Tìm kiếm

Internally displaced persons flee from attacks in North Kivu province, DR Congo

Cha Bernard Ugeux, một cuộc đời vì người dân Congo

Cha Bernard Ugeux từ lâu được biết đến là người đã dành trọn cuộc đời vì người dân Congo. Trong mấy chục năm qua vị linh mục người Bỉ đã dấn thân hỗ trợ những người là nạn nhân của các vụ bạo lực và buôn người.

Vatican News

Cha Bernard Ugeux đặt chân đến Công hoà Dân chủ Congo lần đầu tiên vào năm 1971, khi đó còn là chủng sinh với ước muốn khám phá sứ vụ ở một vùng đất mới. Sau khi hoàn thành chương trình chủng viện ở Bernard Ugeux, được truyền chức linh mục vào năm 1976 tại Brussels, tân linh mục tiếp tục đến quốc gia châu Phi này thi hành sứ vụ. Năm nay, đã 78 tuổi, nhà thừa sai vẫn ở lại vùng đất cha đã gắn bó suốt đời vì như cha nói đã quá yêu thương đất nước này.

Tại quốc gia châu Phi này, cha thiết lập một trung tâm đón tiếp các thiếu nữ là nạn nhân của các vụ hãm hiếp, bạo lực, những người dễ bị tổn thương nhất. Đa số những người này khi đến trung tâm đều rất yếu, có những người thậm chí không thể ăn uống được. Sau khi ổn định, trung tâm tìm cho họ một nơi đón nhận họ. Công việc tiếp theo là cho họ học chương trình phổ thông, và học nghề để các em có thể tái hoà nhập xã hội.

Song song với các hoạt động này, biện pháp phục hồi tâm lý cũng được trung tâm của cha Bernard Ugeux đặc biệt chú ý. Vì các thiếu nữ và cả những phụ nữ là vợ là mẹ trong các trong đình bị bạo hành, thường khi đến trung tâm họ cho rằng tất cả là do lỗi của mình, bị rối loạn tâm lý. Họ bị các nhóm vũ trang, các đảng phái, những người thù ghét nhau dùng để hạ nhục nhau. Nhân viên của trung tâm giúp họ phục hồi lòng tự trọng, nhìn nhận phẩm giá của mình như mọi người, giúp họ dám nói lên sự thật, dám tố cáo cái ác đang hiện diện khắp nơi.

Để có thể giúp các phụ nữ nạn nhân này, cha còn tham gia mạng lưới Talitha Kum của các nữ tu quốc tế. Nhờ cộng tác với tổ chức quốc tế này, cha có thể giúp các phụ nữ trẻ đang tuyệt vọng vì bị mọi người ruồng bỏ và không có việc làm, để họ khỏi bị những kẻ buôn người dụ dỗ thiên đàng ở các nước châu Âu. Và đối với những người thực sự muốn ra đi theo con đường hợp pháp, cha hỗ trợ tuyến đường họ sẽ đi.

Ngoài trung tâm hỗ trợ các phụ nữ bị bạo hành, mới đây cha còn mở thêm một một xưởng mộc ở khu Kamituga với đầy đủ các loại máy móc dành cho nghề này. Nhà truyền giáo nói trong 7 năm qua cha đã hỗ trợ tái xây dựng và phát triển một trường dạy nghề mộc do một giáo xứ thành lập. Theo cha, ở đây lâm nghiệp có nhu cầu rất lớn. Hầu hết các ngôi nhà được làm bằng gỗ. Nhưng thực tế, người dân lại muốn tìm vàng, một công việc rất nguy hiểm vì không có chế độ bảo hiểm nào. Cha tính toán, nếu tái xây dựng xưởng mộc, mỗi năm sẽ có khoảng 30 người trẻ được đào tạo, như vậy trong 7 năm có khoảng 200 người được học nghề này. Mặc dù chỉ là một đóng góp nhỏ trong đại dương nhu cầu, nhưng cha tin chắc từng bước sẽ giúp nâng đời sống của người dân lên.

Đến quốc gia châu Phi này cách đây 53 năm, với những công việc và những trải nghiệm khác nhau trong khi phục vụ người nghèo, giờ đây cha không còn trực tiếp tham gia vào hoạt động với người dân, nhưng đang thi hành sứ vụ trong một chủng viện đào tạo các các linh mục truyền giáo tương lai. Tuy nhiên thao thức mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn của cha vẫn còn.

Cha chia sẻ: “Tôi được Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế sai đến tham gia vào sứ vụ. Tôi là chú chó của người chăn chiên và nhiệm vụ của tôi là đem đàn chiên về. Lúc đầu tôi gặp khó khăn trong việc chăn giữ đàn chiên và hiểu rằng mình không thể chịu nỗi đau khổ của mọi người. Nhưng từng bước tôi khám phá ra khái niệm của lòng trắc ẩn, bao gồm để mình được lòng trắc ẩn chạm đến và không để những đau khổ này nhấn chìm”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng mười 2024, 14:51