TGM Gallagher: Người dân vô tội sẽ chịu đau khổ bởi xung đột ở Ucraina
Hồng Thủy - Vatican News
Chủ sự giờ cầu nguyện tại đền thờ Đức Maria ở khu vực Trastevere của Roma, Đức tổng giám mục Gallagher nói: “Tất cả chúng ta đều biết chiến tranh bi thảm như thế nào và chúng ta phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng liên tục trước mắt, thậm chí còn rõ ràng hơn trong thời đại của chúng ta.”
Giờ cầu nguyện được cộng đoàn thánh Egidio tổ chức, cùng thời gian với giờ cầu nguyện được cộng đoàn tổ chức tại thủ đô Kiev của Ucraina, đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Ucraina trong bối cảnh đáng lo ngại về khả năng Nga xâm nhập sâu hơn vào quốc gia Đông Âu này.
Đau khổ do bàn tay của con người
Ngoại trưởng Tòa Thánh nói: “Thật đáng buồn khi thấy toàn thể dân chúng bị chia cắt bởi quá nhiều đau khổ không phải do thiên tai hoặc các sự kiện vượt quá sức người gây ra, mà là do ‘bàn tay của con người’, bằng những hành động được thực hiện không phải trong cơn thịnh nộ, nhưng cẩn thận được tính toán và thực hiện một cách có hệ thống.”
Trách nhiệm chung trong việc thúc đẩy hoà bình
Trước những tình huống như vậy, theo Đức tổng Gallagher, tất cả chúng ta phải nhận ra trách nhiệm chung của chúng ta trong việc thúc đẩy hòa bình. Và ngài đưa ra lời mời gọi: “Hôm nay chúng ta hãy mở lòng với Thiên Chúa, Đấng ‘có kế hoạch cho chúng ta, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương’ (Gr 29,11), và là Đấng đã sai Con của Người đến thế gian để rao truyền hòa bình cho mọi người và để hòa giải chúng ta với Chúa Cha.”
Con người mới sống trong hòa bình và tin tưởng vào sức mạnh của hòa bình
Ngoại trưởng Tòa Thánh nói rằng chúng ta nhìn nhận mình là anh chị em với những người gây ra xung đột và những người gánh chịu hậu quả của chúng. Ngài mời gọi dâng lên Chúa Cha cả trách nhiệm nghiêm trọng của người gây ra xung đột và nỗi đau của người hứng chịu hậu quả, đồng thời khẳng định rằng chính chúng ta phải khẩn nài và dấn thân để một con người mới sống trong hòa bình và tin tưởng vào sức mạnh của hòa bình được tái sinh trong tâm hồn mọi người.
Chiến tranh Nga-Ucraina bắt đầu vào tháng 2/2014, tập trung vào phía đông Ucraina. Theo Caritas Quốc tế, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người và khiến 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Các bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn từ tháng 7/2020 nhưng mới đây Nga đã gửi 100.000 quân đến biên giới với Ucraina. (CNA 26/01/2022)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.