Dư âm lời Đức Thánh Cha kêu gọi Công Giáo Syro Malabar tái lập hiệp nhất
G. Trần Đức Anh O.P.
Vài nét về Giáo Hội Syro Malabar
Giáo Hội Siro Malabar, theo truyền thống, do thánh Tôma tông đồ thành lập. Theo Sử gia Eusebio, Giám mục thành Cesarea hồi thế kỷ thứ 4, thánh Tôma rao giảng tin mừng ở miền Pathia, ngày nay là Khorasan ở miền đông bắc Iran. Lưu truyền sau này nói rằng thánh nhân kéo dài hoạt động truyền giáo sang Ấn độ vào năm 52 và chịu tử đạo năm 53 tại Madras, nay là Chennai, Ấn Độ, dưới thời vua Mylapore. Các tín hữu Kitô thuộc truyền thống này được gọi là “các Kitô hữu Thánh Tôma”.
Qua bao nhiêu thăng trầm, trong đó có thời kỳ người Bồ Đào Nha cai trị ở miền đông Ấn Độ, cuối thế kỷ 16, các Kitô hữu Thánh Tôma do các Giám mục Công Giáo Latinh cai quản. Năm 1887, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 thành lập hai miền Đại diện Tông tòa đầu tiên là Kottayam và Trichur, nhưng Giám mục đặc trách 2 địa phận này vẫn là các Giám mục Công Giáo Latinh, phải đợi 9 năm sau đó mới có Giám mục thuộc nghi lễ Siro Malabar. Năm 1923, Đức Giáo Hoàng Piô 9 thành lập hàng giáo phận Siro Malabar tới tòa Tổng Giám Mục Ernakulam và các giáo phận thuộc hạt.
Giáo Hội nghi lễ này tiếp tục phát triển mạnh ở các nơi tại Ấn độ và nước ngoài do hiện tượng di dân.
Theo trang mạng chính thức, Giáo Hội hiện có hơn 5 triệu 80 ngàn tín hữu, 35 giáo phận với 2.753 giáo xứ, gần 5.200 linh mục giáo phận và 5.300 linh mục dòng, 180 tu huynh và gần 35 ngàn nữ tu, 1.275 đại chủng sinh và 1.500 tu sĩ sinh viên và 1.260 tiểu chủng sinh. Quả là một lực lượng nhân sự hùng hậu của Giáo Hội.
Với số nhân sự này, có thể nói trong số 23 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh, Giáo Hội Siro Malabar đứng hàng đầu và có thể vượt qua Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ Đông phương.
Giáo Hội Siro Malabar có một vị Tổng Giám mục trưởng, tương đương với Thượng Phụ giáo chủ, cai quản, và có Thượng Hội đồng quy tụ tất cả các Giám mục do Đức Tổng Giám mục Trưởng triệu tập và điều khiển. Đây là thẩm quyền cao nhất của Giáo Hội này. Ban thường vụ của Giáo Hội gồm có Đức Tổng Giám mục Trưởng và 4 Giám mục thành viên, ngoài ra có 4 thành viên dự khuyết.
Tranh chấp về phụng vụ
Từ 5 thập niên qua, trong Giáo Hội Siro Malabar có những tranh luận về nghi thức cử hành Thánh lễ. Thượng Hội Đồng của Giáo Hội đã đi đến giải pháp dung hòa, theo đó, trong phần đầu của Thánh Lễ và Phụng vụ Lời Chúa, linh mục quay xuống giáo dân; phần giữa của Thánh lễ, với nghi thức Thánh Thể, thì linh mục quay lên bàn thờ, cùng hướng nhìn của giáo dân. Sau rước lễ, linh mục lại quay xuống cộng đoàn.
Đức Thánh Cha đã phê chuẩn quyết định này. Tất cả 34 giáo phận thuộc Giáo Hội Siro Malabar tại Ấn Độ và trên thế giới đều chấp nhận cử hành Thánh lễ (Holy Qurbana) theo nghi thức thống nhất và tuân phục lệnh của Đức Thánh Cha, ngoại trừ đa số linh mục tại Tổng giáo phận Ernakulam: Trong số 450 linh mục tại đây chỉ có 50 vị tuân hành quyết định của giáo quyền, khoảng 400 linh mục còn lại chống đối. Hồi tháng 8 năm ngoái (2023), Đức Thánh Cha đã cử một vị Tổng Giám mục đặc ủy của ngài sang giáo phận địa phương để giúp bình định, nhưng không thành công. Ngày 7/12/2023, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho toàn giáo phận liên hệ để nhắc nhở, khuyên bảo và ấn định lễ Giáng Sinh 2023 là hạn chót để các linh mục tuân hành quyết định của giáo quyền, cử hành Thánh lễ theo nghi thức thống nhất. Tuy nhiên vẫn có những linh mục phản đối.
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến phái đoàn do Đức tân Tổng Giám mục Trưởng Raphael Thattil hướng dẫn, và gồm có 6 Giám mục, một số linh mục, cùng với giáo dân từ Ấn độ cũng như ở Roma. Đức Tổng Giám mục năm nay 68 tuổi, nguyên là Giám mục giáo phận Shamshabad bắc Ấn Độ. Ngày 9/1 năm nay (2024), ngài được Công nghị Giáo Hội này bầu làm Tổng Giám mục giáo phận Ernakulam-Angamaly ở bang Kerala, miền tây nam Ấn độ, với sự tham dự của 53 Giám mục, kế nhiệm Đức Hồng y George Alencherry, 78 tuổi, từ chức ngày 7/12/2023. Đức Tổng Giám mục Thattil cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục toàn Ấn độ, quy tụ cả các tín hữu Công Giáo La tinh và hai nghi lễ Đông phương: Siro Malabar và Siro Malankara.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có nhiều tín hữu Công Giáo Siro Malabar cư ngụ tại vùng Roma.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến sáng 13/5/2024, Đức Thánh Cha đề cao truyền thống của Giáo hội Siro Malabar do Thánh Tôma Tông Đồ thành lập và vẫn luôn gắn bó với tòa Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến những tranh chấp và chia rẽ về phụng vụ tại giáo phận Ernakulam Angamaly và nói:
“... Tôi đã gửi các thư, ngỏ lời với các tín hữu qua một sứ điệp video để cảnh giác họ về nguy cơ muốn chú tâm vào một chi tiết, mà họ không muốn từ bỏ, gây thiệt hại cho công ích của Giáo hội. Đó là một sự lệch lạc do sự tự tham chiếu, khiến họ không nghe một lý lẽ nào khác ngoài lý lẽ của mình. Và ở đây, chính ma quỷ, kẻ chia rẽ, len lỏi vào, chống lại ước muốn tha thiết nhất mà Chúa đã biểu lộ trước khi hiến mình vì chúng ta: ước gì chúng ta, các môn đệ của Chúa “được hiệp nhất” (Ga 17,21), không chia rẽ, không cắt đứt hiệp thông. Vì thế bảo tồn sự hiệp nhất không phải là một lời khuyên nhủ đạo đức, nhưng là một nghĩa vụ, và điều này càng là nghĩa vụ đối với những linh mục đã hứa vâng phục và các tín hữu chờ đợi nơi các linh mục ấy một gương về đức bác ái và hiền lành”.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Đức Tổng Giám mục Trưởng, chúng ta quyết tâm làm việc để bảo tồn tình hiệp thông và cầu nguyện không mệt mỏi để các anh chị em chúng ta, bị tinh thần thế tục cám dỗ mà trở nên cứng nhắc và chia rẽ, có thể nhận thấy mình là thành phần của một gia đình rộng lớn hơn, yêu thương và đang chờ đợi họ”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: Điều chắc chắn là sự kiêu ngạo, thái độ buộc tội và ghen tương không đến từ Chúa và không bao giờ mang lại hòa thuận và an bình. Thiếu kính trọng nặng nề đối với Bí tích Thánh Thể, Bí tích tình thương và hiệp nhất, tranh luận về những chi tiết cử hành Thánh Thể vốn là tột đỉnh sự hiện diện của Chúa được chúng ta tôn thờ, không thể dung hợp với đức tin Kitô. Tiêu chuẩn hướng dẫn, thực sự là thiêng liêng, là tiêu chuẩn đến từ Chúa Thánh Linh, là tình hiệp thông: nghĩa là kiểm điểm mình về lòng gắn bó với hiệp nhất, trung thành và khiêm tốn, tôn trọng và vâng phục gìn giữ các hồng ân đã nhận lãnh”.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn nói với tất cả mọi người: trong những lúc khó khăn và khủng hoảng, chúng ta đừng để mình bị nản chí hoặc một cảm thức bất lực chiếm hữu trước các vấn đề. Anh chị em, đừng để niềm hy vọng bị tắt ngúm, đừng mệt mỏi trong kiên nhẫn, đừng khép kín trong những thành kiến nuôi dưỡng dẫn tới thù nghịch. Chúng ta hãy nghĩ đến chân trời rộng lớn của sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng làm dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa trong thế giới, không trở thành gương mù đối với những người không tin! Khi đưa ra mỗi quyết định, chúng ta hãy nghĩ đến những người nghèo và người ở xa, ở bên lề, những người ở Ấn độ cũng như ở hải ngoại... Chúng ta hãy nghĩ đến người đau khổ đang chờ đợi những dấu hiệu hy vọng và an ủi”.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha thông báo quyết định ban quyền tài phán cho Giáo Hội Công giáo Siro Malabar trên các tín hữu thuộc nghi lễ này sống tại Trung Đông. Ngài nói: “Tôi đã nói với Đức Tổng Giám mục Trưởng hãy xin quyền tài phán đối với tất cả những tín hữu di dân của anh em tại bao nhiêu nơi ở Trung Đông, nhưng phải xin trên giấy tờ, nhưng hôm nay tôi đã ban quyền tài phán đó và họ có thể hành động với quyền này. Nhưng cũng phải thực hiện trên giấy tờ, từ hôm nay, anh em có thể”.
Điều này đặc biệt liên hệ đến các tín hữu Công Giáo Siro Malabar tại các nước vùng Vịnh thuộc các cộng đoàn ở Dubai, Abu Dhabi, ở Kuwait hoặc tại Bahrein.
Vài phản ứng
Sau cuộc viếng thăm tại Roma, Đức Tổng Giám mục Trưởng Thattil còn đến viếng thăm khoảng 3.800 tín hữu Công Giáo Siro Malabar ở Áo và chưa có phản ứng chính thức nào từ phía các cơ quan của Giáo hội liên hệ ở Ấn Độ.
Tuy nhiên giới báo chí nước ngoài cũng ghi nhận một vài phản ứng như:
- Cha Paul Chittinappilly, một trong những thành viên kỳ cựu của Hội đồng linh mục giáo phận Ernakulam Angamaly, nói với trang mạng Crux now ở Mỹ truyền đi hôm 17/5/2024 rằng, theo cha nghĩ, diễn văn của Đức Thánh Cha hôm 13/5/2024 chứng tỏ sự hiệp nhất quan trọng dường nào trong tâm trí của ngài: “Dường như ngài tỏ ra không hài lòng lắm về cách thức Thượng Hội đồng của Giáo Hội Siro Malabar xử lý vấn đề ‘chữ đỏ’ về việc cử hành Thánh lễ quay xuống giáo dân. Theo ý ngài cả việc thảo luận và tranh cãi vô tận về những vấn đề không quan trọng như thế không hợp với tinh thần Kitô, chứ đừng nói đến việc cố chấp áp đặt một sự đồng nhất trong cách cử hành”.
- Còn cha Jose Vailikodath, trưởng ban thông tin của Hội đồng bảo vệ Tổng giáo phận, trong một sứ điệp gởi trang mang Crux now thì nói Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn của sự hiệp nhất và an bình trong Giáo Hội Siro Malabar: “Ngài phê bình sự quá chú ý đến những tiểu tiết, như linh mục quay lên bàn thờ và quay xuống giáo dân, hơn là quan tâm đến sự hiện diện đích thực của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định rằng những quyết định phải do chính Thượng Hội đồng của Giáo Hội đề ra, vì thế, Thượng Hội đồng không thể chuyển trách nhiệm này cho Đức Giáo Hoàng”.
Điều đáng để ý là trong diễn văn mới đây với phái đoàn Đức Tổng Giám mục trưởng, Đức Thánh Cha im lặng không nói về vấn đề trừng phạt hay thiết lập sự đồng nhất. “Đức Thánh Cha nói rõ rằng đối thoại không những để thực thi các quyết định của Thượng Hội đồng, nhưng còn nhắm thực hiện sự hiệp nhất, vì Đức Thánh Cha không nói đến sự đồng nhất, vì thế hiển nhiên là điều này không cấm Thượng Hội đồng nhìn nhận Thánh lễ quay xuống giáo dân như một sự khác biệt độc nhất đối với Tổng giáo phận Ernakulam. Khi làm như thế, Thượng Hội đồng có thể dễ dàng tái tạo sự hiệp nhất”.
- Về phần ông Riju Kanjookaran, phát ngôn viên của Phong trào “phò Minh Bạch” (Movement for Transparency) (AMT) một diễn đàn các linh mục và giáo dân kháng chiến, ông nói với hãng tin Ucan hôm 15/5/2024 rằng: “Chúng tôi sẽ không giảm bớt yêu cầu tiếp tục Thánh lễ truyền thống của chúng tôi”. Ông cáo buộc Thượng Hội đồng của Giáo Hội Siro Malabar sửa đổi một cách bất hợp pháp văn bản phụng vụ đã được Tòa Thánh phê chuẩn cho phụng vụ và du nhập vào trong đó những quy luât đưa tới cuộc khủng hoảng hiện nay. Hãy để các Giám mục sửa chữa những sai lầm của các vị. Tranh chấp không là gì khác hơn ngoài lập trường kiên quyết của các Giám mục hợp thức hóa những hành vi bí mật của họ”.
- Còn Ủy ban bảo vệ giáo phận, quy tụ các linh mục của tổng giáo phận, nhắc nhở rằng Thượng Hội đồng hôm ngày 14/5/2024 rằng Đức Thánh Cha không bắt Thượng hội đồng từ chối chấp thuận những thay đổi phụng vụ Thánh lễ đang được cử hành trong tổng giáo phận (Ucan News 15-5-2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.