Tuần Thánh và Lễ Phục sinh tại giáo phận Rumbek ở Nam Sudan
Vatican News
Đức cha Carlassare cho biết đó là một cử chỉ tự phát; ngài hoàn toàn không có dự định trước đó. Ngài giải thích: “Ở Châu Phi, họ thích trình diễn và sống các sự kiện, và linh mục cưỡi lừa tượng trưng cho Chúa Kitô trong đám rước không phải là hiếm trong Lễ Lá. Tuy nhiên, ở Rumbek, chúng tôi không có lừa nên năm ngoái chúng tôi đã tổ chức một cuộc rước đơn giản như thường lệ ở Ý. Nhưng chưa bao giờ hơn lúc này, tôi cảm thấy mình giống như một con lừa, được kêu gọi phục vụ để mang gánh nặng như Chúa Giêsu đã mang gánh nặng của chúng ta, để cõng trên lưng giáo phận này và tất cả những người bị tổn thương, bị loại bỏ hoặc bị chế giễu. Và vì vậy khi nữ tu phụ trách phòng thánh nói với tôi rằng con lừa bị mất, tôi đã nói với sơ: ‘Đừng lo, tôi sẽ làm con lừa’. Và thế là tôi bế một đứa trẻ lên đặt lên vai và đưa em đến nhà thờ. Không ai ngạc nhiên trước cử chỉ này bởi vì đó chính là những gì được thực hiện ở đây, khi một người quan trọng đến thăm làng, bạn nhấc người đó lên vai và cõng đi. Đây là điều họ sẽ làm với Chúa Giêsu, nếu Chúa vào Giêrusalem ở đây: họ sẽ nhấc Người lên, ít nhất là các môn đệ, và đưa Người vào thành. Và do đó, đối với người dân, nó có một giá trị biểu tượng rất đẹp: một cậu bé được vác trên vai, biểu tượng cho niềm hy vọng về một cộng đoàn được canh tân”.
Ngắm Đàng Thánh Giá
Đức cha Carlassare cũng chia sẻ về buổi ngắm Đàng Thánh Giá diễn ra trên các con đường của thành phố với rất đông người dân, với các bạn trẻ trong vai các nhân vật của Cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu vác Thánh giá và tất cả các nhân vật khác mở đầu cuộc rước và tại các chặng Đàng Thánh Giá mô tả những gì sắp xảy ra, trong khi các đoạn Kinh Thánh được đọc lên. Đức Cha chia sẻ: “Tất cả mọi người, ngay cả những người không phải là Kitô hữu, đều tham gia vào cử hành này với cảm xúc mãnh liệt, thậm chí chúng tôi còn thấy mọi người đấm ngực, khóc lóc và kêu than về câu chuyện của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của dân tộc này. Vì vậy, một lời cầu nguyện cũng có sức giải phóng to lớn vì người ta đồng cảm với nó và cảm nhận được nỗi đau khổ của một người công chính có thể mang lại hy vọng cho nhiều người khác như thế nào”.
Đêm Vọng Phục Sinh: lửa mới
Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Đức Cha cho biết, “việc làm phép lửa rất ý nghĩa vì chúng tôi luôn cố gắng làm phép để có lửa mới, một ngọn lửa chưa được chuẩn bị trước đó, nhưng được tạo ra trong phụng vụ bằng phương pháp truyền thống là chà xát que củi cho đến khi nó bắt đầu lóe lên để có lửa mới. Và đây là điều Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta: nơi nào có màn đêm, Người mang lại ánh sáng, nơi nào có sự chết Người mang đến sự sống mới”.
Vai trò của Giáo hội trong tiến trình tái thiết đất nước và hòa giải
Trong cuộc trò chuyện với Vatican News, Đức Giám mục giáo phận Rumbek chia sẻ về vai trò của Giáo hội trong tiến trình tái thiết đất nước và hòa giải. Ngài cho biết, “Giáo hội ở bên cạnh những người đau khổ, Giáo hội khơi dậy lòng can đảm, niềm hy vọng: không phải là một niềm hy vọng hão huyền mà là sự chắc chắn rằng Chúa hiện diện và đồng hành với họ. Và Đấng bị chà đạp và đóng đinh đã sống lại và là khởi đầu cho sự phục sinh của chúng ta. Do đó, đức tin không phải là một phụ kiện, nhưng là một món quà quan trọng dành cho con người và cho mọi con đường cứu độ. Vì vậy, ngoài việc rao giảng và cử hành, Giáo hội còn thêm việc phục vụ, một việc làm trở thành một hành động quan trọng nhằm gây ý thức, mời gọi và biến mọi người thành những nhân vật chủ đạo của một cuộc biến đổi nhân bản và xã hội”.
Đức cha nói thêm: “Chúng tôi không chỉ nói về lòng bác ái đối với những người nghèo nhất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà còn thúc đẩy các hoạt động kinh tế để giúp mọi người độc lập hơn: chúng tôi cũng đang nghĩ đến các dự án nông nghiệp nhỏ mà chúng tôi cố gắng phát triển ở tất cả các giáo xứ của mình. Đào tạo con người về ý thức công dân, công lý, hòa bình; và đừng quên giáo dục trong các trường học Công giáo, nơi chúng tôi nuôi dưỡng việc đào tạo con người toàn diện thông qua việc đánh giá cao mọi trẻ em, thiếu niên hoặc người trẻ trong các tổ chức của chúng tôi. Và điều này rất quan trọng, bởi vì khi đó những người trẻ, vốn cảm thấy bị gạt sang một bên và có lẽ bị thao túng bởi lợi ích của một số ít, sẽ tìm thấy khả năng thể hiện tất cả tài năng và tất cả ước mơ của mình hướng tới tương lai và cố gắng đạt được chúng”.
Lễ Phục Sinh: một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh
Đức Cha mong ước rằng lễ Phục Sinh ở Nam Sudan là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh, Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi bi quan và sợ hãi, ban cho chúng ta lòng can đảm để đưa ra những lựa chọn hòa bình và tình huynh đệ.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.