Một số việc làm cụ thể để tín hữu Việt Nam sống tinh thần hiệp hành
Vatican News
Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính là một trong ba đại biểu của Việt Nam tham dự hội nghị cấp châu lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục, được tổ chức tại Bangkok từ ngày 24 đến 26/2/2023.
Trong ngày cuối của khoá họp, cha đã chia sẻ với Vatican News Tiếng Việt về một số kinh nghiệm và cảm nghĩ của cha về khoá họp cũng như về tiến trình hiệp hành trong Giáo hội.
Những khó khăn trong việc sống tinh thần hiệp hành
Nói về những khó khăn của Giáo hội Việt Nam trong việc sống tinh thần hiệp hành, cha Hai Tính nói rằng có những khó khăn không chỉ của tín hữu Việt Nam, nhưng là khó khăn chung ở nhiều Giáo hội tại Á châu. Nhiều người chưa hiểu hiệp hành là gì, hay nghi ngờ tiến trình và kết quả của hiệp hành, hoặc thực hiện tiến trình này cách hời hợt. Một khó khăn đặc biệt của tín hữu Việt Nam là chưa có thói quen hay chưa có điều kiện được tham gia vào việc đưa ra quyết định của cộng đoàn.
Những cộng đoàn nhỏ bé nhưng tích cực loan báo Tin Mừng
Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, cha Tính nói rằng một điều cha học được từ Giáo hội các nước khác là tuy còn khó khăn, Giáo hội là thiểu số về mọi mặt, nhiều khi còn bị bách hại, nhưng họ vẫn nhìn đến các Giáo hội lân cận; họ ý thức rõ về tính hoàn vũ của Giáo hội: Giáo hội là duy nhất và vấn đề của Giáo hội địa phương có liên quan đến Giáo hội hoàn vũ. Dù là những cộng đoàn nhỏ bé nhưng các Giáo hội vẫn tích cực loan báo Tin Mừng và sống đức tin kiên cường.
Làm sao để người Công Giáo Việt Nam có thể kề vai sát cánh với Thượng Hội đồng
Với câu hỏi “Làm sao để người Công Giáo Việt Nam có thể kề vai sát cánh với Thượng Hội đồng trong giai đoạn châu lục này cũng như tại Đại hội Thượng Hội đồng tại Rôma vào tháng 10 năm nay và tháng 10 năm tới?” Cha Hai Tính chia sẻ một số việc nho nhỏ nhưng thiết thực mà các tín hữu Việt Nam có thể làm.
Trước hết, cần để tâm đến bầu khí hiện tại của Giáo hội, để tâm đến việc Giáo hội đang trong tiến trình hiệp hành. Cha giải thích rằng để tâm không phải là tò mò, nhưng là đặt tâm trí và tâm hồn vào sự kiện, với tâm tình cầu nguyện. Nhớ rằng Giáo hội đang trong tiến trình phân định và cầu nguyện. Như thế đã là hiệp hành.
Tiếp đến, hãy quan tâm đến nhau, bắt đầu từ những người gần chúng ta nhất: trong giáo xứ, khu nhóm. Theo cha, hiệp hành không phải là phong trào hay hành động, nhưng nó đến trước hết từ việc chúng ta có tương quan với nhau. Khi có tương quan với Chúa và với nhau thì chúng ta dễ làm việc với nhau và dễ hiệp hành.
Chúng ta cũng hãy chu toàn bổn phận, làm tốt việc chúng ta đang làm, như phục vụ gia đình, giáo xứ, xóm đạo. Và cuối cùng, hãy hướng đến những anh chị em nghèo khổ và yếu thế nhất, những người chưa có ai quan tâm, bằng những nghĩa cử như thăm viếng, giúp đỡ. Đó chính là hiệp hành.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.