Điểm sách - Giải thích Thánh Kinh
Văn Cương, SJ - Vatican News
Tác phẩm: Giải thích Thánh Kinh – Lịch sử, phương pháp, thần học, ứng dụng
Tác giả: LM. BERNARD PHẠM HỮU QUANG, PSS
Khi đi vào đọc và tìm hiểu Thánh Kinh, người đọc thấy các vấn đề xuất hiện, họ vấp phải nhiều vấn đề khó hiểu, thậm chí có những điều không thể hiểu. Vì Thánh Kinh vốn là bản văn cổ. Đọc một bản văn cổ của Việt Nam đã thấy khó hiểu rồi. Huống hồ Thánh Kinh được viết trong một nền văn hoá đã cổ xưa lại còn hoàn toàn xa lạ. Hơn thế nữa đó lại là Lời Mặc Khải. Vì thế cần có những chuyên viên hướng dẫn ta mới có thể hiểu Lời Chúa cho đúng đắn và thấu đáo.
Trong tình hình ấy quyển GIẢI THÍCH THÁNH KINH của cha Bernard PHẠM HỮU QUANG, PSS, ra đời như một đáp ứng rất thiết thực cho nhu cầu cấp bách này. Ngoài ra, ngài cũng là tác giả của tác phẩm khác như: Dẫn nhập Thánh Kinh và cầu nguyện với Thánh Vịnh. (ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Tác giả chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm Giải thích Thánh Kinh như sau:
Cuốn sách phát sinh từ sự ao ước chúng tôi có từ thời sinh viên thần học, nhất là trong thời gian học chuyên ngành tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Kinh (Biblicum); đó là làm thế nào để có một hướng dẫn tương đối rõ ràng và có hệ thống giúp đọc và giải thích lời Chúa. Hiện đang dạy trong các chủng viện, học viện, dòng tu... chúng tôi thấy nhu cầu càng mạnh mẽ và cấp bách hơn đối với các sinh viên và các độc giả lời Chúa tại Việt Nam. Được trực tiếp gợi hứng bởi những tài liệu của UBGHTK: “Việc Giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội” (Rôma, 1993) và “Ơn Linh Hứng và Chân Lý của Sách Thánh” (Rôma, 2014), chúng tôi cố gắng hình thành cuốn sách này với mục đích kép: tạo thêm cơ hội học hỏi cho chính mình và cung cấp cho các sinh viên của chúng tôi cũng như những ai quan tâm đến lời Chúa trong TK sự hiểu biết thêm về việc đọc và giải thích lời Chúa. Có lẽ những học giả chuyên về TK không tìm được gì mới mẻ trong cuốn sách; nhưng chắc chắn nó sẽ là một phương tiện hữu ích cho các sinh viên thần học và những ai yêu mến, muốn đọc, học hỏi và giải thích lời Chúa một cách nghiêm túc.
Nội dung | TRƯỜNG PHÁI AN-TI-Ô-KI-A
Thành phố Antiôkia ở miền Bắc Syria được thành lập vào khoảng năm 300 TCN bởi Xêlêucô I, đến năm 64 TCN bị sáp nhập vào đế quốc Rôma và được xem là thủ phủ của tỉnh Syria. Cho dù ngôn ngữ chính vẫn là tiếng Syria, nhưng ảnh hưởng văn hoá và ngôn ngữ của Hy Lạp trên Syria không nhỏ do sự cai trị của đế quốc Xêlêucô trong nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ thứ IV TCN, Antiôkia là thành phố lớn thứ ba, sau Rôma và Alêxandria, của đế quốc Rôma và trở thành một trung tâm kinh tế và văn hoá cho cả vùng Tiểu Á.
Antiôkia cũng là một thành phố nổi bật trong lịch sử loan báo Tin Mừng Kitô giáo vì sự hiện diện rất sớm của những Kitô hữu gốc Do Thái ở đó. Đó là nơi mà đức tin Kitô giáo đã được truyền đến đầu tiên cho những người Do Thái ngoài Paléttinh và cũng là nơi mà Phaolô chọn như “khởi điểm” cho các cuộc truyền giáo của ngài và các môn đệ của ngài tại miền Tiểu Á, được ghi lại bởi thánh Luca trong sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của Phaolô. Tại đây, số tín hữu Kitô ngày càng phát triển bất chấp các cuộc bách hại thường xuyên xảy ra.
Những phát triển về ngôn ngữ và văn hoá Hy Lạp cùng với những phát triển về kinh tế, xã hội sẽ kéo theo những ảnh hưởng về giáo dục và tôn giáo. Những đặc điểm của diễn giải TK tại Antiôkia chắc chắn đã do hệ thống giáo dục bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ và văn chương cổ Hy Lạp. Lối đọc TK theo nghĩa văn tự của các nhà diễn giải thuộc trường phái Antiôkia đã được ảnh hưởng từ môi trường sống và giáo dục của các vị. Nếu trường phái Alêxandria đã mở đường tới một chủ nghĩa “duy phóng dụ”, thì trường phái Antiôkia đưa tới một chủ nghĩa “duy văn tự” hay “duy lý”, theo nghĩa là nó giảm thiểu chiều kích huyền bí trong lối diễn giải TK.
Các nhà diễn giải TK Antiôkia cho rằng lối diễn giải theo phương pháp phóng dụ đã chuyển mọi sự kiện và nhân vật TK, từ Ađam cho đến Đaniel, thành vô nghĩa lý, xét về phương diện lịch sử. Nhưng các vị cũng nhìn nhận rằng một mình ý nghĩa lịch sử thôi thì luôn không đầy đủ. Thay vì phóng dụ, các vị nói đến “theoria” hay “insight” hay “vision” hay “illumination”. Tuy nhiên, trong thời cổ đại lẫn đương đại, không có một chuyển dịch nào tương ứng hay một sự định nghĩa nào làm thỏa mãn từ ngữ “theoria” cả. Với “theoria”, họ giả thiết rằng “một ngôn sứ nói về một biến cố mà trong tương lai gần nó sẽ trở thành một “type” (kiểu mẫu) cho một biến cố khác mà qua đó, nó (biến cố được nói đến bởi ngôn sứ) sẽ được ứng nghiệm tại một thời điểm không xác định trong tương lai”. Nói cách khác, trong khi những nhà diễn giải tại Alêxandria sử dụng hạn từ “theoria” tương đương với cách giải thích phóng dụ, thì các nhà diễn giải thành Antiokia cho nó một ý nghĩa TK cao hơn hoặc sâu hơn nghĩa văn tự hay hay lịch sử, nhưng vững chắc được xây dựng trên văn tự; tương tự như một hình ảnh được xây dựng trên điều mà nó biểu tượng và chỉ về phía nó.
Mục lục
Cuốn sách này gồm 4 phần chính.
Phần I trình bày một lịch sử tổng quan về các lối giải thích TK từ những thời điểm khác nhau: bắt đầu với lối giải thích của Do Thái giáo thời chuyển tiếp giữa hai giao ước, qua thời Tân Ước (TƯ), thời các Giáo Phụ cho đến cuối thời Trung Cổ.
Phần II phác hoạ những phương pháp hiện đại khác nhau được sử dụng để đọc và diễn giải TK bao gồm phương pháp tập trung vào “thế giới đằng sau bản văn”. Phần này cũng trình bày các phương pháp hay các phân tích văn chương tập trung vào “thế giới ở trong bản văn” và các lối tiếp cận chú trọng đến độc giả.
Phần III dành riêng cho các vấn đề thần học liên quan trực tiếp đến Sách Thánh như Quy Điển, Linh Hứng, Không Sai Lầm và Sự Thật TK, Giải Thích TK và Huấn Quyền.
Phần IV mang tính ứng dụng trình bày những yếu tố, những dụng cụ cần thiết cho một giải thích tốt, một gợi ý theo lối diễn giải toàn bộ và một gợi ý giải thích mang tính mục vụ hơn.
Tác phẩm “Giải thích Thánh Kinh” dày 777 trang trên khổ giấy 16 x 24 cm, khởi đi từ nền tảng lịch sử TỪ NGỮ. Mở rộng tới những PHƯƠNG PHÁP giải thích. Đào sâu các khía cạnh THẦN HỌC. Cuối cùng dẫn đến những ỨNG DỤNG thực tế phù hợp với thời đại. Tác phẩm chuyên chở một nội dung kiến thức sâu rộng, với một lòng yêu mến Lời Chúa nồng nàn, một nhiệt tâm phục vụ Lời Chúa không biết mệt mỏi, và một tâm nguyện tha thiết mong muốn Lời Chúa sinh hoa kết quả phong phú trong các tâm hồn.
Chúng tôi tin rằng quyển sách rất hữu ích không chỉ cho các sinh viên thần học, Thánh Kinh, nhưng còn cho mọi người, đặc biệt những người thực hành Lectio Divina, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, và cho tất cả những ai yêu mến, muốn học hỏi, đọc và sống Lời Chúa một cách hiệu quả.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.