Ơn gọi linh mục của cựu thủ môn Andres Gimenes
Ngọc Yến - Vatican News
Andres Gimenes sinh năm 1992, là con út trong gia đình Công giáo có 5 người con. Theo như thầy Andres mô tả, gia đình thầy là một gia đình Công giáo truyền thống, mọi người rất yêu thương nhau, nhưng rồi vì một lý do nào đó mà thầy không biết cha mẹ chia tay nhau, hai người chị theo mẹ, thầy và hai anh ở với ông bà ngoại. Gia đình hoàn toàn tan nát.
Khi lên 10 tuổi, Andres bắt đầu cảm nhận sự cô đơn mặc dù được ông bà chăm sóc tận tình. Lên 16 tuổi, Andres bắt đầu đặt ra những câu hỏi hiện sinh: “Tại sao phải sống thế này thế kia nếu cuối cùng người ta phải chết? Tôi không thực sự tìm được ý nghĩa cho cuộc sống”.
Một ngày kia, Andres được mời tham dự một giải bóng đá. Tại đó mọi người phát hiện tài năng của Andres và quyết định gửi Andres đến các nước khác để học hỏi. Nhưng điều kiện để được đi là phải có phép của người cha. Đi tìm người cha đã 11 năm không gặp là điều khó với Andres mặc dù dành cả một tháng cho việc này. Sự kiện này đã làm cho Andres nổi loạn và hận cha mình bởi vì chính lúc cần ông thì ông lại không có mặt.
Sau đó Andres chơi cho một câu lạc bộ. Với bóng đá, những trận đấu, người hâm mộ làm cho Andres vui hơn. Nhưng rồi niềm vui cũng không kéo dài, Andres lại bắt đầu đặt câu hỏi về sự hiện hữu.
Khi thấy người anh hạnh phúc vui tươi tham gia vào một nhóm giới trẻ trong giáo xứ, Andres cũng muốn tham gia để có được niềm vui. Một chút tình cờ, Andres bước vào phong trào Con đường Tân Dự tòng nhưng gặp trở ngại. Andres nói: “Tôi đã nghe các bài giáo lý. Có điều gì đó nói với tôi, nhưng tôi không hiểu. Bởi vì tôi thiếu những điều này trong gia đình như tình thương của cha mẹ, đối với tôi tình yêu Chúa không tồn tại hoặc không thể chạm đến với tôi. Và nếu một số người yêu thương tôi, đó là chỉ vì họ thấy nơi tôi một người đẹp trai, một cầu thủ bóng đá. Chính nhờ những gì tôi làm được mà tôi mua được tình thương. Về phần mình tôi cũng cảm thấy tôi không thể yêu thương người khác”.
Sau đó, một cặp vợ chồng của Con đường Tân Dự tòng đã hết mình giúp đỡ mỗi khi Andres gặp vấn đề. Andres đặt câu hỏi: “Tại sao một người có thể giúp đỡ tận tình một người xa lạ, không phải con của mình? Điều này có nghĩa là tình yêu hiện hiện trong cuộc sống”. Từng bước, cũng như những người khác trong cộng đoàn, Andres tái khám phá phép rửa đã lãnh nhận.
Cùng thời gian đó Andres ngày càng thành công trong lĩnh vực bóng đá, được chọn ở những vị trí quan trọng. Đúng lúc đó, một giáo lý viên hỏi Andres: “Bạn muốn trở thành cầu thủ, nhưng bạn có đặt câu hỏi Chúa muốn gì cho tôi chưa?”. Andres nói: “Như thế là đã rõ, nếu Chúa ban cho tôi tài năng này, đó là vì Người muốn tôi làm chứng cho Người trong sự thành công này. Hiểu như thế nhưng tôi vẫn cho rằng đây không phải là điều Chúa sắp đặt cho tôi”.
Trung thành tham gia vào các hoạt động của Con đường Tân Dự tòng, Andres đã được biến đổi. Và hai năm sau, trong một lần mời gọi định hướng ơn gọi, Andres đã xác nhận về cuộc đời mình với những lời xác tín: “Tôi không thể giải thích điều này như thế nào. Khi ngồi lắng nghe giáo lý, và tôi đã đứng dậy lúc nào không biết khi linh mục mời gọi những ai sẵn sàng cho ứng viên linh mục, tôi đã đứng dậy. Và giờ đây tôi đã là chủng sinh của Chúa”.
Đối với thầy Andres, cảm nghiệm tình yêu Chúa, trước hết là nhận ra những sai lầm của mình. Cha nói: “Nếu Chúa ban Con Một của Người cho tôi, đó là vì Người yêu thương tôi. Làm thế nào tôi trở thành linh mục, nếu tôi không có khả năng yêu thương? Để chấp nhận Thiên Chúa như người Cha, tôi phải tha thứ cho cha tôi. Tôi không thể bước vào chủng viện nếu không có sự đồng ý của cha tôi, người mà tôi đã chối từ. Tôi không biết ông đang sống ở đâu, nhưng chưa hết một ngày tôi đã tìm được cha tôi. Chúng tôi như những người xa lạ, nhưng có thể tha thứ và làm cho ông không cảm thấy bị xét xử đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình ơn gọi”.
Đối với thầy Andres ở bênh giường bệnh của người mẹ khi bà hấp hối cũng là một khoảnh khắc rất có ý nghĩa: “Tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt của bà dành cho tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy được yêu thương một cách nhưng không. Ngay cả khi ngôi mộ của bà đã được đóng lại, cái nhìn này vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Ánh mắt này làm cho tôi hiểu rằng cuộc sống là vĩnh cửu và cái chết không phải là hết. Và nhờ cái chết tôi có thể trải nghiệm cuộc sống và thấy được ý nghĩa của nó”.
Thầy giải thích về ơn gọi linh mục của mình: “Khi đáp lời ‘xin vâng’ với ơn gọi linh mục, tôi biết rằng tôi không đơn độc. Tôi biết ơn gọi của tôi không thuộc về tôi. Ơn gọi này đến từ Chúa qua Giáo hội và được cộng đoàn hỗ trợ”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.