá 2.400 euro cho Hội Chữ thập đỏ địa phương. Số tiền này sẽ được phân bổ cho những trẻ em đang ở trong các trung tâm do tổ chức quản lý, để các em có một Giáng sinh tốt đẹp hơn, không chỉ nhờ những nhu cầu thiết yếu mà còn nhờ niềm vui khi biết rằng các em không đơn độc trên thế giới, bởi vì có người chăm sóc cho các em, với tình người cao cả. Việc gây quỹ là kết quả của một sáng kiến do “Binh đoàn Ý miền Campania” phát động, và sau đó đã được tăng lên với sự đóng góp của các nhân viên của Đại sứ quán Ý tại Latvia và quân đội làm việc trên lãnh thổ.
Chống lại sự cô đơn của người già
Tại Đức, người Công giáo có thể tham gia chiến dịch “trao niềm hy vọng bây giờ” nhằm chống lại vết thương của sự cô đơn. Trang web của Hội đồng Giám mục Đức viết: “Theo một nghiên cứu của Ủy ban Châu, cảm giác cô đơn của mọi người đã tăng lên khắp Châu Âu trong đại dịch Covid-19. Trên thực tế, vào năm 2016, khoảng 12% công dân Liên minh châu Âu và 9% người Đức cho biết họ cảm thấy cô đơn, trong khi vào năm 2020, con số này đã tăng lên 25%. Điều này có nghĩa là cứ bốn người ở Đức thì có một người đơn độc”. Để chống lại tai họa sẽ tồi tệ hơn trong mùa Giáng sinh này, Giáo hội địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó có YoungCaritas, ứng dụng của các hiệp hội Caritas cho sự dấn thân xã hội của những người trẻ: đặc biệt nhắm đến trẻ em, dự án khuyến khích các em viết một lá thư, một bài thơ, một câu chuyện để gửi - cũng ở dạng điện tử - cho một người già trong viện dưỡng lão. Trang web của Hội đồng giám mục Đức viết rằng đối với những người ở độ tuổi thứ ba, “thật an ủi khi biết rằng họ đã không bị lãng quên”, và họ sẽ vui mừng “tham gia một chút, cách gián tiếp, vào cuộc sống hàng ngày của các trẻ em”.
Liên đới với những người gặp khó khăn
Tại châu Mỹ, “các cử chỉ cụ thể nhỏ” có thể được thực hiện nhờ nhiều sáng kiến của Caritas quốc gia: gần đây, các quốc gia như Brazil và Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi một loạt các cơn bão và lốc xoáy phá hủy hoàn toàn một số khu vực. Tại Brazil, các khu vực Bahia và Minas Gerais bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi có khoảng 70 thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp và hơn 70.000 người bị thiệt hại theo nhiều cách khác nhau do mưa bão; nhiều nạn nhân thiệt mạng và gần 20.000 người phải di dời. Vì lý do này, Caritas và Hội đồng Giám mục Brazil đã phát động chiến dịch “#SOS Bahia và Mina Gerais: tình liên đới chan hòa”, để có thể gây quỹ mua thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cho người dân, bao gồm cả các thiết bị bảo vệ chống Covid, do tình trạng khẩn cấp về đại dịch ở quốc gia này vẫn còn nghiêm trọng.
Cầu nguyện cho người đau khổ
Tại Hoa Kỳ, nơi sáu bang miền Trung Tây đã hứng chịu hàng loạt trận lốc xoáy chưa từng có, với hàng trăm người chết. Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng đó là một tình cảnh “đau lòng” và yêu cầu các tín hữu “trong thời gian Mùa Vọng này, khi chúng ta hân hoan chờ đợi sự ra đời của Chúa, cầu nguyện cho các nạn nhân, những người bị thương, gia đình của họ và cộng đồng đang than khóc, cũng như cho những người cứu hộ và cho bất kỳ ai đang cung cấp cho nhu cầu của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, để họ có thể tìm thấy “sự bình an, an ủi và hy vọng trong đức tin của chúng ta và vào tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa”. Ngoài việc cầu nguyện, những người có thiện chí còn được mời đến để hỗ trợ công việc của các tổ chức Caritas của quốc gia.
Chăm sóc để mang lại hy vọng
Và tình liên đới cũng có thể được cảm nhận ở Argentina, nơi Caritas đã phát động một cuộc lạc quyên mang tên “Giáng sinh đổi mới chúng ta”: được tiến hành từ ngày 8-31/12; sáng kiến này cũng dành cho những người ngoại đạo, và muốn là một cử chỉ cụ thể hướng đến những người gặp khó khăn về kinh tế do đại dịch. Đức cha Carlos Tissera, chủ tịch Caritas Argentina giải thích: “Chúng tôi chia sẻ niềm vui Giáng sinh bằng cách cho đi nhiều hơn, bằng cách đóng góp những gì có thể, để tất cả người dân Argentina có thể nhận được sự dịu dàng chăm sóc, giữa quá nhiều nỗi đau”. Ngài nói thêm: “Giáng sinh tiếp tục là một cử hành của hy vọng. Đó là một lời mời để bắt đầu lại, một cơ hội để tạ ơn cuộc sống”. Do đó, ngài mời gọi hãy đến trợ giúp những người túng thiếu nhất về vật chất, theo “ngôi sao của Bêlem dẫn chúng ta đến gặp Hài Nhi Giêsu, Đấng đang sống cách mầu nhiệm nơi mỗi con người”. (CSR)
Gần gũi với người di dân
Tại Libya, các tín hữu gần gũi với người di dân trong dịp lễ Giáng sinh. Nhiều phụ nữ và đàn ông từ miền trung châu Phi đến Libya và đến xin văn phòng Caritas giúp đỡ. Đức cha George Bugeja, dòng Phanxicô, Đại diện Tông Tòa của Tripoli, cho biết: “Có rất nhiều người di cư đến với chúng tôi những ngày này. Họ đến từ Sudan hoặc Eritrea và đã đăng ký tị nạn hoặc xin tị nạn. Đức cha giải thích: “Những người đến Caritas yêu cầu chúng tôi can thiệp với Cao ủy Tị nạn để có cơ hội rời Libya càng sớm càng tốt và đến đất nước mà họ có thể bắt đầu cuộc sống mới. Trong số đó có rất nhiều trẻ em và hoàn cảnh các em đang sống thực sự rất bấp bênh”. Đức cha cho biết có hơn 2.000 người đang cắm trại bên ngoài trung tâm cộng đồng của Liên Hiệp quốc. Họ muốn tiếng kêu cứu tuyệt vọng của họ được lắng nghe nhưng tình hình có nguy cơ xấu đi. Đây là lý do tại sao tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì những can thiệp của ngài có lợi cho những người di cư ở Libya: trong một trong những sự kiện gần đây nhất, ngài đã kêu gọi tấm lòng của những người có trách nhiệm của chính phủ, mời gọi họ xây dựng những cây cầu chứ không phải những bức tường”.
Do đó, đối với cộng đồng Công giáo ở Tripoli, ngoài vị đại diện tông tòa, chỉ có một số nữ tu và một vài tu huynh, đây sẽ là một lễ Giáng sinh trong cử chỉ đón tiếp. Đức cha Bugeja cho biết, tại đất nước theo Hồi giáo này, “Giáng sinh sẽ là một ngày giống như bất kỳ ngày nào khác ở đây. Nhưng năm nay chúng tôi sẽ kỷ niệm ngày lễ trong một bầu không khí khác. Bởi vì, nếu các quy định được tôn trọng và không có thay đổi, cuộc bầu cử dân chủ sẽ được tổ chức vào ngày 24/12 sắp tới. Chúng tôi hy vọng rằng mọi thứ diễn ra tốt đẹp và không có căng thẳng quá mức”. (Avvenire 18/12/2021)
Chăm sóc trẻ em đường phố
Tại Ấn Độ, đền thánh Chúa Giêsu Hài Đồng ở Nashik, bang Maharashtra, Ấn Độ, đã bắt đầu các cử hành cho lễ Giáng sinh vào Chúa Nhật ngày 19/12 bằng một lễ hội với 40 trẻ em đường phố và 15 người mẹ của các em. Cùng với đồ ăn và giải trí, mỗi đứa trẻ được nhận một món đồ chơi, trong khi các bà mẹ được phát những gói thực phẩm và 200 rupee để mua sắm theo nhu cầu của họ.
Cha Errol Fernandes, Dòng Tên, giám đốc đền thánh cho biết: “Những gia đình đường phố này chủ yếu là những người bộ tộc đến từ Rajasthan, những người kiếm sống qua ngày bằng nghề bốc vác hoặc bán đồ gốm trước cửa lều của họ.”
Cộng đoàn Dòng Tên tại đền thánh Chúa Hài Đồng đã hoạt động rất tích cực trong thời kỳ đại dịch xảy ra: vào tháng 6, họ đã bắt đầu đi thăm những người nghèo trên đường phố và trong các khu ổ chuột, mang đến cho họ những lời an ủi cũng như giúp đỡ về vật chất để có đủ thức ăn đến hai tuần.
Theo cha Fernandes, “bóng đen của đại dịch vẫn tiếp tục ở giữa chúng ta. Nhưng chúng tôi biết rằng, bất chấp thách thức này, chúng tôi được kêu gọi tiếp tục nhìn về phía trước. Bạn biết rằng chúng ta sẽ có đủ can đảm để làm những gì chúng ta phải làm hàng ngày, chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa sẽ làm mọi thứ còn lại. Xin cho Chúa Kitô, Đấng sinh ra trong thế giới chúng ta, cũng được sinh ra trong lòng và trong ngôi nhà của chúng ta”. (Asia News 20/12/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.