Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ: Phục hưng Thánh Thể thực sự đưa tới hiệp nhất
Vatican News
Đức Hồng Y Christophe Pierre giải thích với các tín hữu rằng sự hiện diện của ngài là dấu chỉ cho thấy “sự gần gũi về mặt tinh thần và sự hiệp nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô với anh chị em và với quốc gia này”.
“Là một ân ban tuyệt vời khi chúng ta có thể hiệp nhất như một Giáo hội qua Đức Thánh Cha”, ngài nói đồng thời nhắc lại rằng Thánh Thể cũng là một hồng ân vô giá cho sự hiệp nhất. Vì thế ý chỉ cầu nguyện chính cho Đại hội là “xin cho chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, có thể lớn lên trong sự hiệp nhất, để chúng ta có thể sinh hoa trái hơn trong sứ vụ”.
Theo Đức Hồng Y Pierre, để nhận ra sự hiệp nhất này, cần phải đặt câu hỏi: “Phục hưng Thánh Thể là gì? Làm thế nào để biết rằng chúng ta đang trải nghiệm sự phục hưng Thánh Thể?”. Ngài giải thích mặc dù luôn phải có lòng sùng kính Bí tích như thờ phượng, phép lành, giáo lý và rước kiệu, phục hưng Thánh Thể thực sự phải vượt ra ngoài các thực hành này, có nghĩa là nhìn thấy Chúa Kitô trong người khác, không chỉ trong gia đình, bạn bè và cộng đoàn. Sự phục hưng thực sự có nghĩa là nhìn thấy Chúa Kitô ngay cả trong những người mà chúng ta cảm thấy bị chia rẽ, dù là về chủng tộc hay giai cấp, hay những người thách đố cách suy nghĩ của chúng ta, hoặc những người có suy nghĩ khác với chúng ta.
Đức Hồng Y Pierre nói: “Khi chúng ta gặp những người như vậy, Chúa Kitô hiện diện để trở thành nhịp cầu, hiệp nhất mọi dân tộc, những người là con của cùng một Cha trên trời và được kêu gọi đến cùng một số phận đời đời”.
Ở điểm này, ngài khẳng định những nỗ lực nhằm xây dựng những cây cầu hiệp nhất là dấu chỉ canh tân Thánh Thể thực sự. Khi cử hành Thánh Thể, Kitô hữu trải nghiệm Chúa Giêsu, Đấng đã xây cây cầu đầu tiên bằng cách trở thành con người ngay cả khi nhân loại xa cách Người. Vì thế, tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể dưới hình bách và rượu là chưa đủ, cần phải tin Người hiện diện trong cộng đoàn đức tin của Người, và cả nơi những người đang gặp thách đố để liên kết với Người vì những vết thương, nỗi sợ hãi hoặc tội lỗi. Hơn nữa, tôn thờ thiết yếu ở tương quan của chúng ta với Chúa Kitô, và từ đó học cách thiết lập tương quan với người khác theo cách tôn thờ sự hiện diện của Chúa trong họ.
Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ kết thúc với lời mời gọi mọi người “cầu nguyện cho sự canh tân Thánh Thể đích thực”, để mắt chúng ta được mở ra và chúng ta có thể học cách suy nghĩ khác. Như thế sự phục hưng Thánh Thể phải dẫn đến “sự hoán cải mục vụ” và kêu gọi các tín hữu cầu xin Chúa cho thấy những nơi có sự chống đối, để khi để Chúa dẫn dắt, “chúng ta có thể trở thành những tông đồ đích thực trong Vương quốc của Người”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.