Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô kêu gọi các tu sĩ của dòng ở lại Thánh Địa
Hồng Thủy - Vatican News
Cha Fusarelli bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Phục vụ của dòng Phanxicô từ năm 2021. Ngài đã đến thăm Giêrusalem vào ngày 13/4/2024. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/4/2024 của tạp chí Custodia do dòng điều hành, cha cho biết chuyến viếng thăm Thánh Địa của ngài đã được lên kế hoạch từ hơn một năm, trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, và chương trình ban đầu là sẽ có một nhóm đông hơn, tuy nhiên, do tình hình hiện tại, chỉ có vị Phụ tá Tổng quyền của dòng đi cùng ngài.
Ngài cho biết ngài quyết định tiếp tục chuyến đi vì "nghĩ rằng các tu sĩ, các Kitô hữu, đang sống ở đây trong tình trạng nguy hiểm mỗi ngày, tôi nghĩ rằng tôi cũng có thể đến thăm trong vài ngày". "Điều quan trọng là phải đến Thánh Địa không chỉ sáu năm một lần mà còn thường xuyên hơn để đồng hành cùng sự hiện diện này. Tôi không thể giải quyết bất cứ điều gì, nhưng tôi có thể ở đây và điều này rất quan trọng".
"Ở lại với người dân, và sau đó tiếp tục là người chuyển cầu"
Theo Cha Fusarelli, các thành viên của dòng Phanxicô đang sống ở Thánh Địa trong hoàn cảnh tốt hơn ngài nghĩ, bất chấp hoàn cảnh hiện tại. Ngài chia sẻ rằng những lời đầu tiên ngài nói với các anh em sống trong vùng là: "Xin anh em hãy ở lại đây". Ngài nói: "Nhiều người, của cả hai dân tộc trên vùng đất này, đang rời đi. Ngay cả các Kitô hữu cũng đang rời đi. Chúng tôi đang ở lại. Tất nhiên, chúng tôi không có gia đình hay con cái ở đây, có lẽ điều đó sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi. Nhưng ở lại đây là một dấu hiệu rất tuyệt vời".
Cha cho biết việc lựa chọn ở lại bất chấp tình trạng leo thang quân sự gia tăng trong khu vực không có nghĩa là "bị nhốt trong tu viện của chúng tôi", nhưng đúng hơn, có nghĩa là "ở lại với người dân, và sau đó tiếp tục là người chuyển cầu". Các tu sĩ Phanxicô "bị tổn thương bởi tất cả những gì đang xảy ra, nhưng cũng quyết tâm ở lại đây".
"Mỗi bên phải sẵn sàng lùi lại một bước"
Trước cảnh xung đột giữa Israel và Hamas, bề trên tổng quyền dòng Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, cho rằng cả hai bên "phải sẵn sàng chịu mất đi điều gì đó, mỗi bên phải sẵn sàng lùi lại một bước". Theo cha, ở thời điểm hiện tại, điều này có vẻ rất khó khăn. Để đạt mục đích này, ngài nhắc lại việc Thánh Phanxicô Assisi đã gặp gỡ Quốc vương Ai Cập trên chiến trường đẫm máu vào năm 1219 như thế nào, trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại và mang lại hòa bình ở đỉnh cao của các cuộc Thập tự chinh.
Cha Fusarelli nói: Thánh Phanxicô sẵn sàng tìm thấy ở người này một lời nói tích cực và Quốc vương cũng cởi mở với Thánh Phanxicô: điều này cho phép họ gặp nhau". Theo cha, trận chiến vẫn tiếp tục nên không có gì được giải quyết ngay lập tức, nhưng khả năng cả hai người gặp nhau và lùi lại một bước "là điều quyết định đến mức chúng ta vẫn còn nói về nó cho đến ngày nay". Ngài nói, nếu Thánh Phanxicô có mặt trên chiến trường ngày hôm nay, "ngài sẽ cố gắng giúp mọi người lùi lại một bước và nhìn vào lợi ích của những dân tộc này và vùng đất này".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.