Đức Giáo hoàng Bônifaciô VIII công bố Năm Thánh 1300 Đức Giáo hoàng Bônifaciô VIII công bố Năm Thánh 1300 

Những ký ức về Năm Thánh đầu tiên do Đức Bônifaciô VIII công bố

Năm 1300 Đức Giáo hoàng Bônifaciô VIII đã công bố Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Kitô giáo. Qua các tài liệu được ghi lại, đặc biệt của Đức Hồng y Jacopo Caetani degli Stefaneschi, giáo sư Agostino Paravicini Bagliani, nhà sử học và nhân chủng học văn hóa, giúp chúng ta hiểu về các quá trình văn hóa và xã hội đã quyết định sự ra đời của Năm Thánh.

Vatican News

Các tài liệu ghi lại: Ngày 1/1/1300, khi trời đã tối, trên đường phố Roma, tiếng ồn ào ngày càng lớn hơn. Có rất nhiều người đang chạy, đang bước đi rất nhanh: họ đang hướng về Đền thờ Thánh Phêrô. Những người nam nữ tràn đầy hy vọng, háo hức vội vàng đi đến đó. Khi đến nơi, họ chờ đợi. Tiếng ồn ào trở thành tiếng vang dội. Người Roma xin Đức Giáo Hoàng ban ơn đại xá.

Chứng nhân: 

Đức Hồng y Jacopo Caetani degli Stefaneschi, đã là kinh sĩ của Đền thờ Thánh Phêrô, sau đó là Hồng y đẳng phó tế của nhà thờ Thánh Giorgio ở Velabro, và cũng là người đã chứng kiến và sống Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo. Ngài đã viết về Năm Thánh này trong tác phẩm De centesimo seu iubileo anno liber.

Đức Hồng y Stefaneschi đã phục vụ dưới triều Đức Clestino V và sau đó là Đức Giáo hoàng Bônifaciô VIII. Ngài đã viết một số tác phẩm ghi chép lịch sử. Và chính bằng cách theo dõi câu chuyện của ngài, chúng ta có thể tái tạo lại nét đặc biệt của thời điểm Năm Thánh đầu tiên và giải thích một cách minh bạch các quá trình văn hóa và xã hội đã quyết định sự ra đời của Năm Thánh.

Tường thuật công bố Năm Thánh

Giáo sư Agostino Paravicini Bagliani, nhà sử học và nhân chủng học văn hóa, nhận định: “Tài liệu của Đức Hồng y Stefaneschi rất quan trọng vì ngài là một nhân chứng. Chúng ta may mắn có được báo cáo của Đức Hồng y, trong đó ngài ghi chú: đó là ngày 1/1/1300. Việc chuyển từ thế kỷ này sang thế kỷ tiếp theo khiến dân chúng nảy sinh ý tưởng rằng Đức Giáo hoàng lẽ ra có thể ban ơn đại xá”. Ông Paravicini nói tiếp: “Người Roma chạy về phía Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc hoàng hôn: họ đang chờ đợi ơn toàn xá. Đây là điểm khởi đầu. Đức Bônifaciô VIII không ở Đền thờ Thánh Phêrô nhưng cư trú trong Dinh Tông tòa, khi đó vẫn còn ở Laterano. Không có gì xảy ra vào ngày đó”. Dân chúng mong đợi rất nhiều. Vài ngày sau, vào ngày 17 tháng 1, có một cuộc diễu hành quan trọng khác của người dân Roma, đó là cuộc rước Veronica, tức là khuôn mặt của Chúa Kitô được in trên tấm khăn của người phụ nữ gặp ngài trên đường lên đồi Canvê, một di tích được tôn kính tại Đền thờ Thánh Phêrô; Đức Hồng Y Stefaneschi đã nhắc lại trong hồi ký của ngài: “Trong cuộc rước kiệu đó, trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, lòng nhiệt thành lớn lao của quần chúng lại nổi lên để xin ơn toàn xá. Đức Bônifaciô VIII bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra, cố gắng tìm hiểu xem liệu có Năm Thánh nào khác trước năm 1300 hay không”. Đức Giáo hoàng đã tiến hành các cuộc điều tra và không tìm thấy điều gì trong các văn khố, nhưng có một điểm quyết định.

Một cảm giác xúc động trở thành một công cụ kinh điển

Đây là công việc vĩ đại của Đức Bônifaciô VIII: Ngài hiểu rằng có một sự kỳ vọng, một lòng nhiệt thành phổ biến muốn xin ơn toàn xá. Đức Thánh Cha đã biến cảm giác xúc động này thành một công cụ kinh điển: Năm Thánh được công bố lần đầu tiên tại Laterano và lần thứ hai, một cách chính thức hơn, vào ngày 22/2, lễ kính thánh Phêrô. Năm Thánh đầu tiên của Kitô giáo, diễn ra từ ngày 22/2/1300 cho đến đầu năm sau. Giáo sư Paravicini nhận định: “Đây là một hoạt động thiêng liêng vĩ đại của Giáo hội và nó chứng tỏ khả năng tuyệt vời của Đức Bônifaciô VIII trong việc có thể cung cấp một công cụ, biết biến những kỳ vọng bình dân thành một khái niệm rất chính xác, hội tụ một cách chính xác vào Năm Thánh”. Mỗi sự thay đổi của thế kỷ đều khơi dậy những nỗi sợ hãi, hy vọng, kỳ vọng và trên hết là khát vọng thay đổi, khát vọng đổi mới, thanh lọc mình, làm lại từ đầu. Vào đầu năm 1300, tất cả những điều này đã được chuyển thành “phát minh” Năm Thánh.

Vai trò của hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô

Với Sắc lệnh Năm Thánh Antiquorum Habet Fida Relatio, được ban hành ngày 22/2/1300, các tín hữu đã có thể hưởng ơn toàn xá sau khi viếng thăm hai đại thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Nhà sử học Paravicini nhận định: “Và điều này thật thú vị, bởi vì thánh Phêrô và thánh Phaolô là hai tông đồ của Roma, và thẩm quyền của giáo hoàng, cũng như chính chức giáo hoàng, cũng đặt nền tảng trên đó, và do đó nó cũng có tính chất biểu tượng sâu sắc. Sự hiện diện kép này của hai Thánh Phêrô và Phaolô, trong Năm Thánh đầu tiên của Đức Bônifaciô VIII, vượt trên mọi sự. Lúc đầu, các tín hữu chỉ phải đến hai đền thờ này và ý nghĩa của nó không phải là giảm bớt mà trái lại nêu bật thẩm quyền cao cả của hai tông đồ Phêrô và Phaolô”.

Trên thực tế, sắc chỉ có nội dung: “…họ sẽ bước vào các đền thờ nói trên với lòng tôn kính, thực sự sám hối và xưng tội, cũng như đối với những người thực sự sám hối trong năm thứ một trăm này và trong bất kỳ năm thứ một trăm nào trong tương lai, không chỉ đầy đủ và rất lớn lao, mà còn thực sự được tha thứ tội lỗi rất trọn vẹn. Chúng tôi xác định rằng những ai muốn tham gia vào ân xá tương tự được chúng tôi ban phải nên vào các đền thờ nói trên, nếu họ là người Roma, ít nhất trong ba mươi ngày liên tục hoặc xen kẽ và ít nhất một lần mỗi ngày; nếu là người hành hương hoặc người nước ngoài, họ cũng nên làm như vậy trong mười lăm ngày”.

Những điểm nổi bật của Năm Thánh đầu tiên

Giáo sư Paravicini tiếp tục minh họa những khoảnh khắc nổi bật của Năm Thánh: “Trong Năm Thánh đầu tiên, Đức Bônifaciô VIII đã thực hiện 4 cử hành công khai: vào ngày 22/2 – nếu lễ trước đó tại Laterano không được tính đến -, lễ kỷ niệm thứ hai vào Thứ Năm Tuần Thánh, lần thứ ba vào ngày 18/11 và lần cuối cùng vào đầu năm 1301. Do đó, tương đối có ít nghi lễ công khai cũng bởi vì năm 1300, có lẽ vì những lý do liên quan đến sức khỏe của Đức Bônifaciô VIII, là năm ngài dành nhiều thời gian ở bên ngoài Roma, ở quê hương Anagni của ngài. Ngay sau Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đi đến Anagni và gặp đại sứ Aragon, người đã để lại cho chúng ta nhiều ghi chú quan trọng vào thời điểm đó, cũng vì ông là một nhân chứng. Trên thực tế, vào ngày 2/11, viện phụ Foix đã viết cho Frederick III, vua Aragon: “Giáo hoàng và tất cả các Hồng y đều khoẻ; quả thực, đã ba năm nay Giáo hoàng chưa bao giờ có sức khỏe tốt như bây giờ”. Giáo sư Paravicini lưu ý rằng từ những lời này, “chúng ta hiểu rằng Đức Bônifaciô VIII rất có thể đã rời khỏi Roma trong nhiều tháng, lui về cung điện quê hương có lẽ vì lý do sức khỏe. Sự trở lại của ngài được chứng thực nhân cử hành diễn ra vào ngày 18/11, lễ cung hiến các Đền thờ Thánh Phêrô và Đền thờ Thánh Phaolô. Điều này cũng cho chúng ta biết tầm quan trọng to lớn của hai lễ kính các tông đồ Rôma”.

Một sự kiện ngoài chương trình

Trong các Năm Thánh luôn có rất đông tín hữu hành hương. Lịch sử trong các Năm Thánh cho chúng ta thấy sự cần thiết phải xây dựng hoặc mở rộng các công trình, đặc biệt là các đền thờ. Chúng ta biết rằng cần phải thực hiện những thay đổi đối với hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, trong Năm Thánh của Đức Bônifaciô VIII, dường như không có bất kỳ công trình xây dựng nào được thực hiện. Theo Giáo sư Paravicini, “có thể nói rằng Năm Thánh đã thu hút rất đông tín hữu từ khắp Châu Âu. Chắc chắn không thể định lượng được, ngay cả bằng giả thuyết, số lượng tín hữu đã đến Roma. Đó chắc chắn là một sự kiện lớn đối với thành phố, nhưng không có công trình xây dựng nào vì đây là một sự kiện ngoài kế hoạch. Đức Bônifaciô VIII hầu như bị ngạc nhiên. Vào ngày 1/1/1300 ngài còn chưa biết liệu có Năm Thánh hay không. Quyết định được đưa ra trong thời gian từ ngày 1/1 và 22/2/1300 nên các công trình đô thị lớn không thể thực hiện được.

Dấu vết của một số công việc được sắp xếp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của đám đông khổng lồ đã đến Roma và thực sự đông đúc trên các đường phố hướng về đền thờ Thánh Phêrô đến từ một nhân vật lừng lẫy, đó là thi sĩ Dante Alighieri, người đã đến Roma với tư cách là một người hành hương Năm Thánh. Trong tác phẩm Inferno (XVIII 28-33), ông nói về những người hành hương đi qua cây cầu gần Lâu đài Thiên thần và hướng đến Đền thờ Thánh Phêrô.

Tấm khăn của bà Veronica

Trong Năm Thánh, các thánh tích đóng một vai trò cơ bản và tấm khăn của bà Veronica chắc chắn là nổi tiếng nhất, thu hút các tín hữu hành hương đến Đền thờ Thánh Phêrô, như bằng chứng hữu hình về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, tại nơi thánh, nơi mà truyền thống xác định là nơi tử đạo và chôn cất Tông đồ Phêrô. Vào năm 1300, theo sử gia Paravicini, tấm khăn của bà Veronica không đóng một vai trò đặc biệt nào trong việc gợi ý cho Đức Bônifaciô VIII về việc có khái niệm Năm Thánh và ơn đại xá. Trong suốt thế kỷ XIV và tất nhiên sau đó là thế kỷ XV, hình ảnh của bà Veronica đã có sức lan tỏa rất lớn, vừa được tái hiện trên giấy da và sau đó là qua các bản in một cách tự nhiên.  Ông Paravicini kết luận: “Sự phổ biến của tấm khăn của bà Veronica trong các thế kỷ cuối của Thời Trung cổ và trong thời kỳ hiện đại chắc chắn có liên quan đến Năm Thánh nhưng không đặc biệt với năm 1300. Không có nhiều thánh tích khác, cũng bởi vì Năm Thánh được liên kết với hai đền thờ Thánh Phaolô và Thánh Phaolô. Đặc biệt, đền thờ Thánh Phaolô không có mối liên hệ chính xác với các thánh tích rất phổ biến. Thánh tích quan trọng nhất là ở đền thờ Thánh Phêrô và là tấm khăn của bà Veronica, nhưng lúc đầu không có mối liên hệ chặt chẽ này, ít nhất là các nguồn không chứng thực điều đó. Đương nhiên, qua nhiều thế kỷ và đặc biệt là trong các Năm Thánh tiếp theo, rõ ràng là các thánh tích của người Roma đã đóng một vai trò rất quan trọng”.

Roma - Giêrusalem mới

Ông Agostino Paravicini lưu ý: “Đức Bônifaciô VIII đã được thúc đẩy để tạo ra công cụ thiêng liêng vĩ đại của Năm Thánh Kitô giáo này có lẽ cũng bởi vì một vài năm trước đó, với sự thất trận của thành phố Akkô của Israel, giấc mơ vĩ đại về các cuộc thập tự chinh đã kết thúc, ít nhất trong thời kỳ đó và theo một nghĩa nào đó. Với Năm Thánh Kitô giáo, Roma trở thành một Giêrusalem mới, có được một vị trí trung tâm mới trong lĩnh vực thiêng liêng. Và tôi tin rằng sự trùng hợp giữa sự kết thúc của các cuộc thập tự chinh thời Trung cổ, với sự sụp đổ của Akkô, và sự kết thúc của Vương quốc Giêrusalem là một giai đoạn cực kỳ quan trọng”.

Tầm quan trọng của những con số trong thế giới thời trung cổ

Giáo sư Paravicini suy tư thêm: “Vẫn có thể nói thêm rằng Đức Bônifaciô VIII đã biết, và ít nhất là Đức Hồng y Stefaneschi biết và nói điều đó, rằng ngài là Giáo hoàng thứ 200. Và có lẽ cũng có thể biểu tượng này của các con số một mặt, năm thứ 100, mặt khác, việc ngài là Giáo hoàng thứ 200, đã đóng góp rất nhiều, cũng bởi vì biểu tượng và các con số biểu tượng rất quan trọng trong thời Trung Cổ và việc ngài quyết định rằng các Năm Thánh trong tương lai sẽ có nhịp 100 năm có lẽ cũng liên quan đến việc ngài là vị Giáo hoàng thứ 200 trong số các Giáo hoàng hợp pháp của Roma”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

07 tháng năm 2024, 12:54