Dư âm hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc
G. Trần Đức Anh, O.P.
Xác nhận tin đã có từ lâu
Việc gia hạn hiệp định tạm thời được Phòng báo chí Tòa Thánh chính thức thông báo hôm 22/10/2022 chỉ là một sự xác nhận điều phải đến, vì chính Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, đã nói đến điều này từ lâu trước đó.
Thông cáo nói rằng: "Sau những cuộc tham vấn thích hợp và lượng định, Tòa Thánh và Trung Quốc đã thỏa thuận gia hạn thêm 2 năm hiệu lực của Hiệp Định tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám Mục, ký kết ngày 22/9/2018 và được gia hạn lần đầu tiên ngày 22/10/2020."
"Phía Vatican có ý hướng tiếp tục đối thoại tôn trọng và xây dựng với phía Trung Quốc, để thực thi cách hiệu quả Hiệp định vừa nói và phát triển hơn những quan hệ song phương, nhắm tạo điều kiện cho sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo và thiện ích của nhân dân Trung Quốc."
Kèm theo thông cáo này là giải thích của Đức Hồng Y Parolin trong cuộc phỏng vấn cùng ngày dành cho đài Vatican, và hôm sau đó là cuộc phỏng vấn của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng, dành cho hãng tin Fides của Bộ này.
Phản ứng phê bình
- Từ phía Mỹ
Trong số những phê bình mạnh mẽ việc gia hạn Hiệp định, người ta phải kể đến lập trường của ông Stephen Schneck, một tín hữu Công Giáo, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, một cơ quan độc lập lưỡng đảng, theo dõi và phúc trình cho chính phủ và quốc hội Mỹ về các vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới. Ông Schneck được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm hồi tháng 6 năm nay và là người thứ 9 làm Chủ tịch Ủy ban này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Crux ở Mỹ hôm 26/10/2022, ông Schneck nói: "Tôi rất thất vọng vì quyết định của Vatican gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Quốc. Trong tư cách là người Công Giáo, tôi hiểu rằng Vatican muốn đi đường dài ở đây chứ không nghĩ tới những hoàn cảnh bây giờ, nhưng tôi nghĩ những hiệp định như vậy không mang lại sự cải tiến nào về tự do tôn giáo cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc, và tôi nghĩ Tòa Thánh thực sự phải xét lại quyết định 'nhảy chung' với Tập Cận Bình trong toàn vụ này."
Báo Crux nhắc lại rằng sau khi Hiệp định tạm thời được ký với Tòa Thánh hồi tháng 9/2021, các viên chức Nhà Nước Trung Quốc ở các vùng khác nhau đã tháo gỡ các Thánh Giá và phá hủy các thánh đường, các tín hữu và giáo sĩ Công Giáo hầm trú bị xách nhiễu và cầm tù. Ông Tập Cận Bình bị mạnh mẽ phê bình vì đã giám sát cuộc bách hại các tín hữu tại nhiều nơi ở Trung Quốc, kể cả các tín hữu Kitô và những người Hồi giáo Uyghurs (Duy ngô nhĩ) ở Tân Cương. Trong khi du nhập các qui luật ngặt nghèo hơn về việc hành đạo, ông Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng mục đích của ông là phổ biến các đạo giáo với đặc tính Trung Hoa, "Trung Hoa hóa" 5 tôn giáo chính thức được chính phủ giám sát, kể cả Hội Công Giáo Yêu Nước.
Và Ông Schneck nói thêm: "Tôi không thể tưởng tượng những gì đang xảy ra là điều bõ công đối với tương lai. Trong thực tế, tôi đi xa hơn và nói rằng tôi có cảm tưởng trong thực tế, Trung Quốc đang dùng Hiệp định này để đàn áp hơn nữa các tín hữu Công Giáo hầm trú ở nước này, và nếu đúng như vậy thì Vatican đang thực sự thua cuộc và chẳng được lợi gì. Đó là ý kiến riêng của tôi." (CNA 26/10/2022)
- Giống hiệp định với Hungari
Ký giả Andrea Gagliarducci ở Ý, chuyên về các hoạt động của Tòa Thánh, trong một bài được hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ (CNA) truyền đi hôm 26/10/2022, đã ví Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc phần nào giống như hiệp định năm 1964 giữa Tòa Thánh với Hungari, dựa trên một nghiên cứu của giáo sư Andras Fejerdy. Thời đó, Đức Ông Casaroli, là Thứ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh, sau là Hồng Y Quốc Vụ Khanh, đã đặc trách thương thảo với nhà nước cộng sản Hungari, đã nhận định rằng vấn đề không phải là thiết lập "modus vivendi", một cách thức để sống cho Giáo Hội tại Hungari, nhưng là một "modus non-moriendi", một phương thế để khỏi chết. Có nhiều tương đồng giữa hiệp định Tòa Thánh Hungari với Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hiện nay. Văn bản hiệp định đó cũng không được công bố. Với hiệp định này, nhà nước Hungari được thanh danh với quốc tế nhưng phía Tòa Thánh không được gì đáng kể. Tòa Thánh không hài lòng với những kết quả đạt được.
- Cha Gianni Criveller
Một bình luận khác được báo chí nói đến là lập trường của Cha Gianni Criveller, thừa sai thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền giáo Milano, gọi tắt là Pime. Cha từng là thừa sai lâu năm tại Hong Kong và giảng dạy thần học tại Trung Quốc, Macao và Đài Loan.
Trong một bài gồm 2 phần được hãng tin Asia News truyền đi hôm 22 và 24/10/2022, sau khi có tin Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được gia hạn thêm 2 năm, cha Criveller cho biết cha không có ý cổ võ phải ngưng hiệp định, nhưng nhắm cung cấp thêm thông tin về tình trạng khó khăn của các cộng đoàn Công Giáo tại Trung Quốc mặc dù có Hiệp định này.
Cha kể rằng điều đặc biệt đau thương là việc đăng ký dân sự với nhà nước Trung Quốc mà thành phần của Giáo Hội công khai và các Linh Mục, Giám Mục thuộc các cộng đoàn Công Giáo hầm trú phải làm, nếu muốn ra khỏi tình trạng này. Nếu không đăng ký, thì họ không thể nào làm việc mục vụ trong nhà thờ. Không phải chỉ đăng ký nơi thờ phượng, nhưng cả nhân sự, sau khi Hiệp định được ký kết.
Văn bản mà các Linh Mục và Giám Mục phải ký nhận khi đăng ký có khẳng định sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc đối với Tòa Thánh. Các quan chức Nhà Nước tạo sức ép với các giáo sĩ ấy và nói rằng Hiệp định với Tòa Thánh khuyến khích đăng ký như thế. Nhưng đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Sự kiện cho đến nay Văn bản Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không được công bố, gây khó khăn cho các giáo sĩ ấy, vì họ không có bằng cớ để phủ nhận điều mà các quan chức Nhà Nước nói.
Tòa Thánh đã can thiệp về vấn đề này trong một tuyên ngôn ngày 28/6/2019 và khẳng định rằng từ "độc lập" ở đây không được hiểu là độc lập [với Tòa Thánh], nhưng phải hiểu là tự quản trị (autonomia). Và thông cáo của Tòa Thánh nhìn nhận rằng vì lý do lương tâm, các Linh Mục và Giám Mục có thể từ chối không ký vào văn bản như thế.
Tuy nhiên ai không ký thì bị Nhà Nước trả đũa bằng nhiều cách. Ví dụ họ làm cho những ứng dụng điện thoại di động để mua vật dụng hoặc làm bao nhiêu điều khác trong đời sống thường nhật không sử dụng được nữa, một điều cản trở cuộc sống thường nhật vì hiện nay hầu hết các giao dịch tiền bạc đều thực hiện bằng điện tử ở Trung Quốc.
Mặt khác, một số Linh Mục, Giám Mục đã đăng ký nay đang đau khổ vì sự phê bình của thân nhân và các thành phần trong cộng đoàn liên hệ chống đăng ký, và họ coi đây là điều không thể chấp nhận được đối với các tín hữu Công Giáo chân thành.
Một số người bạn của cha Criveller cho biết nếu Tòa Thánh phủ nhận Hiệp định, thì có thể các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc sẽ gặp khó khăn và bị trả đũa tệ hơn nữa. Vì thế, theo họ, Hiệp định là một "điều tai hại nhỏ hơn" để tránh một thiệt hại lớn hơn. Và tóm lại, theo cha, đây là một thỏa thuận mà trong đó một bên áp đặt và bên kia phải chịu. Nếu đúng như thế, thì hiệp định có một hậu quả trái ngược, tức là làm cho Giáo Hội không tự do hơn, nhưng bớt tự do hơn." (Asia News 24/10/2022)
Ý hướng của Tòa Thánh
Đức Hồng Y Parolin, trong cuộc phỏng vấn sau khi công bố sự gia hạn Hiệp định, đã giải thích rằng: "Đức Thánh Cha Phanxicô, với quyết tâm và sự nhìn xa trông rộng kiên nhẫn, đã quyết định tiến bước trên con đường này, không phải với ảo tưởng tìm được sự hoàn hảo trong những qui luật con người, nhưng với hy vọng cụ thể là có thể đảm bảo cho các cộng đoàn Công Giáo Trung Quốc, kể cả trong bối cảnh rất phức tạp, sự hướng dẫn của các chủ chăn xứng đáng và thích hợp với công tác được ủy thác cho họ”.
Và Đức Hồng Y nói thêm: "Chúng tôi hy vọng trong hai 2 năm tới đây, có thể tiếp tục xác định theo thể thức đã định, những ứng viên Giám Mục tốt cho Giáo Hội ở Trung Quốc. Dĩ nhiên chúng tôi không giấu những khó khăn không nhỏ liên quan đến đời sống cụ thể của các cộng đoàn Công Giáo mà chúng tôi hết sức quan tâm, và cần có những bước tiến mới trong tương quan cộng tác, trong đó có nhiều tác nhân như Tòa Thánh, chính quyền trung ương, các Giám Mục với các cộng đoàn của các vị, chính quyền địa phương."
Tóm lại, trong vấn đề này, như Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc họp báo trên máy bay chiều ngày 15/9/2022, trên đường từ Kazakhstan về Roma, lập trường của Tòa Thánh là "kiên nhẫn đối thoại": "Không được mất kiên nhẫn, trái lại cần tiến bước..."
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.