Phỏng vấn TGM Peter Soon-taick của Seoul về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc ngày nay
Ngọc Yến - Vatican News
Trước hết về sứ vụ của Giáo hội tại Seoul. Thưa Đức Tổng Giám Mục, công cuộc truyền giáo được thực hiện như thế nào trong một đô thị lớn, nơi cuộc sống của mọi người là công nghệ và cuồng nhiệt? Liệu có còn chỗ cho Thiên Chúa không?
Loan báo Tin Mừng ở một đô thị nhộn nhịp như Seoul chắc chắn có những thách đố đặc biệt. Bản chất công nghệ và nhịp độ nhanh của cuộc sống đô thị làm cho mọi người thường bị cuốn vào nhiều trò tiêu khiển, có thể khiến họ mất tập trung vào Thiên Chúa và đời sống tâm linh. Trong một đô thị rộng lớn như Seoul, cách tiếp cận của Giáo hội đối với việc truyền giáo được đặc trưng bởi khả năng thích ứng, phù hợp và toàn diện. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc lắng nghe tích cực và đối thoại cởi mở, và điều này phù hợp với sứ vụ của chúng tôi tại Seoul, chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường giao tiếp và hiểu biết cởi mở và chào đón.
Đầu tiên, tiếp cận kỹ thuật số là điều quan trọng. Bằng cách tận dụng sức mạnh của Internet, Tổng Giáo Phận Seoul sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, dịch vụ phát trực tiếp, podcast và cộng đồng trực tuyến để kết nối với cộng đồng những người am hiểu công nghệ. Cách tiếp cận này gặp gỡ mọi người tại nơi họ đang ở, giúp họ tiếp cận với Tin Mừng dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với mục vụ giới trẻ, vì thế hệ trẻ rất cởi mở với những ý tưởng mới và sử dụng công nghệ một cách dễ dàng. Giáo hội phải hiện diện trong những không gian này để người trẻ có thể khám phá đức tin của họ trong bối cảnh hiện đại. Khi làm như vậy, chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về một truyền thông “biết cách tìm ra những cách thức và phương tiện mới cho việc loan báo Tin Mừng được mời gọi thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba”.
Sự tham gia trực tiếp của cộng đoàn là một khía cạnh quan trọng khác. Nếu thế giới kỹ thuật số cung cấp những công cụ có giá trị cho việc rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta phải luôn nhớ rằng đức tin cuối cùng dẫn đến một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ được thể hiện sâu xa nhất trong những trải nghiệm thể lý và trong việc thờ phượng cộng đoàn, trong sự đồng hành cụ thể của người lân cận.
Vì điều này, cộng đoàn giáo phận tích cực tham gia vào các sự kiện và các cuộc gặp gỡ, tổ chức các hoạt động bác ái và cống hiến xây dựng mối quan hệ với cộng đồng dân sự rộng lớn hơn. Phong cách này cũng nhằm truyền tải thông điệp Kitô giáo về tình yêu và lòng trắc ẩn đối với mỗi người.
Văn hóa cũng là điều thiết yếu. Giáo hội giải quyết các vấn đề cuộc sống đương đại gây tiếng vang với cư dân thành thị, chẳng hạn như quản lý căng thẳng, cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư, thành công cá nhân. Ngoài việc hướng dẫn đời sống thiêng liêng, Giáo hội còn cung cấp hỗ trợ thực hành, bao gồm các hội thảo và dịch vụ tư vấn để giải quyết những thách đố mà người Công giáo ở Seoul phải đối diện. Bằng cách nói về những mối quan tâm này, một cầu nối được tạo ra giữa đức tin và cuộc sống hàng ngày, và Tin Mừng soi sáng điều thứ hai.
Có phải Giáo hội Hàn Quốc cũng truyền giáo bên ngoài biên giới quốc gia, ad gentes?
Vào tháng 10/1981, lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm hiện diện, Giáo hội Hàn Quốc đã đánh dấu một cột mốc quan trọng qua việc gửi bốn linh mục đi truyền giáo đến Papua New Guinea. Bước quan trọng này đã đánh dấu một khởi đầu từ truyền thống dựa vào các nhà truyền giáo đến từ Âu châu và làm chứng rằng Giáo hội Hàn Quốc đang đón nhận ơn gọi trở thành một cộng đoàn truyền giáo, phù hợp với sứ điệp Tin Mừng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Dấn thân truyền giáo này đã mở ra một kỷ nguyên cách mạng, với sự biến đổi điều gọi là “các Giáo hội đón nhận” thành “các Giáo hội trao ban”. Giáo phận Seoul hiện có 22 linh mục đang dấn thân tích cực truyền giáo trên khắp thế giới. Điều đáng nói nữa là vào năm 2005 Tổng Giáo Phận Seoul đã thành lập “Hiệp hội Truyền giáo Công giáo Quốc tế Seoul”, và gửi 12 thừa sai ra nước ngoài, phản ánh sự dấn thân truyền giáo hải ngoại liên tục của Tổng Giáo Phận. Các linh mục cống hiến cho sứ vụ ad gentes đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá đức tin Kitô, trong hoạt động mục vụ và những nỗ lực nhân đạo ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhấn mạnh sự cống hiến của Giáo hội Hàn Quốc trong việc chia sẻ sứ điệp Kitô. Nhưng ngoài các linh mục và tu sĩ, giáo dân Hàn Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền giáo nước ngoài. Khi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, họ dấn thân trong nhiều hoạt động như giảng dạy, chăm sóc y tế và phát triển cộng đồng.
Trong sứ vụ, Giáo hội Hàn Quốc không thể bỏ qua mối quan hệ với Bắc Hàn. Là Giám quản Tông toà Bình Nhưỡng, Đức Tổng Giám Mục có hy vọng về những bước đối thoại và hoà giải không? Làm thế nào để có thể lấy lại việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu ở Bắc Hàn?
Với tư cách là Giám quản Tông tòa Bình Nhưỡng, tôi tin tưởng chắc chắn vào sức mạnh của niềm hy vọng và tiềm năng đối thoại và hòa giải. Mặc dù tình hình ở Bắc Hàn đặt ra nhiều thách đố, chúng tôi không bao giờ được mất niềm tin vào khả năng thúc đẩy sự hiểu biết và tái thiết hoạt động chăm sóc mục vụ cho các tín hữu ở khu vực này. Thực tế, đối thoại và hòa giải là những bước quan trọng hướng tới việc hàn gắn những chia rẽ đã tồn tại quá lâu. Được hướng dẫn bởi những lời dạy của Chúa Kitô, Giáo hội Công giáo dấn thân thúc đẩy hòa bình, sự hiểu biết và hòa giải, không chỉ ở Bắc Hàn nhưng trên toàn cầu.
Để nối lại việc chăm sóc mục vụ với các tín hữu ở Bắc Hàn, cần phải tiến hành từng bước một, luôn được hướng dẫn bởi niềm hy vọng và cầu nguyện. Đầu tiên, Giáo hội Hàn Quốc có thể đóng một vai trò nền tảng trong các nỗ lực nhân đạo bằng cách hỗ trợ người dân Bắc Hàn, đáp ứng nhu cầu trước mắt của họ và đưa tay giúp đỡ, chúng tôi có thể tạo dựng lòng tin và mở ra cánh cửa đối thoại.
Cầu nguyện là một công cụ mạnh mẽ. Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của cầu nguyện trong việc biến đổi trái tim và tâm trí. Khi chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu ở Bắc Hàn và cho hòa bình, chúng ta gieo những hạt giống hy vọng và hòa giải. Điều đáng chú ý là vào năm 2015 Tổng Giáo Phận Seoul đã bắt đầu chiến dịch “Nhớ đến các Giáo xứ phía Bắc”, một kiểu “kết nghĩa thiêng liêng” vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Sáng kiến này là minh chứng cho dấn thân lâu dài của chúng tôi đối với người dân Bắc Hàn và niềm hy vọng vững chắc của chúng tôi về sự hòa giải và chữa lành. Qua những nỗ lực tập thể này, chúng tôi mong muốn mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn và nối lại việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu ở Bắc Hàn.
Hơn nữa, tôi phải lưu ý rằng mặc dù địa chính trị quốc tế không phải lúc nào cũng có vẻ lạc quan, nhưng tôi cảm nhận được mong muốn chung về đối thoại hòa bình, bắt nguồn sâu xa trong trái tim của cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn, khi tôi tham dự “Diễn đàn Hòa bình Công giáo Hàn Quốc” ở Washington. D.C. vào năm 2022, do Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Hội đồng Giám mục Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Niềm hy vọng đối thoại và hòa giải vang vọng sâu sắc trong đức tin Công giáo chúng ta. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng vai trò của Giáo hội Hàn Quốc và nói rộng hơn là Tòa Thánh, có thể mang tính quyết định trong việc thúc đẩy đối thoại và hòa bình.
Ở Hàn Quốc, án tử hình một lần nữa trở thành chủ đề trọng tâm trong các cuộc tranh luận của công chúng. Có hy vọng thực sự về việc bãi bỏ dứt khoát ở Hàn Quốc không?
Vấn đề án tử hình đã trở thành một chủ đề nổi bật trong cuộc tranh luận công khai và là một vấn đề được Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc hết sức quan tâm. Đức tin dạy chúng ta về tính chất thánh thiêng của sự sống con người và giá trị của lòng thương xót và ơn cứu độ. Trong bối cảnh này, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã liên tục ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình. Trong những diễn biến mới nhất, thông điệp kêu gọi pháp luật bãi bỏ án tử hình đã gây tiếng vang thông qua một sự kiện đặc biệt như buổi hòa nhạc tôn vinh hòa bình và sự sống do Tiểu ban về bãi bỏ án tử hình của Ủy ban Giám mục Công lý và Hòa bình tổ chức trong sân Nhà thờ Myeongdong ở Seoul, mùa xuân vừa qua. Trong các biện pháp can thiệp khác nhau trong năm nay và trong việc tham gia đối thoại với các chính quyền dân sự, Tiểu ban đã ủng hộ mạnh mẽ việc bãi bỏ hình phạt tử hình và thiết lập các hình thức trừng phạt thay thế, được xác định và quy định trong luật.
Một vấn đề khác làm chấn động xã hội Hàn Quốc là hiện tượng tự tử, đặc biệt trong giới trẻ. Cộng đoàn Công giáo đối diện vấn đề này như thế nào?
Đây là một vấn đề thực sự phức tạp. Giáo hội Công giáo Hàn Quốc nhận ra tính nghiêm trọng của hiện tượng này và đã tích cực tham gia vào việc suy tư và nâng cao nhận thức nơi giới trẻ. Tỷ lệ tự tử đáng báo động ở Hàn Quốc đã khiến Giáo hội phải tự hỏi về vai trò của đức tin và phải làm thế nào đối với hiện tượng này. Chúng tôi nhận thấy giới trẻ Hàn Quốc thường phải chịu áp lực rất lớn về học tập, cạnh tranh xã hội, tốc độ nhanh của cuộc sống hiện đại. Trong bối cảnh này, Giáo hội tìm cách cung cấp sự hỗ trợ, sự hiểu biết và hy vọng cho những người đang gặp khó khăn. Trước hết là cần quan tâm đến vấn đề, nói một cách cởi mở. Như thế, các kinh nghiệm và sáng kiến của Giáo hội đã ra đời nhằm giải quyết vấn đề tự tử trong giới trẻ. Giáo hội cung cấp một không gian an toàn và thân thiện để mọi người chia sẻ gánh nặng và tìm kiếm sự an ủi. Các chương trình mục vụ và dịch vụ tư vấn đã được tạo ra để hỗ trợ về mặt tình cảm và tinh thần cho những người gặp khó khăn. Một ví dụ về những sáng kiến này là Phong trào “Một thân thể một tinh thần” của Tổng Giáo Phận Seoul, dành riêng cho việc ngăn ngừa tự tử. Các thành viên của phong trào tích cực đến thăm các trường đại học và tư vấn cho sinh viên, cả Công giáo và không Công giáo. Những sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao sức khỏe tinh thần và tình cảm của những người trẻ, giúp họ tìm thấy hy vọng và khả năng phục hồi khi đối diện với những thách đố trong cuộc sống.
Hơn nữa, chúng tôi có các kế hoạch hỗ trợ cụ thể, đặc biệt dành cho những người có nguy cơ tự tử cao. Cần phải thực hiện bước đầu tiên và đến gặp họ: chúng tôi đang phát triển các sáng kiến, trong đó các linh mục và cố vấn chuyên nghiệp đến thăm những người gặp khó khăn, vì chúng tôi hiểu rằng họ có thể khó đến với chúng tôi. Một ví dụ là xe buýt “AGIT” do Tổng Giáo Phận Seoul điều hành, chạy quanh thành phố để thăm và chăm sóc thanh thiếu niên không đến trường. Cách tiếp cận chủ động này cho phép chúng tôi tiếp cận những người không thể tự mình tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mặc dù vấn đề tự tử vẫn là một thách đố phức tạp, Giáo hội Hàn Quốc vẫn dấn thân đi trên hành trình này với những người trẻ, mang đến cho họ ánh sáng đức tin, lòng trắc ẩn và cộng đoàn trong những thời khắc đen tối của họ.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.