Hội đồng Giám mục Ý chia buồn về vụ tấn công nhà thờ ở Istanbul
Hồng Thủy - Vatican News
Trong tuyên bố được đưa ra sau vụ hai người mang vũ khí xông vào nhà thờ Đức Maria ở Sariyer, thủ đô Istanbul, trong khi Thánh lễ đang được cử hành, nổ súng sát hại một tín hữu, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý Matteo Zuppi và Đức cha Tổng Thư ký Giuseppe Baturi đã bày tỏ tình liên đới và gần gũi của Giáo hội ở Ý: “Xin gửi đến toàn thể cộng đoàn tình cảm của chúng tôi. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho mọi hình thức bạo lực chấm dứt và để con đường hòa bình được kiên quyết thực hiện”.
Thông qua Caritas Italiana, Hội đồng Giám mục Ý tiếp tục sát cánh cùng Caritas Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đồng hành và hỗ trợ người dân cũng như cộng đồng Kitô hữu với nhiều dự án khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tái thiết sau động đất.
Cuộc tấn công có thể nhắm chống Kitô giáo
Theo Đức cha Paolo Bizzeti, Đại diện tông tòa Anatolia, vụ tấn công mà nhóm Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm là một cuộc tấn công có thể nhắm chống Kitô giáo.
Hai kẻ tấn công đã bị bắt; một người là công dân Chechnya có hộ chiếu Nga và một người Tajik. Theo Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya, cả hai đều có liên kết với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Bình luận với hãng tin SIR, Đức Cha Paolo Bizzeti nói: “Tôi đã xem đoạn video về vụ tấn công và tôi nghĩ tôi có thể nói rằng đó là một cuộc tấn công chống Kitô giáo, có nguồn gốc tôn giáo. Để cung cấp sự rõ ràng hoàn toàn, thủ phạm sẽ cần phải được đưa ra công lý, nếu không sẽ khó mô tả đặc điểm của vụ tấn công với độ chính xác cao hơn."
Theo Đức cha, đây không phải là một cuộc tấn công chống lại “một nhà thờ Ý. Được gọi là nhà thờ Ý vì được người Ý xây dựng, giống như hầu hết các nhà thờ ở Istanbul. Đặc biệt, đây là một nhà thờ được điều hành bởi các cha dòng Phanxicô Viện tu. Đó không phải là nhà thờ của người Ý, hoặc ít nhất không khác hơn những nhà thờ khác”.
Do đó, Đức cha nhấn mạnh rằng hơn cả một cuộc tấn công vào một nhà thờ Ý, “đó là một cuộc tấn công chống lại thiểu số Kitô giáo, một trong số nhiều cộng đồng hiện diện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các Kitô hữu là mục tiêu số 1 trong nhiều thập kỷ. Chúng ta hãy nghĩ đến Cha Andrea Santoro, người bị giết ở Trabzon vào ngày 5/2/2006, khi đang cầu nguyện trong nhà thờ, và Đức cha Luigi Padovese, bị giết vào ngày 3/6/2010 tại Iskenderun bởi người lái xe của ngài. (SIR 28/01/2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.