Tìm kiếm

Benedetto-XVI.jpeg

Đức Ratzinger-Biển Đức 16: “Cây ngay không sợ chết đứng”

Sau khi Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, 95 tuổi, trả lời một cách rất khiêm tốn cho những lời cáo buộc mà phúc trình của Văn phòng Luật sư ở Munich đưa ra, cũng như những đợt tấn công ồ ạt từ nước Đức chống bản thân ngài về phúc trình đó, dư luận càng thấy sự thất bại của những người muốn phá tan sự nghiệp và chính danh dự của ngài.

G. Trần Đức Anh O.P

Phúc trình điều tra

“Quả bom” bắt đầu nổ từ ngày 20/01/2022 với cuộc công bố kết quả cuộc điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong tổng giáo phận Munich từ 1945 đến 2019 do ĐHY Reinhard Marx, TGM giáo phận sở tại, thuê Văn phòng Luật sư “Westpfahl Spilker Wastl” thực hiện từ tháng 02/2020.

Kết quả điều tra dài gần 1900 trang cho thấy trong 74 năm, đã có ít nhất 497 nạn nhân bị lạm dụng trong giáo phận Munich. Trong số 235 thủ phạm, có 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ và 48 giáo chức tại các trường Công Giáo. Phúc trình xác quyết sự lỗi trách nhiệm của các vị TGM tại đây, trong đó ĐHY Joseph Ratzinger, trong 4 năm rưỡi làm TGM Munich, đã sai lỗi 3 lần vì không xử lý, ém nhẹm, những vụ giáo sĩ lạm dụng đã biết được.

Ít lâu trước khi công bố Phúc trình, hãng luật sư nói trên đã yêu cầu Đức Biển Đức 16 trả lời các câu hỏi và ngài viết 82 trang cho Văn phòng luật sư. Sau khi phúc trình được công bố, ngài công bố thư nói rằng trong bản trả lời đã gửi, có một lỗi, đó là ngài có hiện diện trong phiên họp ngày 15/01/1980 tại Tòa giám mục Munich về vụ một linh mục X, sau này bị cáo là kẻ lạm dụng tính dục.

Những cuộc tấn công

Sau khi Phúc trình được công bố, các cuộc phê bình và “tấn công” Đức nguyên Giáo Hoàng bùng lên từ Đức. Thậm chí có người cáo buộc ngài là “kẻ nói dối”. Trong số đông đảo những người phê bình, người ta đặc biệt chú ý đến Đức Cha Georg Baetzing, GM giáo phận Limburg, Chủ tịch HĐGM Đức. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình ZDF của Đức, Đức Cha Baetzing phê bình Đức Biển Đức 16 và bày tỏ hy vọng “Đức Biển Đức nhận ra sự hoang mang và phẫn nộ mà những lời tuyên bố khác nhau của ngài đã gây ra tại đất nước chúng tôi... Tôi hy vọng ngài đừng nghe các cố vấn của mình và hãy đưa ra một tuyên ngôn rõ ràng rằng “tôi đã lầm lỗi và tôi xin lỗi”.

Đây là lần đầu tiên một GM phê bình Đức nguyên Giáo Hoàng. Đức Cha Baetzing cũng nói rằng nay người ta thấy rõ ràng “Giáo Hội đã hành xử một cách thảm hại trong những vụ này, kể cả các vị lãnh đạo Giáo Hội, trong đó có vị nguyên Giáo Hoàng. Tôi xấu hổ vì chúng tôi có một quá khứ như thế và để tái lập uy tín, chúng tôi phải kiên quyết đối diện với sự thật dù đau lòng đến đâu đi nữa”.

Thanh minh của Đức Biển Đức 16

Trong thư công bố ngày 8/2/2022, Đức Biển Đức 16 bày tỏ đau buồn vì những vụ lạm dụng và những sai lầm xảy ra tại các nơi ngài đã phục vụ. Ngài ví tình trạng đó và cũng là của Giáo Hội nói chung bấy giờ, giống như lúc Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, lo lắng, run sợ nhưng các môn đệ vẫn ngủ vùi. Ngài nhắc đến kinh Cáo Mình vẫn đọc đầu thánh lễ, có câu “Lỗi tại tôi mọi đàng”, thúc đẩy phải thống hối, nhưng đồng thời Đức Biển Đức 16 bày tỏ lòng tín thác nơi ơn tha thứ của Chúa. “Chúa tha thứ cho tôi, nếu tôi chân thành để Chúa xem xét và nếu tôi thực sự sẵn sàng thay đổi bản thân”.

Nhận xét của 4 chuyên gia

Kèm theo lá thư trên là những nhận xét của 4 chuyên gia cộng tác viên, giúp Đức Biển Đức 16 đọc 8 ngàn trang tài liệu dưới dạng kỹ thuật số của các chuyên gia thuộc văn phòng luật sư, trong đó có nhiều chuyên gia giáo luật. Các cộng tác viên chỉ được đọc văn bản trên mạng, không được lưu lại hoặc in ra hay tải xuống. 4 chuyên gia đó đã giúp ngài viết 82 trang trả lời cho bản điều tra. Và nay họ cũng giúp ngài đọc phúc trình dài gần 2 ngàn trang mới công bố.

Trước tiên các cộng tác viên của Đức Biển Đức 16 nhìn nhận đã sai khi viết trong 82 trang và đã ghi Đức TGM Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp của Tòa giám mục ngày 15/01/1980, nhưng thực ra ngài đã có mặt. Sự sai lầm này là do lỗi của tiến sĩ Stefan Korta vô tình ghi chép sai, chứ không vì Đức Biển Đức 16 nói dối. Đàng khác, không có lý do gì để khẳng định Đức TGM không có mặt trong cuộc họp vì biên bản cuộc họp đều ghi ngài có mặt.

Cuộc họp hôm đó chỉ cứu xét và quyết định cho linh mục X đến giáo phận Munich để chữa bệnh chứ không phải để cho phép đương sự được làm mục vụ tại đây như phúc trình của các chuyên gia cáo buộc và cho rằng Đức TGM Ratzinger đã nói dối.

Trong 3 trường hợp khác, phúc trình cáo buộc Đức Biển Đức 16 đã biết mấy linh mục lạm dụng mà cứ để họ làm việc mục vụ mà không xử lý. Các cộng tác viên của Đức nguyên Giáo Hoàng nhận xét rằng phúc trình của ban chuyên gia do tòa TGM Munich thuê điều tra đã không trưng dẫn bằng cớ nào chứng tỏ Đức Ratzinger đã biết những vụ lạm dụng ấy.

Phúc trình điều tra cũng nói rằng Đức Ratzinger coi nhẹ những hành vi cha sở X phô trương cơ quan sinh dục của mình mặc dù linh mục này khét tiếng về những hành động như vậy. Các cộng tác viên của Đức Biển Đức 16 nhận xét rằng câu nói được các nhà điều tra trưng dẫn để buộc tội Đức TGM như thế đã bị lấy ra khỏi mạch văn. Trong thực tế Đức Biển Đức 16 khẳng định rất rõ rằng những vụ lạm dụng, kể cả những hành vi phô trương cơ quan sinh dục đều là kinh khủng, tội lỗi, đáng trách về luân lý, không thể đền bù được. Xét về phương diện giáo luật hiện hành, việc phô trương như thế không phải là một tội ác đúng nghĩa.

Đức TGM Gaenswein lên tiếng

Về phần Đức TGM Georg Gaeswein, bí thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) số ra ngày 9/2/2022 ở Ý, đã tố giác rằng “Có một trào lưu muốn tiêu diệt con người và công trình của Đức nguyên Giáo Hoàng. Họ không bao giờ yêu mến ngài, nền thần học và triều đại Giáo Hoàng của ngài. Và bây giờ họ có cơ hội lý tưởng để thanh toán ngài. Rất tiếc là nhiều người để cho mình bị lường gạt vì cuộc tấn công hèn hạ như thế, có bao nhiêu là bùn nhơ. Thật là điều đáng buồn”.

Đức TGM Gaenswein nói thêm rằng: “Những ai ở gần Đức nguyên Giáo Hoàng đều biết những gì Đức Ratzinger-Biển Đức 16 đã nói và đã làm về vấn đề lạm dụng tính dục trẻ em. Ngài là người đầu tiên đã hành động, trong tư cách là Hồng Y rồi tiếp tục đường hướng minh bạch ấy khi làm Giáo Hoàng. Ngay dưới thời ĐGH Gioan Phaolo 2, ngài đã thay đổi não trạng thịnh hành thời đó và đề ra đường hướng mà chính ĐGH Phanxicô đang tiếp tục. Đó là thực tế và rất khác với những gì đang được lưu hành nơi nhiều cơ quan truyền thông” (Corriere della sera 9-2-2022)

Trong một cuộc phỏng vấn khác, dành cho Chương trình TG1 ở Ý, Đức TGM Gaenswein cũng tiết lộ: ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp hỗ trợ Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16: “Có một thư rất đẹp của ĐGH Phanxicô được gửi đến Đức Biển Đức 16, trong đó ĐTC nói như một mục tử, một người anh em và cũng nói như một người tái bày tỏ sự hoàn toàn tín nhiệm, sự hỗ trợ hoàn toàn cũng như sự cầu nguyện của ngài cho Đức Biển Đức 16”.

Đức TGM Gaenswein cũng nói rằng: “Ai đọc thư của Đức Biển Đức 16 một cách chân thành, cách thức thư được viết ra, thì không thể đồng ý với những lời phê bình hoặc những lời cáo buộc. Ngài xin lỗi tất cả các nạn nhân những vụ lạm dụng”.

Đức TGM bí thư cũng nhắc lại rằng “Nhân dịp buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể thứ sáu Tuần Thánh năm 2005, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã yêu cầu ĐGH Ratzinger viết các bài suy niệm, có một chặng nổi tiếng trong đó ĐHY nói về sự ô uế trong Giáo Hội. Có những đoạn, những văn kiện, những bằng chứng cho thấy ĐHY Ratzinger, ĐGH Biển Đức, đã làm rất nhiều trong lãnh vực tế nhị này để thực hiện một sự thanh tẩy nội bộ một cách thích hợp”.

Về sự khẳng định của phúc trình điều tra nói rằng Đức TGM Ratzinger không thể không biết vụ 3 linh mục lạm dụng tính dục, Đức TGM Gaenswein trả lời: “Nếu họ có bằng chứng thì phải nói: ‘đây là bằng cớ chứng tỏ chính ông có lỗi’, chứ không phải người bị cáo buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Nhưng trong trường hợp này không có bằng chứng nào được trưng dẫn”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

14 tháng hai 2022, 09:36