Phong trào Silsilah ở Philippines hỗ trợ tù nhân, một nơi thực thi lòng thương xót
Vatican News
Các thành viên đồng hành cùng các tù nhân trên hành trình giải phóng nội tâm, thực hiện các cuộc gặp gỡ, thăm viếng và trò chuyện tại nhà tù thành phố Zamboanga, ở phía nam đảo Mindanao.
Gil John Rojas, điều phối viên của phong trào “Silsilah” tại nhà tù giải thích, đây là một hành trình giải thoát nội tâm, nhờ đó sẽ giúp thay đổi hành vi của những người đang phải sống cách ly với xã hội, giúp họ sống tốt hơn và kết quả là án tù được giảm.
Ở Philippines, người ta đang chứng kiến tình trạng quá tải trong nhà tù. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Tội phạm và Tư pháp tại Đại học London, tỷ lệ quá tải ở các nhà tù Philippines cao nhất thế giới: lên tới 500% và không ngừng tăng lên. Hơn nữa, trong các nhà tù có rất nhiều nạn nhân của sự sai sót tư pháp: theo Tòa án Tối cao, 77% các trường hợp tạm giam trước khi xét xử là kết quả của sai sót tư pháp.
Trong nhiều năm, nhiều tổ chức Công giáo đã tố cáo sự bấp bênh của hệ thống nhà tù và điều kiện sống vô nhân đạo, thực hiện sứ vụ mang lại sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các tù nhân bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất của con người. Các tổ chức này yêu cầu chính phủ Manila tôn trọng nhân phẩm của tù nhân và đảm bảo công lý được thực hiện nhanh chóng và minh bạch.
Các thành viên của phong trào “Silsilah”, được thành lập bởi cha Sebastiano D'Ambra, nhà truyền giáo của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME), bắt đầu phục vụ trong nhà tù Zamboanga hơn ba mươi năm trước và tiếp tục thực hiện sứ vụ này ở nhiều thành phố khác. Đó là một sự đồng hành nhân bản và thiêng liêng dẫn mỗi người thực hiện một cuộc hành trình nội tâm để tìm lại chính mình, tìm được ý nghĩa cuộc sống, niềm khao khát sâu sắc nhất. Theo thời gian, nhiều tù nhân đã kể lại sự biến đổi nội tâm dần dần của họ, để mình được hướng dẫn bởi tinh thần “Silsilah” trong việc “làm mọi việc bằng đối thoại và tình yêu thương, để đạt được sự hòa hợp, tình liên đới và hòa bình”.
Rojas nói: “Đó là một trải nghiệm về sự thức tỉnh nội tâm, từ đó người ta có thể được truyền cảm hứng. Khi mới vào tù thi hành sứ vụ này, tôi có cảm giác hồi hộp, lo sợ và e ngại. Sau đó, một thành viên trong nhóm chúng tôi gọi những người có mặt là ‘những tù nhân thân yêu’. Tôi rất xúc động. Vâng, thực sự họ được yêu thương. Họ là những con người cần tình yêu. Mặc cho hoàn cảnh và tình trạng họ gặp đã trải qua, họ vẫn xứng đáng được yêu thương và chăm sóc. Họ là con Chúa và là anh em của chúng ta”.
Tiếp xúc với các tù nhân, các thành viên của phong trào được nghe những câu chuyện đáng buồn: chẳng hạn những tù nhân dù đã chấp hành xong bản án nhưng vẫn ở trong tù do sự chậm chạp của bộ máy quan liêu và công lý.
Rojas giải thích: “Đây là một thực tế đau lòng xảy ra trên khắp đất nước, và các tổ chức phải đối diện. Các tù nhân cần nuôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được ra tù, có cơ hội việc làm hoặc học tập và có cơ hội thứ hai trong xã hội. Trong thời gian phục vụ tại nhà tù, cảm giác sợ hãi của anh dần dần được khắc phục bằng những suy nghĩ thấu hiểu, yêu thương những anh em này, được Chúa yêu thương như những người con”.
Điều phối viên phong trào nhấn mạnh, Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta thăm viếng những người đang ở trong tù như một hành động thương xót mà chúng ta sẽ làm cho chính Người. Họ là những người phạm sai lầm, nhưng tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Họ là những người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa nhân lành. Sâu thẳm trong lòng họ đều có điều tốt đẹp; việc đón nhận tình yêu, lòng thương xót, lòng trắc ẩn đánh thức sự tốt lành bên trong họ.
Rojas kết luận: “Trong Mùa Chay, việc phục vụ này cũng hoán cải chúng ta, những người bị giam cầm bởi sự kiêu ngạo và ích kỷ. Mùa Chay mời gọi chúng ta tự do yêu thương những người Chúa yêu thương”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.