Bà Bridget Tan, nhà hoạt động Công giáo Singapore dấn thân cho di dân
Ngọc Yến - Vatican News
Trong những ngày này, các nhà hoạt động và hiệp hội nhân quyền ở Singapore và khắp châu Á đang để tang về sự ra đi của bà Bridget Tan, người đi đầu trong cuộc đấu tranh vì người lao động nhập cư và là người sáng lập Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư (HOME). Người phụ nữ, một trong những nhân vật Công giáo nổi bật nhất ở Singapore, đã qua đời vào ngày 18/4/2022 ở tuổi 73, bảy năm sau một cơn đột quỵ xảy ra vào năm 2014.
Bà Bridget Tan sinh năm 1948, là con thứ ba trong gia đình có 4 người con. Cha là bác sĩ và mẹ là một phụ nữ nội trợ. Được giáo dục tại Tu viện Chúa Hài đồng Giêsu (CHIJ) ở Katong, một trường trung học dành cho nữ sinh Công giáo, bà làm việc trong lĩnh vực nhân sự trong khu vực tư nhân cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 55. Bà có hai con, một là bác sĩ và một là tâm lý gia, và sáu cháu.
Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục làm tình nguyện viên, bắt đầu với Ủy ban Mục vụ Chăm sóc Người Di cư của Tổng Giáo phận Singapore do bà làm chủ tịch. Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư ra đời vào năm 2004 bằng tiền hưu trí của bà, để cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người di cư. Cùng năm đó, tại Indonesia bà thành lập Tổ chức Phụ nữ Indonesia vì Thế giới.
Mối liên hệ sâu sắc của bà với đức tin Công giáo không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm, nhưng còn từ những bài phát biểu công khai của bà. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, bà nói rằng bà “cảm nhận được tiếng gọi của Chúa” khi một linh mục đặc trách về mục vụ di dân thúc giục bà tham gia ủy ban của Tổng Giáo phận. Từ Uỷ ban nay, bà đã khởi xướng các chương trình hỗ trợ, phân phối thực phẩm và đào tạo.
Trong những năm gần đây, Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư đã mở rộng các hoạt động, bao gồm cả việc hỗ trợ cho các nạn nhân của nô lệ tình dục và buôn người.
Mỗi năm, có 2.000 người lao động được Tổ chức tư vấn về việc làm, hỗ trợ pháp lý, tài chính và dịch vụ y tế. Hiện có 700 người giúp việc gia đình nhập cư là nạn nhân của lạm dụng và bóc lột đang được hỗ trợ tại trung tâm của Tổ chức. Trung bình mỗi năm có 1.600 phụ nữ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng.
Bà Bridget cũng hoạt động tích cực trên các nền tảng vận động quốc tế và khu vực. Bà đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình bởi tổ chức PeaceWomen Across the Globe vào năm 2005. Năm 2011, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vinh danh bà vì hành động can đảm nhằm chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại, cuộc chiến chống nạn buôn người. Bà cũng đã nhận được giải thưởng từ chính phủ Thái Lan và Philippines vì dấn thân cho người lao động nhập cư. Năm 2010, bà đã được đề cử cho giải thưởng “Người châu Á của năm”. Năm năm sau, 2015 bà được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Singapore.
Lần đầu tiên bà xuất hiện trước công chúng sau khi bị bệnh vào tháng 12 năm 2014, trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư. Gần đây, bà đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tổ chức này, bao gồm chào đón và hỗ trợ những người giúp việc gia đình là nạn nhân bị lạm dụng, các chương trình đào tạo kỹ năng cũng như tư vấn pháp luật và việc làm cho lao động nhập cư.
Về sự ra đi của bà Bridget, trong một tuyên bố, Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư cho biết: “Bà Bridget là một người ủng hộ không mệt mỏi và đấu tranh cho quyền của người lao động nhập cư. Mặc dù Bridget đã rời xa chúng ta, cuộc chiến vì công lý và phẩm giá cho tất cả mọi người vẫn còn. Tổ chức cố gắng thực hiện công việc tốt đẹp mà bà đã bắt đầu, bằng lòng nhân ái với sự mạnh mẽ, kiên định. Cuộc sống của bà đã thực sự là nguồn cảm hứng cho nhiều người ở Singapore và các nước khác, giúp đỡ nhiều người từ lao động nhập cư và cả trẻ em. Di sản của bà sẽ ở mãi nơi đây, Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư.
Cũng trong tuyên bố, Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư nhấn mạnh: “Bà Bridget là một người bạn và đồng minh thực sự của những người di cư; bà luôn lắng nghe và giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Ngoài việc giúp đỡ những người lao động nhập cư ở Singapore, bà cũng dành thời gian ở Batam, Indonesia, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ địa phương”.
Bà Bridget từng nói: “Đối với tôi, công bằng xã hội là trách nhiệm của mỗi người. Người mạnh phải giúp đỡ người yếu; người giàu phải giúp đỡ người nghèo. Những người hiểu biết cần phải giúp đỡ những người chưa nhận thức đủ. Tất cả chúng ta đều có một phần để tham gia”. Trong một dịp khác bà nói: “Công việc không chấm dứt. Chừng nào Singapore cần lao động nhập cư thì họ sẽ còn phải cần Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.