TGM Sviatoslav Shevchuk: ĐTC Phanxicô đưa ra tiếng nói độc nhất cho hòa bình
Vatican News
Bất chấp cuộc chiến bi thảm đang diễn ra ở Ucraina đang mang đến chết chóc và hủy diệt, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina nói rằng khi họ cử hành Lễ Phục sinh, Chúa Kitô, là nguồn hy vọng và khả năng phục hồi của họ, giúp họ hy vọng rằng chiến tranh sẽ chấm dứt, và sự bình an, sự sống và sự phục sinh sẽ có tiếng nói quyết định. Ngài nói: “Tôi thực sự tin rằng ở Ucraina, chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Phục sinh ở giữa chúng tôi, bởi vì từ một năm rồi, lẽ ra chúng tôi đã chết nhưng ngược lại chúng tôi sống và hy vọng, và từ Kyiv, chúng tôi có thể xác nhận với toàn thế giới rằng Chúa Kitô đã sống lại, Người đã sống lại thật rồi.”
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk đã nói về sự đúng lúc của những lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài về vũ khí hạt nhân, và cách hướng tới hòa bình ngay cả khi đất nước của họ phải đối mặt với chiến tranh và đau khổ trong hơn một năm kể từ cuộc xâm lược của Nga. Ngài khen ngợi các linh mục gần gũi với những người đau khổ và những người phụ nữ “mang trên vai gánh nặng của cuộc xung đột.”
** Thưa Đức Tổng Giám mục trưởng, ở Ucraina vào Lễ Phục sinh, các tín hữu chào nhau bằng những câu “Chúa Kitô đã sống lại, đã thực sự sống lại”. Lời chào này có ý nghĩa gì trong bối cảnh chiến tranh đã diễn ra hơn một năm?
- Đối với chúng tôi, lời chào này không phải là một lời chào đơn giản, mà là một lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo và cũng là một sự mặc khải về tính xác thực của sự hiện hữu của chúng tôi như là Kitô hữu. Tôi nhớ hồi thời Xô Viết, hồi tôi còn nhỏ, tôi đã chào một đại diện của Đảng Cộng sản bằng những lời chào này, mà không để ý điều đó. Và tôi nói với người đó, “Chúa Kitô đã sống lại.” Và ông ấy trả lời: “Được, cảm ơn cháu. Tôi đã được thông báo rồi”. Nhưng được thông báo và có quyền tuyên bố: “Thật sự Người đã sống lại”, đó là hai quan điểm khác nhau. Và hôm nay chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình từ tình huống bi thảm, những khoảnh khắc bi thảm của người dân Ucraina. Chúa Kitô thực sự đã sống lại. Người ở với chúng tôi, và Người là nguồn sức mạnh kiên cường của chúng tôi và là nguồn hy vọng của chúng tôi, hy vọng cho tương lai, hy vọng rằng một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ kết thúc, và khi đó, hòa bình, sự sống và sự phục sinh sẽ có tiếng nói cuối cùng trong lịch sử của chúng tôi.
** Sứ điệp cứu độ này được mọi người, các tín hữu đón nhận như thế nào? Giữa bao đau thương, bao chết chóc, bao đổ nát, có ai mất niềm tin không?
- Tôi muốn nói ngược lại, kinh nghiệm trực tiếp về cái chết đối với nhiều người, khi đối mặt với thảm họa này, dẫn đến sự hoán cải. Thực sự ở Ucraina, chúng tôi có một thời kỳ tuyệt vời để tìm kiếm Chúa, người ta nói rằng ngay cả những người vô thần ở mặt trận cũng cầu nguyện cho những người lính và khi họ trở về sau chiến trận, họ tìm kiếm một người cha thiêng liêng để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Nỗi đau này, nỗi thống khổ này gợi lên những câu hỏi hiện sinh không chỉ về ý nghĩa của đau khổ, mà còn về cái chết. Và sứ điệp Kitô giáo thực sự là nguồn hy vọng, bởi vì chúng tôi có một viễn tượng sự sống vượt lên trên cái chết. Một viễn cảnh sống lớn hơn, rộng hơn, mở rộng hơn, cho chúng tôi sức mạnh nội tại để tiếp tục xây dựng, trong khi có người mỗi ngày phá hủy; để tiếp tục chữa lành vết thương, trong khi có người gây thương tổn cho chúng ta mỗi ngày. Cũng để tiếp tục hy vọng trong khi ai đó nói rằng chúng tôi không còn hy vọng nữa.
** Đức Thánh Cha đã đưa ra vô số lời kêu gọi cho Ucraina và giúp đỡ những người đau khổ. Điều này có ý nghĩa gì đối với Đức cha và những lời kêu gọi đó có giá trị gì?
- Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là chúng tôi không bị bỏ rơi, rằng trong những đau khổ của mình, chúng tôi không đơn độc. Và Đức Thánh Cha không chỉ nói với người Ucraina mà còn thay mặt người Ucraina nói với thế giới. Và mỗi khi ngài cố gắng thông báo với thế giới về thảm kịch đang xảy ra ở Ucraina, đối với chúng tôi, những lời nói của ngài đều mang lại sự sống. Nhờ sự liên đới trên toàn thế giới, chúng tôi đã có thể chịu đựng được những hậu quả của cuộc chiến này. Tạ ơn Chúa và nhờ Đức Thánh Cha, cuộc khủng hoảng nhân đạo này, do chiến tranh gây ra, thảm kịch nhân đạo đã không trở nên tệ hơn. Không ai ở Ucraina chết vì đói, vì khát hay vì lạnh. Chúng tôi đã có thể hỗ trợ những người là nạn nhân của cuộc xâm lược này của Nga. Vì vậy, mỗi lời cầu nguyện, mỗi lời Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới vì chúng tôi, là một thông điệp mang lại sự sống.
** Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho chiến tranh. Trong tâm trí của Đức cha, Đức cha có hình dung ra một con đường khả dĩ dẫn đến hòa bình với sự nhấn mạnh vào các nỗ lực hòa giải và xây dựng hòa bình hơn là vũ khí và bạo lực không? Và nếu có thì như thế nào?
- Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi đấu tranh cho hòa bình. Tất nhiên, hoà bình này ngay bây giờ nghe giống như một phép lạ, giống như một điều gì đó nên xảy ra, nhưng khi nào thì chúng tôi không biết. Về phía con người thì không có triển vọng cho một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến này. Nhưng chúng tôi tin rằng phép lạ xảy ra. Có thể một ngày nào đó, chúng tôi sẽ được hưởng hòa bình trên đất Ucraina của chúng tôi.
** Trong suốt triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Tại sao thông điệp của ngài lại đặc biệt quan trọng vào thời điểm này?
- Bởi vì ngay bây giờ, thế giới một lần nữa đang ở bên bờ vực của một cuộc đối đầu hạt nhân. Khi luật pháp quốc tế không còn hiệu lực nữa, không ai trên thế giới cảm thấy an toàn. Và sự an ninh nào, lý luận nào, mà nhiều, rất nhiều quốc gia có ngày nay? Chỉ có vũ khí hạt nhân, năng lượng hạt nhân. Và điều đó thật đáng buồn bởi vì chúng ta đang chứng kiến sự leo thang và quân sự hóa các mối quan hệ quốc tế đang diễn ra như thế nào ngay bây giờ. Và Đức Thánh Cha Phanxicô gần như là một tiếng nói độc nhất đối với thế giới khi nói: “Xin dừng lại. Đừng dùng lý luận đó như một lý lẽ trong các cuộc đàm phán của quý vị.” Chúng ta không thể thảo luận với hành vi tống tiền, sử dụng năng lượng hạt nhân, bởi vì thực tế này sẽ gây ra thảm họa cho toàn thế giới.
** Chiến tranh đã có ảnh hưởng gì đối với tất cả các linh mục và cả mối quan hệ giữa ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp và các giáo sĩ?
- Chiến tranh đã dẫn chúng tôi đến một cuộc hoán cải mục vụ thực sự và đích thực. Các linh mục không còn là tầng lớp thượng lưu trong xã hội, một đẳng cấp không thể đụng đến. Linh mục là người phải bước xuống khỏi bục và quỳ xuống trước những người bị thương, an ủi những người thương khóc cái chết của những người thân yêu của họ. Cuộc hoán cải mục vụ này cho thấy một chiều kích của linh mục là người phục vụ, như Chúa Kitô đã nói. Đối với tôi, với tư cách là một giám mục, thời kỳ này là thời gian gần gũi với các linh mục. Bởi vì họ gần gũi với những người đau khổ, nhưng tôi phải gần gũi với các linh mục của tôi. Họ chữa lành vết thương cho người dân, nhưng tôi phải chữa lành vết thương cho họ, tôi phải là người cha khi họ cảm thấy “kiệt sức”, mệt mỏi, đặt họ lên vai để cho họ sự nghỉ ngơi và lòng can đảm. Sự hiệp thông này của Giáo hội, giữa linh mục và tín hữu, giữa linh mục và linh mục đoàn, giữa giám mục và linh mục của ngài, là bí quyết của sự kháng cự, sức mạnh của Giáo hội chúng tôi trong những điều kiện này.
** Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước hết với các phụ nữ. Phụ nữ Ucraina, và đặc biệt là trong Giáo hội, đóng vai trò gì trong những thời điểm khó khăn này?
- Phụ nữ ở Ucraina là viên đá nền tảng của xã hội chúng ta. Chúng tôi thường nói rằng trong văn hóa Ucraina, chúng tôi có chế độ mẫu hệ. Vì vậy, một người mẹ, một người phụ nữ, là người chủ yếu loan báo, tuyên xưng đức tin Kitô giáo ở Ucraina. Và Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục sinh, chúng tôi có một Chúa nhật dành riêng cho những người phụ nữ mang thuốc thơm.
Vai trò của phụ nữ trong sứ vụ truyền giáo ngày nay ở Ucraina rất quan trọng. Gần 99% giáo lý viên trong cộng đoàn của chúng tôi là phụ nữ, nhưng các giáo sĩ của chúng tôi hầu hết cũng đã kết hôn, vì vậy vai trò của người vợ linh mục là rất quan trọng trong giáo xứ và cộng đoàn giáo xứ. Thông thường, người ta sẽ đến với vợ của linh mục trước, sau đó mới đến linh mục, đặc biệt là trong một số vấn đề tế nhị đối với phụ nữ. Người mẹ là hình ảnh của Ucraina ngày nay. Tôi có thể nói rằng một Giáo hội như một người mẹ là một điều gì đó rất, rất quan trọng, đặc biệt hùng hồn đối với người dân Ucraina ngày nay. Mẹ Giáo hội, mẹ và người thầy, mẹ và người bảo vệ, là một hình ảnh của Giáo hội chúng ta ngày nay.
** Thưa Đức cha, truyền đạt đức tin này khi có quá nhiều đau đớn và quá nhiều cái chết xung quanh thì khó khăn thế nào? Làm thế nào để Đức cha đưa ra một thông điệp về hy vọng và niềm tin giữa nỗi buồn như vậy vào thời điểm này?
- Trong những hoàn cảnh đó, chính chúng ta cảm nghiệm rằng sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng, nhưng là một kinh nghiệm mang lại sự sống. Vì vậy, khi chia sẻ sứ điệp của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi. Chúng tôi chia sẻ nguồn hy vọng của chính mình, nguồn khả năng phục hồi của chính chúng tôi. Vì vậy, mọi người đang lắng nghe chúng tôi, nhưng nhìn vào chúng tôi: Làm thế nào để chính chúng tôi sống sứ điệp này trong cuộc sống của chính mình? Ngày nay, rất thường xuyên, chúng tôi đang chứng kiến khoảnh khắc hoán cải đặc biệt của rất nhiều người ở Ucraina vì họ đang tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc của những hoàn cảnh rất khó khăn đó: Tại sao điều đó lại xảy ra với chúng ta. Bạn nên làm gì? Điều mà chúng ta đang làm có đúng không? Và rất thường những thông điệp hoặc những câu hỏi đó chỉ có thể được trả lời nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa, và chỉ khi chúng ta là thành viên của một cộng đồng sống thông điệp đó, tin mừng đó, điều mà chúng ta công bố mỗi ngày.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.