Nhà Bêtania ở Iraq dành cho phụ nữ lánh nạn
Ngọc Yến - Vatican News
Nhà Bêtania nằm sau một lối vào kín đáo và được bảo vệ cẩn thận, cách xa đường lộ ồn ào, mở ra cánh cửa không bị nghi ngờ. Một số tòa nhà liền kề xung quanh đài phun nước, xích đu, các bức tượng Chúa Kitô và Mẹ Maria, tạo thành một tổng thể ngăn tiếng ồn. Bên trong mỗi phòng được trang trí cẩn thận và được trang bị bàn ghế và những thứ cần thiết để tiếp đón mọi người dùng trà hoặc cà phê.
Trong mái ấm này có 56 phụ nữ, những người bị gia đình ruồng bỏ, bị đe doạ, goá bụa, ly hôn, nói chung những phụ nữ đang gặp khó khăn tinh thần hoặc thể lý. Tất cả được chào đón, không phân biệt tôn giáo, và có thể thực hành niềm tin của mình.
Theo những người được đón tiếp, ngôi nhà Bêtania này có một không hai ở Baghdad. Ở đất nước này, phụ nữ nếu không có bạn đời, anh trai hoặc người cha, nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn thường bị bỏ mặc.
Cơ sở này được hình thành vào năm 2001 nhờ hai nữ giáo dân thánh hiến, chị Anwar Abada và chị Alhan Nahab. Gần 30 năm qua, nhờ sự kiên trì của hai chị và các tình nguyện viên, ngôi nhà vẫn luôn được duy trì hoạt động.
Mọi chuyện bắt đầu cách đây gần ba thập kỷ, Anwar và Alhan tìm giúp đỡ các phụ nghèo khổ trên đường phố, tại nhà của họ hay ở bệnh viện. Đến năm 2000, hai người đã thuê được một ngôi nhà khiêm tốn đầu tiên để có thể đón tiếp các phụ nữ đang gặp khó khăn có nơi tá túc qua đêm. Hai phụ nữ đã quyết định đặt tên nơi đón tiếp này là Nhà Bêtania, một địa danh được nói đến trong Tin Mừng, nơi hai chị em Maria và Marta đón tiếp Chúa Giêsu.
Ngay từ đầu, ngôi nhà đã được một số tổ chức Giáo hội Kitô hỗ trợ, và gần đây, sau khi chứng kiến Nhà Bêtania đón tiếp tất cả mọi người. Cả tín đồ Hồi giáo, các cộng đoàn Hồi giáo cũng rộng tay hỗ trợ mái ấm hoạt động.
Cha Ameer Jajé, linh mục tuyên uý cho cơ sở đón tiếp nói: “Qua chị Anwar, chính Chúa Kitô được biết đến”. Linh mục dòng Đa Minh cho biết thêm, đối với Anmar, một người đã quyết định rời bỏ vị trí phó giám đốc của một văn phòng nghiên cứu địa chất để cống hiến hoàn toàn cho ơn gọi phục vụ các phụ nữ gặp khó khăn, là một quyết định đúng. Người sáng lập Nhà Bêtania thực sự thuộc về những phụ nữ này. Theo cha Jajé, chị Anwar và Ahlan đã hiểu rằng xã hội và các phụ nữ này cần họ khi Iraq bị cấm vận hoàn toàn. Với sự sụp đổ của Saddam Hussein vào năm 2002, Iraq rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội. Tình hình gây bất ổn cho xã hội, các gia đình gặp nhiều bất hạnh. Vào thời điểm đó, nhiều phụ nữ lớn tuổi đến với hai chị, nhưng cũng có các trẻ em vì các cô nhi viện đều đóng cửa. Số người tìm đến với Nhà Bêtania ngày càng đông, đến mức không có đủ chỗ cho họ ngủ.
Năm 2019, sau một thời gian bị bệnh nặng, chị Alhan qua đời, hiện nay Nhà Bêtania chỉ có chị Anwar điều hành cùng với các tình nguyện viên. Chị Anwar nói: “Chúng tôi đang đáp ứng một nhu cầu thực sự. Ở Iraq, có rất nhiều phụ nữ bị bỏ rơi, đó không chỉ là vấn đề xã hội, bởi vì cũng có sự chai đá của nhiều người khi đối diện với những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, trong một xã hội hơi giống luật rừng. Thực vậy, Nhà Bêtania cố gắng bảo vệ những phụ nữ phải chịu đựng bạo lực xã hội và của những người nam. Trong bốn thập kỷ qua, ở Iraq, bạo lực ngày càng gia tăng do các cuộc xung đột”.
Tại phòng lớn, khoảng 20 phụ nữ đang ngồi quây quần trên những chiếc ghế bành xếp thành vòng. Mỗi người đang ở mái ấm này có những câu chuyện khác nhau. Người lớn tuổi nhất là một cụ bà 81 tuổi. Bà đến đây từ năm 2021 sau khi bà bị mất tất cả những người thân trong gia đình. Khách đến thăm thường gặp bà ngồi trên giường với một sách cầu nguyện trên tay. Bà nói với mọi người: “Tôi may mắn được ở nơi đây, cô Anwar cung cấp các bữa ăn cho chúng tôi, và cho chúng tôi tất cả những gì chúng tôi cần”.
Một thiếu nữ khác ở độ tuổi 20, khi có người đến thăm, muốn bày tỏ lòng trìu mến qua cử chỉ ôm, nhưng không được vì đã bị mất tay chân. Đối với thiếu nữ, Anwar là một người mẹ tuyệt vời vì đã cho cô rất nhiều tình thương, chăm sóc tất cả. Ngôi nhà này là tất cả, là gia đình, là cuộc sống của em.
Một phụ nữ khác, khoảng trên 50 tuổi, xuất thân từ một giáo phái cuồng tín. Với làn da rám nắng và mái tóc ngắn bà cho biết được đón vào mái ấm khi đang bị làm vật tế thần. Một người quen biết đã gọi điện cho Anwar đến giải thoát. Giờ đây sống trong mái ấm, người phụ nữ này cảm thấy nhẹ nhàng, tâm hồn bình an vì đã lấy lại được phẩm giá và để có thể cảm thấy như ở nhà.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.