Các Kitô hữu ở Burkina Faso: Khủng bố không thể đốt cháy đức tin của chúng tôi
Vatican News
Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, vụ tấn công khủng bố xảy ra tại thị trấn Manni ở Khu vực phía Đông của Burkina Faso, ngày 6/10 vừa qua, đã giết chết hơn 150 người, trong số này có nhiều Kitô hữu.
Những kẻ khủng bố đã cắt mạng điện thoại di động trước cuộc tấn công vào một ngôi chợ địa phương, nơi nhiều người tụ tập sau Thánh lễ. Sau đó, chúng nổ súng bừa bãi, cướp phá các cửa hàng và đốt cháy một số tòa nhà, thiêu sống một số nạn nhân. Hôm sau, chúng quay lại tấn công nhân viên y tế và giết chết nhiều người bị thương trong bệnh viện của thành phố. Và gần đây nhất, thứ Ba ngày 8/10, một lần nữa bọn khủng bố xâm chiếm thị trấn Manni, thảm sát tất cả những người nam mà chúng thấy.
Vụ tấn công ở Manni xảy ra trong bối cảnh tình hình an ninh ở Burkina Faso tiếp tục xấu đi, các nhóm cực đoan có vũ trang tăng cường các cuộc tấn công, nhắm vào cả lực lượng an ninh và dân thường. Trong nhiều năm liên tiếp, Burkina Faso đã phải chịu đựng mức độ bạo lực cực đoan cao nhất trong toàn bộ khu vực Sahel. Vào cuối tháng 8, đất nước này đã trải qua vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử tại Barsalogho. Kể từ đó, ước tính số người thiệt mạng trong vụ tấn công đã tăng lên ít nhất 400 người. Và do khủng bố, ở Burkina Faso hiện có hơn hai triệu người phải di dời.
Trong sứ điệp gửi đến các linh mục, tu sĩ và giáo dân vào ngày 9/10, Đức cha Pierre Claver Malgo của Fada N’Gourma, mô tả vụ tấn công là “dã man” và bày tỏ “lòng trắc ẩn chân thành đối với tất cả các gia đình đau buồn”, khẳng định rằng “bất kỳ mối đe dọa nào đối với phẩm giá của con người và mạng sống của họ phải chạm đến trái tim của Giáo hội”. Đức cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nản lòng và giữ hy vọng “cho một ngày mai tươi sáng hơn”.
Cũng theo các nguồn tin của Tổ chức, những kẻ khủng bố đang cố gắng chia rẽ dân chúng, vốn được biết đến với sự hòa hợp giữa người Hồi giáo và các Kitô hữu. Giáo hội Công giáo đang làm mọi cách có thể để duy trì mối quan hệ tốt đẹp này, kiên quyết thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, như cha Poré, linh mục giáo xứ Thánh Têrêsa ở Rollo bày tỏ: “Chúng tôi hiệp nhất và hiện chúng tôi cử hành nhiều cuộc gặp gỡ liên tôn hơn nữa. Khi phân phát viện trợ cho những người phải di dời, giáo xứ không phân biệt giữa các nhóm tôn giáo, và điều đó đã gây ấn tượng với người Hồi giáo và củng cố tương quan của chúng tôi”.
Một nhân chứng nói với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ: "Tình hình quá khủng khiếp. Nhưng ngay cả khi bọn khủng bố đốt cháy mọi thứ, chúng không thể đốt cháy đức tin của chúng tôi".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.