Tìm kiếm

Mappa Corea del nord e Corea del Sud, confine

Giới trẻ Công giáo Hàn Quốc hành hương và dâng Thánh lễ với người tị nạn Triều Tiên

Lần đầu tiên Uỷ ban Hoà giải của Tổng Giáo Phận Seoul, Suwon và Uijeongbu, cùng tổ chức cuộc hành hương hoà bình đến khu vực phi quân sự, vùng đất phân chia Bắc Hàn và Nam Hàn, và dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho ý chỉ trên.

Vatican News

Tham dự cuộc hành hương “Những làn gió hoà bình”, có khoảng 300 bạn trẻ, phần lớn là Hàn Quốc, nhưng cũng có một số bạn bạn trẻ đến từ Tây Ban Nha, Slovakia, Malaysia và các quốc gia khác. Được hướng dẫn bởi các linh mục và tu sĩ, các bạn trẻ đã sống kinh nghiệm bước đi với tinh thần trở thành “tông đồ hòa bình”.

Đoàn hành hương đã đến thăm Đài quan sát Thống nhất ở Odusan, từ đây mọi người có thể nhìn về phía Bắc qua sông Imjin, phía Nam qua sông Hàn. Những người trẻ cũng nhìn ra Tỉnh Hwanghae ở Triều Tiên, nhận ra thực tế chia cắt. Sau đó, mọi người cùng trải nghiệm trên "Chuyến tàu thống nhất", KTX, nơi có triển lãm và trải nghiệm đa phương tiện, một kiểu "du hành thời gian", giữa quá khứ và tương lai. Sau đó, họ mở rộng sự hiểu biết về hòa bình và hòa giải hai miền bằng cách lắng nghe lời chứng của người tị nạn đã trốn khỏi Triều Tiên 10 năm trước.

Một sáng kiến cầu nguyện cho hòa bình khác là Thánh lễ tạ ơn đặc biệt được cử hành ở Uijeongbu, khu vực biên giới, vào ngày 07/9. Sáng kiến thiêng liêng do ba Giáo phận Seoul, Suwon và Uijeongbu cùng tổ chức có sự tham dự của những người tị nạn đến từ Triều Tiên.

Trong Thánh lễ, cha Ignatius Sooyong Jung, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Seoul, nói về nỗi đau chia cách được cảm nhận sâu sắc bởi những người Bắc Hàn đến Nam Hàn nhưng vẫn còn người thân ở Bắc Hàn. Cha nhắc lại một câu thường được nói khi đề cập đến các anh chị em cùng đức tin đã sống hoặc vẫn sống bên kia biên giới “Chỉ cần các bạn còn nhớ đến họ, họ sẽ sống. Và mong ước của các bạn sẽ thành hiện thực, với điều kiện các bạn cầu nguyện cho họ”. 

Cha Jung cho biết, hiện có khoảng 34.000 người tị nạn Triều Tiên ở Hàn Quốc, và hơn 90% trong số họ đã hoà nhập ổn định vào cơ cấu xã hội Hàn Quốc. Nếu trước đây, sự hỗ trợ của Giáo hội chủ yếu cho giai đoạn hoà nhập ban đầu, thì giờ đây sự đồng hành thiêng liêng và mục vụ cho những người tị nạn là rất cần thiết. Thánh lễ với sự tham gia của ba giáo phận là một cơ hội để các tín hữu và những khác cùng nhau cầu nguyện.

Với mong muốn của Đức cố Hồng Y Stephen Sou-hwan Kim, Ủy ban Hòa giải được Tổng Giáo Phận Seoul thiết lập vào ngày 01/3/1995, dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng khỏi Nhật Bản. Hiện nay, dưới dự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Peter Soon-Taick Chung, Uỷ ban đảm trách các hoạt động mục vụ liên quan đến hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, dựa trên các giá trị nền tảng của cầu nguyện, giáo dục và chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

14 tháng chín 2024, 10:01