Các Kitô hữu ở Pakistan phản đối chính trị hóa các tổ chức thuộc Kitô giáo
Văn Cương, SJ – Vatican News
Sự việc mới nhất về việc lợi dụng tổ chức Kitô giáo, đảng của cựu Thủ tướng Imran Khan đã tổ chức một cuộc biểu tình chính trị vào ngày 30 tháng 9 tại Đại học Edwardes Peshawar, ngôi trường Kitô giáo lâu đời nhất ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Đã có những cáo buộc rằng chính quyền tỉnh, do đảng Khan’s Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) điều hành, đã gây sức ép với ban lãnh đạo đại học để tổ chức buổi họp mặt của các lãnh đạo đảng của cựu Thủ tướng Imran Khan.
Lên án việc lợi dụng các tổ chức Kitô giáo để làm chính trị
Đức Giám mục Azad Marshall, người đứng đầu Giáo hội Tin lành thống nhất ở Pakistan, bày tỏ sự thất vọng trước việc lợi dụng các trường đại học, đặc biệt là các cơ sở Kitô giáo của các đảng phái chính trị. Đức cha Marshall nói:
“Các tổ chức của chúng tôi không tham gia vào chính trị. Nơi đây chỉ phổ biến kiến thức, nghiên cứu, văn hóa và giáo dục. Đây không phải là nơi dành cho các hoạt động của nhà nước hay gây ra những bất hòa giữa các chính trị gia. Đó là lý do tại sao chúng tôi không cho phép các đoàn nhóm sinh viên tham gia.”
Cha Asif Sardar, tổng đại diện của Tổng giáo phận Công giáo Lahore, cũng lặp lại những điều tương tự: “Chúng tôi không làm chính trị và lên án việc sử dụng các nhà thờ của chúng tôi cho các chương trình nghị sự cá nhân.”
Năm 2017, Maryam Nawaz, con gái của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, đã có một bài phát biểu gây tranh cãi bên trong Nhà thờ Thánh Tâm Lahore. Từ đó, các hoạt động mang tính chính trị đã bị cấm trong các nhà nhà thờ trên toàn giáo phận Lahore.
Kitô giáo giữ thái độ trung lập trước các vấn đề chính trị
Tháng 5 năm nay, Ủy ban Giáo dục Giáo Hội Trưởng lão (Presbyterian) đã ngăn cản một nỗ lực tương tự nhằm tổ chức một buổi họp chính trị của ông Khan tại khuôn viên của Học viện Đào tạo Kitô giáo ở Sialkot, tỉnh Punjab.
“Theo Thánh kinh, chúng tôi vẫn chấp hành quy định từ các cơ quan quản lý và chào đón họ với tư cách là những vị khách quan trọng. Hiện nay, những biến động chính trị đã chuyển biến thành một tình huống giống như chiến tranh trong nước và lựa chọn duy nhất của chúng tôi là giữ thái độ trung lập”, ông Majeed Abel, người điều hành Giáo hội Trưởng lão Pakistan cho biết.
“Bất kể sở thích cá nhân của chúng ta như thế nào, các tổ chức của Giáo hội nên tránh bị gán ghép với một đảng phái chính trị. Chọn nghiêng về một đảng phái sẽ mang lại đau khổ cho các Giáo hội. Đáng buồn thay, các nghị sĩ Kitô giáo của PTI đang ủng hộ chiến dịch của ông Khan và đang tìm kiếm các địa điểm tổ chức mà bỏ qua sự nhạy cảm về tôn giáo.”
Hơn 90% dân số ước tính khoảng 220 triệu người của Pakistan là người Hồi giáo. Kitô giáo chiếm khoảng 1,27% tương đương 2,8 triệu người, trong đó người Công giáo ước tính chiếm một nửa.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.