Đời sống đức tin của thẩm phán Samuel Alito
Ngọc Yến - Vatican News
Ông Samuel Alito là con của một gia đình Công giáo nhập cư người Ý. Ông tốt nghiệp Đại học Princeton và Trường Luật Yale. Sau khi đảm nhiệm các vị trí cho Bộ Tư pháp và là viện chưởng lý Hoa Kỳ cho quận New Jersey, năm 2006 ông được Tổng thống George W. Bush đề cử vào Tòa án Tối cao.
Trong tháng qua, Đại học Công giáo Hoa Kỳ khai trương dự án mới cho sinh viên Đại học Luật Columbus về Nguồn gốc và Truyền thống Tri thức Công giáo. Dự án khám phá tương quan của Công giáo với Hiến pháp Hoa Kỳ, tập trung vào các tiến sĩ của Giáo hội như Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô và các nhà tư tưởng.
Trong tuyên bố khai trương dự án, giáo sư Joel Alicea, đồng chỉ đạo chương trình nói rằng nhà trường tin rằng truyền thống tri thức Công giáo có thể giúp mọi người suy nghĩ tốt hơn về những thách đố trong thời đại ngày nay. Giáo sư đã mời thẩm phán Alito tham gia dự án với vai trò là chủ tịch danh dự.
Trong buổi nói chuyện với các sinh viên của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, ông Alito nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin Công giáo trong đời sống của ông, đặc biệt trong vai trò là thẩm phán của Toà án Tối cao. Ông nói: “Đức tin ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Đức tin ảnh hưởng đến cách hành xử của bạn khi bạn là một thẩm phán”.
Tại buổi gặp gỡ, thẩm phán Alito đã đưa ra những nhận xét phác thảo làm thế nào để trong dự án có mối liên hệ giữa đức tin Công giáo và luật pháp, để phán quyết “Roe versus Wade” đã được ban hành năm 1973 cho phép phá thai không phải lặp lại một lần nữa.
Khi được một sinh viên hỏi đức tin đã ảnh hưởng như thế nào trong nghề nghiệp, thẩm phán Alito chỉ ra rằng chính nền giáo dục Công giáo đã định hình nơi ông cách cư xử với người khác. Ông trả lời: “Trong số những điều khác, đức tin định hình cách chúng ta quan tâm và đối xử với người khác”.
Ông tiếp tục: “Các thẩm phán ảnh hưởng đến mọi người một cách gián tiếp, nhưng đôi khi rất mạnh mẽ, qua các quyết định của họ. Điều quan trọng cần lưu ý là những quyết định này không chỉ là những cuộc thảo luận trừu tượng. Chúng có tác động thực sự trên thế giới và bạn phải ghi nhớ điều đó”.
Những lời xác tín mạnh mẽ vào đức tin của ông Alito đã được chứng tỏ bằng việc làm thực tế. Vào ngày 24/6, thẩm phán viết ý kiến của ông trong quyết định bãi bỏ phán quyết “Roe versus Wade” đã được ban hành năm 1973 cho phép phá thai. Ông viết: “Roe đã sai lầm nghiêm trọng và đang vi phạm Hiến pháp kể từ ngày nó được đưa ra. Phá thai đưa ra một câu hỏi đạo đức luân lý sâu sắc”.
Sau quyết định mang tính bước ngoặt, ông Alito và các thẩm phán khác phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt cả trong và ngoài nước, bạo lực gia tăng và thậm chí là cả những lời đe dọa giết người. Nhưng thẩm phán không lo ngại, ông tuyên bố: “Tôi rất vinh dự khi viết lên ý kiến của mình về quyết định này.”
Phán quyết đã mang đến cho Giáo hội Công giáo hoàn vũ nói chung và Giáo hội Hoa Kỳ một niềm vui lớn. Trong tuyên bố, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ viết: Trong gần 50 năm qua, Hoa Kỳ đã thi hành một luật bất công cho phép một số người quyết định xem những người khác có thể sống hay chết; chính sách này đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu trẻ chưa được sinh ra, những thế hệ bị từ chối quyền được sinh ra.
Quyết định hôm nay là kết quả của kinh nguyện, hy sinh và sự tranh đấu của nhiều người thuộc mọi giai tầng trong đời sống. Trong những năm tháng qua, hàng triệu công dân chúng ta đã hoạt động ôn hòa để giáo dục và thuyết phục những người láng giềng của họ về sự bất chính của phá thai, cống hiến sự chăm sóc và tư vấn cho các phụ nữ. Ngày hôm nay, chúng tôi chia sẻ niềm vui và biết ơn họ. Hoạt động của họ cho chính nghĩa sự sống, phản ánh tất cả những gì là tốt lành trong nền dân chủ của chúng ta, và phong trào bênh vực sự sống đáng được kể vào số những phong trào lớn nhất, tranh đấu cho sự thay đổi xã hội và các quyền trong lịch sử đất nước.
Bây giờ là lúc bắt đầu công việc xây dựng một nước Mỹ hậu phán quyết Roe. Đây là thời gian để chữa lành vết thương và chữa lành những chia rẽ xã hội; đây là lúc để suy tư theo lý trí và đối thoại dân sự, và cùng nhau xây dựng một xã hội và nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó mỗi phụ nữ đều được nâng đỡ và có nguồn lực cần thiết để đưa con mình đến với thế giới này trong tình yêu thương.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.