Công bố “Tài liệu kế hoạch” của các Giáo hội Công giáo Á châu
Ngọc Yến - Vatican News
Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangon, Chủ tịch, Liên Hội đồng Giám mục Á châu, xác định cuộc họp là “một bước ngoặt cho hành trình của các Giáo hội Á châu, một cuộc đối thoại trong tình liên đới và đoàn thể tính”. Tài liệu được công bố nhằm mục đích chuyển những điều đã được xác định vào cuộc sống cụ thể của các cộng đoàn. Lấy mẫu gương của ba nhà chiêm tinh trong Tin Mừng đã truyền cảm hứng cho Hội nghị Bangkok, tài liệu kêu gọi các dân tộc Á châu trở về “bằng một con đường khác”, giống như các nhà chiêm tinh đã làm khi họ đi từ Phương Đông đến gặp Chúa Giêsu ở Bêlem.
Đức Tổng Giám Mục Pablo Virgilio David của Kalookan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, đã trình bày tài liệu, cho biết một ủy ban được chọn do ngài đứng đầu, trong những tháng gần đây đã làm việc và hoàn thành bản dự thảo chung, được Hội nghị thông qua vào cuối cuộc gặp gỡ tháng 10.
Năm chương với 5 động từ
Tài liệu được chia thành năm chương, với nhiều động từ được sử dụng nhằm bước theo hành trình của ba nhà chiêm tinh: (1) “cùng nhau bước đi”, về chủ đề hiệp hành; (2) “quan sát”, về những thách thức đang nổi lên ở châu Á ngày nay; (3) “phân định”, về những đáp ứng đối với những thách đố mục vụ này; (4) “dâng lễ vật”, về mối tương quan giữa các Giáo hội Á châu và Giáo hội hoàn vũ; (5) và cuối cùng là “đi theo những con đường mới”, về sự hiện diện mục vụ ngày nay ở lục địa lớn.
Chín thách đố
Tài liệu đưa ra 9 thách đố đang nổi lên trong các xã hội châu Á ngày nay: (1) tình trạng của những người di cư thường là người tị nạn và người bản địa bị trục xuất khỏi quê hương; (2) gia đình, nền tảng xã hội; (3) căn tính giới; (4) vai ttrò ngày càng tăng của phụ nữ trong các xã hội phát triển nhanh chóng; (5) mối quan hệ giữa giới trẻ và thế giới ngày nay; (6) tác động của các công nghệ kỹ thuật số; (7) nhu cầu về một nền kinh tế công bằng giữa những biến đổi do đô thị hóa và toàn cầu hóa tạo ra; (8) khủng hoảng khí hậu đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta; (9) và cuối cùng là đối thoại liên tôn.
Đối với mỗi thách đố, tài liệu kêu gọi các Giáo hội Á châu có những dấn thân hoạt động mục vụ: từ việc quan tâm đến gia đình đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các cộng đoàn Giáo hội, từ việc sử dụng ý thức hơn các công nghệ kỹ thuật số đến việc thúc đẩy các nhịp cầu đối thoại và hòa giải, trong những vết thương đang trải qua rất nhiều khu vực của Á châu.
Các Giáo hội địa phương cũng được mời gọi để thích ứng việc đào tạo giáo sĩ với các bối cảnh và nền văn hóa của Á châu.
Năm ý tưởng cho “những con đường mới”
Đối với “những con đường mới” để theo, các Giáo hội Á châu đưa ra năm ý tưởng:
(1) Bắt đầu với công cuộc loan báo Tin Mừng, hy vọng chuyển từ một mô hình dựa trên một mô hình thống trị sang một mô hình thực sự hội nhập văn hóa.
(2) Các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, rất đông ở Á châu, được mời mở rộng lều và nhìn ra bên ngoài biên giới để khuyến khích tình huynh đệ giữa những người nam và nữ thuộc mọi tôn giáo.
(3) Những cải thiện trong đời sống Giáo hội, từ đối thoại đơn giản đến tính hiệp hành thực sự.
(4) Trong việc loan báo Tin Mừng, chuyển từ một lời loan báo trừu tượng sang kể những câu chuyện đức tin được thể hiện trong cuộc sống.
(5) Cuối cùng, như một cách tiếp cận chung, tài liệu kêu gọi các Kitô hữu sẵn sàng rời bỏ con đường cũ để đối diện với những ưu tiên mục vụ mới. Điều này có nghĩa là hướng đến những nhà truyền giáo trổi vượt như Matteo Ricci và Alessandro Valignano, những người vào thế kỷ 16 đã chú ý đến lời kêu gọi khơi dậy đức tin trong bối cảnh và văn hóa đặc biệt của châu Á.
Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ, điều phối công việc của Hội nghị ngay từ giai đoạn chuẩn bị cho biết: “Tài liệu là một văn bản mà chúng tôi gửi đến các Giáo hội của lục địa này, trên cơ sở đó các Giáo hội có thể suy nghĩ, cầu nguyện và lựa chọn các ưu tiên của mình. Tôi cho rằng, giống như trường hợp của Tài liệu Aparecida ở châu Mỹ Latinh, tài liệu này sẽ là điểm tham chiếu cho các cộng đoàn của chúng ta trong 5 hoặc 10 năm tới. Thể hiện định hướng hoạt động trở thành Giáo hội vì một Á châu và một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là sứ vụ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta” (Asia News 15/3/2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.