Cô Ayu Kartika Dewi lãnh đạo cuộc gặp gỡ và đối thoại ở Indonesia
Vatican News
Là “Giám đốc điều hành” Quỹ Indika, chuyên giải quyết các hoạt động xây dựng hòa bình, giáo dục và nhân quyền, và từ năm 2019, được bổ nhiệm làm nhân viên đặc biệt của tổng thống Indonesia về các vấn đề liên quan đến hòa bình và lòng khoan dung, Dewi vui vẻ kể lại mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào đối với cô: “Tôi muốn thử một điều gì đó khác biệt và tôi quyết định nhận lời làm giáo viên trong một năm. Chỉ một năm thôi, nếu không thích thì tôi có thể quay lại, nhưng đó là một năm tuyệt vời đã thay đổi tôi. Tôi làm việc ở khu vực mà mười năm trước đã xảy ra xung đột giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo. Thời gian trôi qua nhưng vết thương lòng giữa các thế hệ vẫn còn đó. Các học sinh của tôi - tôi sống ở một ngôi làng hoàn toàn theo Hồi giáo- chưa được sinh ra vào thời điểm xảy ra đụng độ nhưng họ sợ hãi và ghét các Kitô hữu. Họ nói rằng phải cẩn thận với các Kitô hữu vì họ rất ác và có thể đến đốt nhà”.
Cô Dewi hình dung rằng, nếu điều này xảy ra với những học sinh tiểu học ở ngôi làng hoàn toàn theo Hồi giáo nơi cô sinh sống, thì điều tương tự cũng có thể xảy ra, cách đó vài km, trong ngôi làng hoàn toàn theo Kitô giáo. Giám đốc, trong những năm gần đây, thông qua Quỹ Indika đã thiết lập nhiều dự án thành công cho thanh niên Hồi giáo Indonesia giải thích: “Để nhận ra điều gì đang xảy ra trên thực tế và bằng cách nào dân chúng có thể bị chia cắt đã khiến tôi đầu tư vào việc xây dựng hòa bình bắt đầu từ những người trẻ, giúp họ phát triển tư duy phê bình và quản lý các nguồn lực cảm xúc xã hội của mình”. Trong số này, cô cho biết về một kênh YouTube “BenerGitu - có phải thực sự như thế?” hiện có 100.000 người đăng ký và thực hiện các chiến dịch giáo dục kỹ thuật số thông qua các video nhằm giúp giới trẻ đặt câu hỏi về Hồi giáo. Dewi nói: “Có nhiều hiểu lầm về cách người Indonesia thực hành giáo lý Hồi giáo. Một số người sử dụng những câu kinh Koran để biện minh cho những hành động vô nhân đạo nhưng đây là những cách giải thích sai lầm. Ví dụ: trong số các chủ đề được đề cập trong video, việc phụ nữ chọn không đội khăn trùm đầu hoặc câu hỏi liệu nghệ thuật và âm nhạc có bị Hồi giáo cấm hay không”.
Qua tổ chức do cô quản lý và trong công việc với tư cách là nhân viên đặc biệt của Tổng thống Cộng hòa, Ayu Kartika đầu tư rất nhiều vào đối thoại giữa các tín đồ Hồi giáo và đối thoại liên tôn giáo. Cô nhận xét xây dựng hòa bình là một quá trình đòi hỏi thời gian và các cuộc gặp gỡ giữa các bên, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy ở Indonesia các trường hợp cực đoan hóa hoặc hành động chống tự do tôn giáo có nguồn gốc từ xu hướng người dân sống thành các nhóm đồng nhất và ít tương tác với những người khác.
Một trong những dự án gần đây nhất do Dewi thực hiện là Hội nghị thượng đỉnh Salaam 2023, ở Yogyakarta, một chương trình đào tạo trực tuyến dành cho một trăm thanh niên Hồi giáo, với cuộc gặp trực tiếp cho khoảng ba mươi người trong số họ và xây dựng kế hoạch cá nhân cho những người tham gia về các chủ đề đa dạng, hòa bình và đối thoại. Một trong số tham dự viên viết: “Tôi cảm thấy mình đã tìm thấy nền tảng phù hợp để hiểu bản thân hơn, giúp tôi tự tin với tư cách là người lãnh đạo về sự đa dạng trong Hồi giáo và với các tôn giáo khác”. Dewi nói về cuộc gặp gỡ được tổ chức trong Hội nghị thượng đỉnh với một số anh em và cộng đồng Công giáo địa phương: “Những người trẻ Hồi giáo lúc đầu không muốn giao tiếp nhưng sau đó chúng tôi thậm chí còn được mời ở lại dự một đám cưới mà họ đang cử hành và đó là một chứng từ tuyệt vời cho những người trẻ”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.