Điểm sách - Dẫn vào Cựu ước
Văn Cương, SJ - Vatican News
Tác phẩm: Dẫn vào Cựu ước
Tác giả: Lawrence Boadt
Nguyên tác: Reading The Old Testament An Introduction
Chuyển ngữ: Lm. Simon Nguyễn Phú Cường và J.B Phạm Đức Sử
Đọc và hiểu Thánh Kinh Cựu Ước không bao giờ là điều đơn giản vì bộ sách được viết cách chúng ta đã ngót nghét 3.000 năm, trong một môi trường hoàn toàn khác với chúng ta, không chỉ trên bình diện tôn giáo mà còn về nhiều phương diện khác nữa. Vì thế, để có thể hiểu và giải thích phần nào những gì được ghi lại trong những sách này, ngay trên bình diện văn bản thông thường, qua nhiều đời các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã phải vận dụng nhiều phương pháp khoa học và văn học như khảo cổ, phân tích văn chương, phê bình nguồn, phê bình thể loại, phê bình lịch sử truyền thống, vv.
Nhưng hơn thế, Cựu Ước còn là sách Thánh được linh hứng, nên cần được đọc với tâm tình cầu nguyện, cầu xin chính Đấng đã soi sáng và hướng dẫn các tác giả viết ra Cựu Ước giúp chúng ta hiểu được những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người, từ đó đức tin cá vị của mỗi chúng ta vào Thiên Chúa, đặc biệt là vào Đức Giê-su mà Cựu Ước đã loan báo là Đấng sẽ đến cứu độ nhân loại, sẽ vững vàng và trưởng thành hơn.
Với ước nguyện giúp giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân người Việt chúng ta hiểu Thánh Kinh Cựu Ước tốt hơn. Chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm: “Dẫn vào Cựu Ước của Cha Lawrence. C.S.P., giáo sư Thánh Kinh tại Washington. D.C. Đây là cuốn sách dẫn nhập rõ ràng và trình bày cẩn thận dành cho độc giả thời nay. Nó cũng được thiết kế để hướng dẫn nghiên cứu Thánh Kinh qua bản văn và các câu hỏi cụ thể, giúp hiểu thêm về mỗi cuốn sách trong toàn bộ Thánh Kinh, và khám phá ra cách thế Cựu Ước được viết thành văn bản như hiện nay”.
Cuốn sách được việt ngữ bởi Lm. Simon Nguyễn Phú Cường và TS. J.B Phạm Đức Sử, cũng như viết lời tựa.
Trước khi đi vào ‘Dẫn nhập Cựu ước’, chúng ta cùng trả lời câu hỏi đơn giản sau: “Vậy Thánh Kinh là gì”?
Theo tác giả, từ Thánh Kinh phát xuất từ cụm từ Hy-lạp ta biblia, nghĩa là “đọc những Cuốn sách”. “Những Cuốn sách” là một tên gọi chính xác, bởi Thánh Kinh là một bộ sưu tập nhiều tác phẩm riêng rẽ và không chỉ do một tác giả viết ra.
Mặc dù việc đọc Thánh Kinh luôn gặp khó khăn, nhưng Thánh Kinh vẫn là bộ sách bán chạy nhất bởi: Thánh Kinh là kho báu khôn ngoan và là nguồn linh hứng đã hướng dẫn các thế hệ đi trước chúng ta; Thánh Kinh chứa đựng những cái nhìn sâu sắc nhất về ý nghĩa cuộc sống con người; Thánh Kinh là nguồn gốc quan trọng nhất của nền văn hóa phương Tây, đặc biệt đó là nơi xuất phát của nhiều thành ngữ và câu chữ thường dùng hiện nay; Thánh Kinh có ảnh hưởng sâu xa trên tư tưởng tôn giáo hiện đại; Thánh Kinh là bộ lịch sử đầy đủ nhất về thời kỳ cổ xưa mà chúng ta hiện có được.
Sau khi đã hiểu Thánh Kinh là gì, chúng ta cùng tìm hiểu, tại sao Cựu ước chỉ gồm 46 cuốn mà không phải nhiều hơn hay ít hơn?
Giáo hội gọi việc chọn lựa này là quy điển, phỏng theo từ Do thái “cây sậy”, vật trước đây được dùng làm thước đo (qaneh). Quy điển bao gồm những tác phẩm được một giáo hội hay một nhóm giáo sĩ có thẩm quyền công nhận có chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa. Nhu cầu có quy điển nảy sinh tự nhiên khi có quá nhiều văn phẩm được lưu truyền, và việc phải quyết định xem đâu là những tác phẩm đúng chuẩn và thiết yếu, còn đâu là những sách không hợp chuẩn. Đối với Cựu Ước, quyết định cuối cùng cuốn sách nào thuộc quy điển và cuốn nào không thể được thêm vào đã phải trải qua một thời gian dài xem xét.
Nếu như quy điển Do thái, sau đó được Tin lành chấp nhận, chỉ gồm 39 cuốn. Trái lại, Thánh Kinh Cựu Ước Công giáo gồm 46 cuốn, nhiều hơn 7 cuốn so với quy điển Do thái và được Giáo hội chuẩn nhận chính thức tại Công đồng Trentô vào tháng 04 năm 1546, mặc dù trong thực tế các sách này đã được chấp nhận và việc sử dụng đã mang tính bó buộc từ lúc được quyết định vào thế kỷ IV.
Giờ đây, chúng ta cùng đi vào một đoạn nhỏ trong tác phẩm “Dẫn vào Cựu ước” và cùng lắng nghe tác giả chia sẻ.
Trước hết, chúng ta cùng nghe về Cain và Aben trong chương 4 sách Sáng thế.
Theo tác giả câu chuyện Ca-in và A-ben đã sử dụng một hay nhiều câu chuyện cổ có âm hưởng thần thoại cao. Qua câu chuyện này tác giả Thánh Kinh đơn giản muốn đưa ra một ví dụ kịch tính, cho thấy sự tha hóa và tội lỗi nơi vườn Địa đàng đã lan rộng và phát triển thành điều ác ở những mức độ mới: người ta không chỉ giết người, mà còn giết cả anh em ruột thịt của mình. Cho dù một số học giả thấy trong câu chuyện này vết tích của những xung khắc truyền thống giữa cư dân chuyên trồng trọt và cư dân làm nghề chăn nuôi, đây chủ yếu vẫn là một bất hòa xảy ra giữa hai anh em ruột (từ anh/em xuất hiện tới 7 lần), và báo trước những ganh tị giữa những cặp song sinh, đặc trưng của những câu chuyện Sáng thế về sau. Đối thoại giữa Gia-vê và Ca-in còn chỉ ra Thiên Chúa nhân từ và Người luôn có cách xử lý thích hợp trước những yếu đuối của con người.
Ở một chỗ khác, khi tác giả nói về ông Nô-ê và trận lụt hồng thuỷ như sau:
Các câu chuyện lụt hồng thủy của hai nguồn J và P được nối kết chặt chẽ với nhau trong một trình thuật kịch tính. Chúng ta có thể phát hiện ra một số dấu hiệu cho thấy có hai tường thuật gốc trong sự kiện này. Đó là có hai lần Thiên Chúa thông báo trận lụt (St 6,13; 7,4), và hai lời hứa không bao giờ gởi đến lụt hồng thủy nữa (St 8,21; 9,15). Rồi trong một vài đoạn, Nô-ê được bảo phải mang lên tàu mỗi loài động vật một cặp, trong chỗ khác lại bảo phải lấy bảy cặp mỗi loài động vật thanh sạch và một cặp mỗi loài không thanh sạch.
Tuy nhiên, cả hai nguồn J và P cùng chia sẻ một sứ điệp là khi Thiên Chúa quyết định phạt thế giới vì tội lỗi thì Người đã tha cho Nô-ê, một con người trung thành, cho phép ông thoát khỏi trận hồng thủy trên một chiếc tàu lớn. Khi thảm họa qua đi, Thiên Chúa lại phục hồi Giao ước với thế giới qua chính con người này. Đỉnh điểm là sự tha thứ của Thiên Chúa thậm chí mở rộng ra qua việc rút lại việc trái đất bị nguyền rủa vì những gì con người đã thực hiện trong tâm hồn họ. Con người có thể vẫn còn chọn phạm tội, nhưng sự tốt lành và lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa sẽ biểu lộ qua sự luân chuyển hào phóng và đều đặn các mùa trong tự nhiên.
Nghe đến đây, quý thính giả có thể đặt câu hỏi, “vậy sách Sáng thế là câu chuyện thần thoại hay lịch sử”?
Đối với tác giả,
Những câu chuyện trong Sáng thế 1–11 không phải là những “sự việc” đặc biệt có thể xác định được thời điểm xảy ra, cũng không có những người chứng kiến tận mắt để kể lại. Chúng như những câu chuyện “mô hình”, kể về cách thức mọi thứ đáng lẽ hoặc đã phải diễn ra vào lúc thế giới khởi đầu, rất giống với thể loại văn chương hư cấu của những dân tộc cổ đại khác.
Ở mọi nơi trên thế giới, thể loại văn chương này được gọi là thần thoại. Trong một số trường hợp, thần thoại là những câu chuyện nguyên nhân, nghĩa là nó giải thích “nguyên nhân” của một sự việc, chẳng hạn tên một nơi thánh thiêng hay tại sao các thần linh lại tạo nên một sinh vật nào đó, hoặc do đâu mà vài bộ tộc có những phong tục xem ra bất thường.
Thần thoại cũng giúp chúng ta nói về những sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt ngay từ lúc thế giới khởi đầu, chúng không phụ thuộc vào việc hiểu biết các sự kiện, nhưng là ý nghĩa và mục đích nằm sâu bên trong những sự kiện. Thần thoại không phải là lịch sử theo cách hiểu chặt chẽ hiện đại, nhưng chắc chắn cũng không phản lại lịch sử.
Các tác giả Thánh Kinh không hề do dự dùng các hình thức văn chương này. Nhưng điều này không có nghĩa là “thần thoại” Thánh Kinh luôn có cùng quan niệm về thế giới giống những câu chuyện nguyên sơ của các dân ngoại. Vì thế chúng ta cần cẩn thận phân biệt từ thần thoại ở hai mức độ khác nhau.
Ở mức độ thứ nhất, thần thoại là một câu chuyện sử dụng những mô-típ và chủ đề truyền thống. Nó không có cái nhìn khoa học hay lịch sử như chúng ta trông đợi. Đúng hơn, nó giống với câu chuyện dân gian, nhưng là để chuyển tải cái nhìn của người Ít-ra-en về thế giới.
Tuy nhiên, ở mức độ thứ hai, thần thoại lại là cách lý giải mang tính “thần học” về mối quan hệ của chúng ta với thần linh, Qua câu chuyện Sáng thế 1–11 được viết ra theo cách kể riêng, nhấn mạnh đến tự do và quyền năng của Gia-vê trước sự chối bỏ trách nhiệm của con người, người Ít-ra-en nhắm đến việc trừ khử tính chất thần thoại và phá hủy tận gốc những mê tín dị đoan của dân ngoại, giải thích lại ý nghĩa đích thực của thế giới dưới ánh sáng chân lý chỉ có một Thiên Chúa đã tự mặc khải cho Mô-sê là Đấng Cứu độ và là Đấng Cai trị duy nhất.
Mục lục
Tác phẩm “Dẫn vào Cựu ước” gồm 26 chương để nói về các vấn đề như:
· Dẫn Vào Thánh Kinh Cựu Ước
· Khảo cổ học và Cựu ước
· Những công cụ văn học trong nghiên cứu Cựu ước
· Xuất hành khỏi Ai-cập
· Tôn giáo và văn hóa Ca-na-an
· Cuộc sống thường ngày tại đất nước Ít-ra-en cổ xưa
· Vương quốc bị phân đôi
· Cuộc đấu tranh phục hưng xứ sở
Và nhiều chủ đề hấp dẫn khác.
Tác phẩm “Dẫn vào Cựu ước” dày xxx trang trên khổ giấy xxx cm, chúng ta không nên coi nó đơn thuần chỉ là một cuốn sách nói về một dân tộc sống cách chúng ta 2.000 năm hoặc lâu hơn trong quá khứ. Thánh Kinh vẫn tiếp tục nói với con người hiện đại ngày nay. Khi đọc lại những kinh nghiệm của Ít-ra-en, chúng ta nhận ra một Thiên Chúa hằng sống vẫn đang nói với chính chúng ta. Qua việc nhìn vào lịch sử của họ, chúng ta có thể hiểu được những giá trị lịch sử và những mục tiêu của chính chúng ta. Nếu điều quan trọng nhất trong cuộc sống là khám phá ra chúng ta là ai, và chúng ta tin vào những gì, thì Thánh Kinh mang lại cho chúng ta sự thấu hiểu vô cùng phong phú này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.