ĐTC kêu gọi các bác sĩ lắng nghe tiếng kêu của các bệnh nhân
Hồng Thủy - Vatican News
Gần gũi với những người đau khổ
Trước hết, để có thể gần gũi với những người đau khổ, theo Đức Thánh Cha, “chúng ta phải học cách nhìn ra, trong nỗi đau của người anh em mình, một ‘dấu hiệu ưu tiên’, mà trong sâu thẳm trái tim buộc chúng ta phải dừng lại và không cho phép chúng ta bỏ đi. Đây là một sự nhạy cảm gia tăng khi chúng ta cho phép mình tham gia vào cuộc gặp gỡ với những người đau khổ. Và bước đi cùng nhau như thế này giúp tất cả chúng ta hiểu được ý nghĩa chân thật nhất của cuộc sống, đó là tình yêu.”
Làm cho tiếng kêu của người đau khổ được nghe thấy
Tiếp đến, “phải nói lên nỗi đau không được biết đến của những người bị bỏ lại một mình, thiếu hỗ trợ tài chính và tinh thần, dễ rơi vào tuyệt vọng và mất niềm tin, như có thể xảy ra với những người mắc chứng đau cơ xơ và đau mãn tính.” Đức Thánh Cha mời gọi lên tiếng đánh động các thành phố thiếu vắng lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn. Ngài kêu gọi đừng để tiếng kêu của những người đau khổ bị đóng kín trong phòng, hay chỉ đơn giản là “tin tức”, nhưng hãy quan tâm đến nó và làm cho nó được lắng nghe bằng sự tham gia cá nhân và cụ thể của chúng ta.
Trở thành men bác ái
Cuối cùng, trở thành men bác ái, Đức Thánh Cha giải thích, có nghĩa là “tạo thành sự kết nối”: “chia sẻ cách nhưng không và hỗ tương, bởi vì tất cả chúng ta đều thiếu thốn và có thể cho và nhận điều gì đó, dù chỉ là một nụ cười.” Điều này sẽ tạo thành chung quanh chúng ta một “mạng lưới” gồm những bàn tay siết chặt lấy nhau, những cánh tay hoạt động cùng nhau, những trái tim hiệp nhất trong lời cầu nguyện và lòng trắc ẩn. Đặc biệt, Đức Thánh Cha lưu ý rằng tấm gương hoạt động của các nhân viên y tế có thể giúp người khác can đảm tham gia vào hoạt động bác ái. (CSR_627_2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.