Cuộc đời vì các Kitô hữu bị bách hại của Thầy Anrê, sáng lập tổ chức Open doors
Ngọc Yến - Vatican News
Vào năm 1955, sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Đào tạo Truyền giáo WEC ở Glasgow, Scotland, cuộc đời của Anrê đã có một bước ngoặt quyết định: Là thành viên của phái đoàn Hà Lan, Anrê đã đến Ba Lan tham gia Lễ hội Thế giới của Thanh niên và Sinh viên. Tại đây thầy phát hiện ra đàng sau Bức màn Sắt có một Giáo hội bị đàn áp và bách hại đang rất cần Kinh Thánh. Từ đó, giúp đỡ những người đau khổ vì đức tin vào Chúa Kitô đã trở thành sứ vụ trong suốt cuộc đời thầy. Để đạt được mục đích này, thầy đã thiết lập một tổ chức với tên gọi “Open doors - Những cánh cửa mở”, nghĩa là mọi cánh cửa có thể luôn rộng mở để đón nhận sứ điệp Tin Mừng.
Nói về mình, thầy Anrê chia sẻ: “Tôi hy vọng cuộc đời tôi làm chứng rằng không có sứ vụ nào say mê hơn là đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào Người dẫn chúng ta đi”.
Trong nhiều năm, thầy đã vượt qua nhiều biên giới các quốc gia để thi hành sứ vụ. Đặc biệt vào những năm 1960, thầy đã vào được Trung Quốc vào thời điểm ở đất nước này Cuộc Cách mạng Văn hoá đang ở đỉnh cao.
Trong thời gian qua, thầy Anrê là một trong những người đã lớn tiếng bênh vực các Kitô hữu là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, thầy thường thích lặp lại rằng đối với thầy, cụm từ “Hồi giáo” là cụm từ viết tắt của câu “Tôi yêu thương tất cả người Hồi giáo một cách chân thành”.
Vào những năm cuối đời, thầy Anrê không còn giữ vai trò lãnh đạo tổ chức Open doors, nhưng các thành viên của tổ chức do thầy sáng lập vẫn tiếp tục theo bước chân thầy.
Hoạt động của Tổ chức Open doors bao gồm phổ biến Kinh Thánh và tài liệu truyền giáo, đào tạo các tình nguyện viên làm việc cho các Giáo hội bị bách hại. Hiện nay, tổ chức có 20 chi nhánh tại hơn 60 quốc gia, chuyên bênh vực các Kitô hữu và gây ý thức trong dư luận thế giới về tình trạng bách hại các Kitô hữu.
Một trong những sáng kiến được nhiều người biết đến của thầy Anrê là báo cáo hàng năm về mức độ bách hại các Kitô hữu ở các quốc gia. Với báo cáo này, mọi người trên thế giới có thể biết được tình trạng của các tín hữu ở khắp năm châu, đặc biệt ở các quốc gia mà các Kitô hữu bị bách hại. Ví dụ với báo cáo trong năm 2021 vừa qua của Open doors, những ai quan tâm đến đời sống của các Kitô hữu có thể biết: Hiện có khoảng 340 triệu Kitô hữu trên thế giới chịu đau khổ vì bị trục xuất, giám sát và kỳ thị bởi nhà cầm quyền, xã hội hoặc chính gia đình của họ. Sự kỳ thị này gia tăng trong thời đại dịch.
Open doors cho biết số Kitô hữu bị giết gia tăng đáng kể từ 2.983 người trong năm 2019 lên 4.761 người trong năm 2020, tức là tăng thêm gần 1.780 người. Trong số danh sách 50 nước, Bắc Triều Tiên đứng hàng đầu liên tiếp trong 20 năm. Tiếp đến là Afghanistan, Somalia, Lybia, Pakistan và Eritrea, Yemen, Iran, Nigeria, Ấn Độ. Irak thứ 11, Siria thứ 12, Sudan thứ 13 và Arập Sauđi thứ 14.
Open doors tố giác rằng Kitô hữu ở một số nước Á châu như Ấn Độ không được chính quyền trợ giúp trong đại dịch, hoặc chỉ được giúp tượng trưng. Tại một vài nước miền Tây Phi châu và các nước Hồi giáo, các nhóm Hồi giáo cực đoan lợi dụng những qui luật cách ly trong thời kỳ đại dịch, tức là trong thời kỳ các lực lượng an ninh bị giới hạn trong hoạt động, để gia tăng các hoạt động chống các Kitô hữu. Thậm chí có nơi đại dịch trở thành cái cớ để cáo buộc các tín hữu Kitô, cho rằng “tín ngưỡng giả mạo” của họ là nguyên nhân gây ra đại dịch.
Trung Quốc bị xếp thứ 17 trong danh sách của tổ chức Open doors. Nhà nước gia tăng các cuộc kiểm soát trực tuyến: cả các Giáo hội có đăng ký và không đăng ký đều bị kiểm soát. Các nơi thờ phượng bị bắt buộc gắn các máy thu hình nhận dạng các khuôn mặt trong các buổi lễ và cấm người trẻ dưới 18 tuổi không được phép đến nhà thờ dự lễ hoặc cầu nguyện.
Ấn Độ đứng thứ 10 trong danh sách của tổ chức Open doors, với sự gia tăng những vụ tấn công tác tín hữu Kitô. Chính phủ ban hành luật đặc biệt cấm các tổ chức phi chính phủ không được nhận tài trợ từ nước ngoài, và điều này gây thiệt hại cho phần lớn các tổ chức Kitô, và cả các giáo xứ, trường học và bệnh viện của Kitô giáo.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.