Nam Sudan: Từng bước một, những phụ nữ của Tin Mừng dệt nên hòa bình
ìSơ Paola Moggi, SMC
Vết thương sâu đậm của giới trẻ Nam Sudan
Nam Sudan là một quốc gia còn rất trẻ: ra đời vào ngày 9 tháng 7 năm 2011 sau nhiều thập kỷ nội chiến. Khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 1 năm 2005, chiến tranh đã khiến gần 5 triệu người phải di dời và 2,5 triệu người thiệt mạng, cùng với di sản là sự ngờ vực sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc đối địch.
Vào tháng 1 năm 2011, cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đòi độc lập cho miền Nam đã diễn ra bất chấp những thách thức ngày càng gia tăng. Nhưng khi Cộng hòa Nam Sudan ra đời trong tiếng hò reo vui mừng vào ngày 9 tháng 7, những vết thương do ngờ vực và sợ hãi còn lâu mới được chữa lành hoàn toàn.
Các nữ tu phục vụ tại quốc gia mới thành lập này đã nhận thức được bối cảnh này và đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến hòa bình.
Ngọn hải đăng hy vọng
Kể từ năm 2010, Viện Đào tạo Y tế Công giáo (CHTI) của Wau đã thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và giúp các sinh viên nam nữ, vượt qua những định kiến đã ăn sâu trong lòng họ.
Tổ chức này được thành lập bởi Hội Liên đới với Nam Sudan, một sự cộng tác giữa các tu sĩ nam nữ, và đã phát triển các khóa đào tạo nội trú cho giáo viên và y tá, đồng thời đặc biệt chú ý đến an ninh lương thực, đào tạo mục vụ và chữa lành chấn thương. Lễ tốt nghiệp đầu tiên của Học viện diễn ra vào năm 2013, đến năm 2022 Học viện đã có 181 y tá và 87 nữ hộ sinh được đào tạo bài bản.
Sơ Brygida Maniurka, một nhà truyền giáo dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ đến từ Ba Lan, đã làm việc tại Học viện từ tháng 2 năm 2022. Sơ chia sẻ: “Sinh viên của chúng tôi đến từ các bộ tộc, các bang, các tôn giáo khác nhau và nói các ngôn ngữ khác nhau. Học viện không ngừng nhấn mạnh sự tôn trọng mọi nền văn hóa và khoan dung với những khác biệt. Thông qua các hoạt động và rèn luyện khác nhau, chúng tôi củng cố mối quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hòa bình và liên đới. Bên cạnh công việc điều dưỡng và hộ sinh, sinh viên của chúng tôi còn học nghệ thuật xây dựng các tương quan và làm việc cùng nhau".
Sơ Brigyda cho biết thêm rằng việc đồng hành cùng các sinh viên trên hành trình trưởng thành của họ cần nhiều giờ đối thoại, “nhưng thật vui khi được chứng kiến sự thay đổi của các em sau 3 năm!”. Sơ nói: “Và niềm vui của chúng tôi càng lớn hơn khi chúng tôi nghe được những lời khen ngợi về họ từ cộng đồng quê hương của họ và từ tổ chức nơi họ làm việc”.
Khi nỗi đau trở thành sự quan tâm
Ở Yambio, một sáng kiến khác dành sự quan tâm đặc biệt đến những phụ nữ bị tổn thương. Sơ Filomena Francis, được gọi là Sơ Bakhita, đến từ Nzara, một thị trấn nhỏ ở bang Western Equatoria. Trước khi đến Ai Cập và gia nhập Dòng Nữ Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm (MFIC), sơ đã sống ở Khartoum, nơi gần 5 triệu người Nam Sudan đang tìm nơi ẩn náu.
Năm 1995, trước khi đến Papua New Guinea, sơ đã tìm cách về thăm gia đình ở khu vực ngày nay là Nam Sudan. Khi đó, khu vực này đã bị Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) chiếm đóng và gia đình cũng như các nữ tu cùng dòng của sơ đều bình an. Nhưng đến năm 1999, bạo lực tình dục và lạm dụng của binh lính đã khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ.
Bi kịch mà gia đình Sơ Filomena phải gánh chịu đã truyền cảm hứng cho sơ bắt đầu một chương trình tư vấn và chữa lành. Điều này được hiện thực hóa vào năm 2006 với Tổ chức Nhóm Hỗ trợ Adeesa (Phụ nữ) (ASGO), do Sơ Filomena và hai phụ nữ khác thành lập.
Vào năm 2013, một cộng đồng Dòng Nữ Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm đã được thành lập tại Giáo phận Công giáo Tambura Yambio, và Sơ Filomena bắt đầu đào tạo các phụ nữ và nam giới địa phương để tham gia tích cực vào chương trình chữa lành.
Sơ cho biết được truyền cảm hứng từ lịch sử của Nam Sudan. Năm 1964, tất cả các nhà truyền giáo đã trở thành nhân chứng tận mắt về bạo lực do chính phủ Khartoum gây ra cho dân thường và bị trục xuất mà không được báo trước. Bất chấp tình hình, Giáo hội Công giáo trong khu vực vẫn tiếp tục hoạt động nhờ các giám mục Sudan, một số linh mục địa phương và nhiều giáo lý viên giáo dân.
Sau đó, vào năm 2016, một đợt bùng phát bạo lực mới đã tấn công Yambio và các khu vực xung quanh, gây thêm đau khổ cho người dân và thậm chí cả gia đình của Sơ Filomena.
Sơ Filomena chia sẻ: “Chấn thương tâm lý khi còn nhỏ đã khiến tôi bắt đầu chương trình này. Nỗi đau và sự mất mát mà tôi và gia đình tiếp tục phải trải qua đã thôi thúc tôi phục vụ trong chương trình này”. Sơ kết luận: “Tôi tin rằng một cách tiếp cận toàn diện để chữa lành vết thương ở Nam Sudan sẽ dẫn đến hòa bình bền vững".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.