Giáo hội châu Phi được mời gọi mang Tin Mừng đến với thế giới
Vatican News
Ngày 29/7/1969, các Giám mục châu Phi đã chính thức thành lập Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, nhằm thúc đẩy sự hiệp thông và cộng tác trong hoạt động loan báo Tin Mừng cho toàn thể châu lục. Hai ngày sau, 31/7/1969, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chủ sự lễ bế mạc cuộc gặp gỡ đầu tiên của SECAM, trong chuyến tông du của ngài đến Uganda, chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tới Phi châu. Vì hai sự kiện lịch sử này, ngày 29/7 được coi là Ngày SECAM, với các cử hành diễn ra vào Chúa nhật gần với ngày kỷ niệm, năm nay là ngày 28/7.
Trong một thông điệp được công bố trong dịp này, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo lưu ý dịp kỷ niệm năm nay đặc biệt có ý nghĩa, vì trùng với kỷ niệm 60 năm phong thánh cho các vị tử đạo Uganda. Và chủ đề năm nay nhắc lại những lời của Thánh Phaolô VI cách đây 55 năm về việc người châu Phi truyền giáo cho chính mình là một điều rất nghiêm túc. Thực tế, kể từ chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng cho đến nay, Giáo hội ở châu Phi đã phát triển trong nhiều lĩnh vực. Với 256 triệu tín hữu, chiếm 18% tổng dân số châu Phi, Giáo hội đang phát triển mạnh mẽ, đã bén rễ và hiện là một Giáo hội trưởng thành.
Thông điệp nhắc lại: hầu hết các giáo sĩ hiện nay đều là người bản địa, và ngày càng có nhiều giáo sĩ châu Phi tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong các hội truyền giáo quốc tế. Ngoài ra, có nhiều linh mục châu Phi sẵn sàng phục vụ theo diện hồng ân đức tin (fidei donum).
Hơn nữa, Giáo hội Công giáo ở lục địa này luôn bảo vệ sự phát triển của con người và là tiếng nói của những người không có tiếng nói, ủng hộ việc giảm bớt hoặc xóa bỏ gánh nặng nợ bất công của người dân châu Phi. Ngoài ra, Giáo hội đang xây dựng chính mình như Gia đình của Chúa và làm phong phú bằng kinh nghiệm của các Cộng đoàn Kitô nhỏ, là dấu ấn của Giáo hội Chúa Giêsu Kitô tại châu Phi và các đảo của châu lục này.
Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, châu Phi vẫn đói khát Thiên Chúa. Vì thế các Kitô hữu phải tiếp tục loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa. Và trong khi thi hành sứ vụ cần phải quan tâm đến việc hội nhập văn hoá, bởi vì hoạt động truyền giáo sẽ chỉ có hiệu quả nếu đức tin Kitô bén rễ sâu vào lối sống của mọi người.
Ngoài truyền giáo cho người châu Phi, Chủ tịch SECAM còn kêu gọi các Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng cho cả thế giới, đặc biệt cho châu Âu. Ngài giải thích: “Các thừa sai châu Âu đã đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho toàn thể châu Phi, và hiện đang trải qua tình trạng giảm sút nhân sự vì sự tục hoá, vốn là nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người ra khỏi Giáo hội”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.