Hoạt động mục vụ của Giáo hội Công giáo Ucraina trong thời chiến
Ngọc Yến - Vatican News
Cho tới nay, cuộc xâm lược của Nga vào Ucraina đã kéo dài hơn 4 tháng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Tổng Giám Mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Công giáo Đông phương Ucraina lo ngại cuộc chiến sẽ trở thành một cuộc “xung đột đóng băng”, trong đó các vấn đề cơ bản sẽ không được giải quyết, trong khi đó Ucraina tiếp tục phải hứng chịu các cuộc tấn công không thể đoán trước. Tuy nhiên về phía Giáo hội, Đức Tổng Giám Mục trưởng cho biết sứ vụ của Giáo hội là ở với người dân, bất cứ chuyện gì xảy ra. Và Giáo hội tiếp tục sống theo lời mời gọi này.
Sau đây là một số điểm được nói đến trong cuộc phỏng vấn của Aleteia với Đức Tổng Giám Mục trưởng Sviatoslav Shevchuk.
Đức Tổng Giám Mục có thể cho biết tổng quan về trải nghiệm của Đức Tổng từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24/02. Chiến tranh đã thay đổi cuộc sống và thói quen hàng ngày của Đức Tổng như thế nào?
Trước hết, tôi phải nói rằng cuộc chiến ở Ucraina đã bắt đầu cách đây 8 năm, nhưng nó chủ yếu được thực hiện ở miền Đông của Ucraina. Vào ngày 24/02, cuộc chiến đã tấn công chúng tôi trực tiếp tại thủ đô, vì Kiev là hướng chính, mục tiêu chính của quân Nga.
Tất cả thời gian tôi đã ở đây, tại Kiev. Phản ứng đầu tiên là một cú sốc lớn, bởi vì bạn không bao giờ có thể tưởng tượng được một thành phố xinh đẹp và rộng lớn như vậy có thể thay đổi đột ngột như vậy. Tất cả các cây cầu bị chặn, và hầu như không có khả năng di chuyển qua thành phố. Có những ngày, người ta tuyệt đối không được ra khỏi nhà. Ngay lập tức, các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc phải đóng cửa và đối với nhiều người hầu như không thể tìm thấy thức ăn ở một thành phố lớn như Kiev.
Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất là từ bầu trời, vì Kiev bị máy bay, tên lửa, pháo binh ném bom. Và đứng trước các cuộc không kích này, mọi người phải xuống hầm trú ẩn. Nhà thờ Chính toà của chúng tôi ngay lập tức được chuyển đổi thành một nơi trú ẩn. Mỗi ngày chúng tôi che chở cho gần 500 người. Chúng tôi đã ở bên nhau. Tất nhiên, chúng tôi ý thức được rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho những người đó, cho cuộc sống của họ. Chúng tôi bắt đầu tổ chức hậu cần đặc biệt để cung cấp thực phẩm, thuốc men, mọi thứ mà người dân cần để ở lại đó, vì trời lạnh. Tháng Hai là mùa đông ở Ucraina. Vì vậy, thật không dễ dàng tìm cách giữ ấm cho rất nhiều người.
Chúng tôi đã học được rất nhiều điều. Đầu tiên, chúng tôi học cách phân biệt nhiều loại âm thanh quân sự. Nó là một chiếc máy bay hay một chiếc trực thăng? Đó là đại bác, tên lửa hay pháo? Họ đang pháo kích chúng tôi, hay quân đội Ucraina đang pháo kích họ? Vì vậy, đó là một thời điểm rất khó khăn. Nhưng tạ ơn Chúa, chúng tôi đã sống sót.
Vào Chúa nhật đầu tiên sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, trong sứ điệp video hằng ngày, Đức Tổng đã nói rằng các vị mục tử đã đi vào các hệ thống tàu điện ngầm và hầm tránh bom để cử hành phụng vụ cho người dân. Xin Đức Tổng nói rõ hơn về hoạt động mục vụ này.
Vào Chúa nhật đó, lệnh giới nghiêm được ban hành, mọi người không thể đi trên đường phố. Và tất nhiên chúng tôi không thể cử hành phụng vụ trong các nhà thờ. Vì vậy, chúng tôi cố gắng đi đến những nơi mọi người đang tụ họp. Khi dân chúng không thể đến nhà thờ, thì Giáo hội đến với dân chúng.
Và các ga tàu điện ngầm và các hầm tránh bom như chúng tôi cũng có ở bên dưới nhà thờ Chính toà là những nơi mọi người đang trú ngụ. Tôi đã kêu gọi các mục tử, đặc biệt các linh mục ở Kiev, đi đến những nơi đó, ở bên cạnh dân chúng và cử hành phụng vụ với họ và cho họ.
Lúc đầu mọi sự rất khó khăn vì mọi người không mong đợi các linh mục đến. Và ở những nơi này thực sự cũng không xứng đáng để cử hành phụng vụ. Nhưng sau đó, không những mọi người ngạc nhiên mà còn rất vui vì sự hiện diện của các linh mục. Và ở những nơi này, có nhiều người lần đầu tiên lãnh nhận bí tích hoà giải. Họ không chỉ xin chúng tôi ở lại với họ một giờ nhưng ở lại với họ để họ được xưng tội, được nghe giảng Lời Chúa. Vì vậy, đó là thời điểm mục vụ rất đặc biệt.
Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã sống sót ở Kiev vì chúng tôi đã có những buổi cầu nguyện chung, sống tình liên đới. Trong hoàn cảnh chiến tranh như vậy, sự hiện diện của các linh mục giúp xua tan nỗi sợ hãi. Chúng tôi đã nhìn mọi sự diễn ra xung quanh bằng những cái nhìn khác nhau. Chúng tôi đã xua đuổi được kẻ thù, và không chỉ thành phố Kiev sống sót, nhưng cả các vùng xung quanh cũng được giải phóng.
Đức Tổng có nghĩ đến việc chuẩn bị hoặc kế hoạch dự phòng cho Giáo hội, trong trường hợp Nga tiếp quản Ucraina hoặc một phần Ucraina?
Kế hoạch của chúng tôi là ở lại với người dân của chúng tôi. Bởi vì đây là lịch sử của chúng tôi, lịch sử tử đạo và phục sinh. Và đó là sứ vụ và nhiệm vụ của chúng tôi.
Đức Tổng nghĩ sao về những nỗ lực của Đức Thánh Cha đã thực hiện trong cuộc chiến ở Ucraina? Đức Tổng có thường xuyên liên lạc với Đức Thánh Cha không? Theo Đức Tổng, Đức Thánh Cha đã hiểu được những gì mà Đức Tổng đã trình bày; và về phần Đức Tổng, ngài đã học được những gì qua những lần trò chuyện với Đức Thánh Cha?
Tôi liên lạc thường xuyên với Đức Thánh Cha. Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, Đức Thánh Cha gọi điện cho tôi và hứa sẽ làm mọi sự có thể để chấm dứt chiến tranh. Đức Thánh Cha rất cảm thông với nỗi đau khổ của người dân Ucraina. Nhưng ngài rất tế nhị trong cách diễn đạt, vì ngài tin rằng qua đối thoại người ta có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn. Toà Thánh luôn là nơi cho những cuộc gặp gỡ đối thoại, không phải là nơi cho các kế hoạch quân sự. Đó là điều mà chính Đức Thánh Cha và các cộng tác viên của Ngoại trưởng Toà Thánh đang cố gắng thực hiện.
Tôi phải nói rằng Đức Thánh Cha luôn được thông báo về những gì đang diễn ra ở Ucraina. Và ngài luôn sẵn sàng để đến thăm chúng tôi khi tình hình cho phép. Đức Thánh Cha rất mạnh mẽ trong các cử chỉ và ý muốn thăm Ucraina tự nó đã là một thông điệp, một thông điệp hy vọng cho chúng tôi.
Tất nhiên, có thể người dân Ucraina sẽ rất hài lòng nếu Đức Thánh Cha đưa ra một tuyên bố chính trị mạnh mẽ nào đó, như lên án ông Putin, lên án Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga, và lên án hệ tư tưởng Thế giới Nga. Nhưng chính sách của Tòa Thánh là không lên án nhưng cố gắng thúc đẩy một giải pháp thay thế chiến tranh, đó là bàn luận, đối thoại.
Đức Thánh Cha đã đau khổ nhiều vì cho đến bây giờ những nỗ lực mà ngài đã thực hiện vẫn chưa thành công. Đức Thánh Cha đã cố gắng liên lạc với Tổng thống Putin, đã nói chuyện với Đức Thượng phụ Kirill qua cuộc gọi video, nhưng chưa có kết quả. Có thể Đức Thánh Cha nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để ngăn chặn sự xâm lược của Nga thông qua một số hình thức trung gian hòa giải. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì khá khó khăn.
Đức Thánh Cha đang cố gắng hỗ trợ chúng tôi bằng bất kỳ hình thức giúp đỡ nhân đạo nào. Caritas quốc tế và nhiều Hội đồng Giám mục, đặc biệt là ở châu Âu và cả ở Hoa Kỳ, đang giúp đỡ chúng tôi ở các cấp độ khác nhau, đến thăm chúng tôi ở Ucraina.
Sáu triệu người tị nạn đã rời Ucraina. Hầu hết trong số họ đang ở lại châu Âu. Các quốc gia châu Âu đang đón nhận những người tị nạn của chúng tôi với một trái tim rộng mở, và Đức Thánh Cha đang khuyến khích và cám ơn họ vì điều đó. Một số người tị nạn sẽ đến Hoa Kỳ và Canada. Đức Thánh Cha nhạy cảm như vậy đối với những người tị nạn: trong nhiều thập kỷ, ngài đã cố gắng giáo dục các quốc gia thân thiện và cởi mở với những người tị nạn. Hiện tại, điều này rất quan trọng đối với người dân của chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng trong một ngày gần nhất Đức Thánh Cha sẽ đến thăm chúng tôi.
Đức Tổng có thể chia sẻ về quyết định của Đức Thánh Cha trong việc Thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ. Hành động này đã gây được tiếng vang như thế nào ở Ucraina?
Tôi phải nói rằng về mặt chính trị, đó là một vấn đế lớn, bởi vì bất cứ khi nào Ucraina và Nga xích lại gần nhau, điều này sẽ tạo ra một số phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những người không đi nhà thờ. Nhưng giữa những người Công giáo, giữa các tín hữu, đặc biệt là những người có nhận thức đặc biệt, thậm chí thần bí, về việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, hành động thánh hiến đó đã thực sự được sống sâu sắc và được đón nhận rất nhiệt tình. Trong những tháng này, chúng tôi đã có một tượng Đức Mẹ đến từ Fatima, và tượng Đức Mẹ đang thánh du từ giáo xứ này sang giáo xứ khác. Hàng ngàn người, ngày và đêm, đang cầu nguyện. Vì vậy, đó là một phong trào thiêng liêng lớn bắt đầu từ thời điểm đó.
Nhiều người thực sự biết ơn Đức Thánh Cha về hành động thánh hiến này. Và mọi người thực sự tin rằng chúng tôi với tư cách là một quốc gia Ucraina, đang ở trong một kế hoạch đặc biệt của Chúa. Chúa có một số kế hoạch đối với nước Nga, nhưng cũng có thể với Ucraina. Trong những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, tên Ucraina không được nhắc đến, có thể bởi vì vào thời điểm đó phần lớn lãnh thổ của Ucraina đã được bao gồm trong nhà nước Nga. Nhưng khi Đức Thánh Cha đề cập đến Ucraina cũng như một chủ đề của sự quan phòng này của Thiên Chúa, đối với những người Ucraina thực sự tin vào Chúa, Đấng thực sự ở bên trong sự nhạy cảm thần bí này, đó là một điều gì đó rất mạnh mẽ. Họ đã nhận được một niềm an ủi và hy vọng rất lớn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.