Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem: Bắt đầu lại hoà bình bằng sự tha thứ
Vatican News
Mở đầu thư, Đức Hồng Y thay mặt các Thượng phụ, các Giám mục và toàn thể cộng đoàn Kitô của khu vực, cám ơn Đức Thánh Cha vì sự gần gũi và tình thương dành cho Thánh Địa. Đức Thượng phụ viết: “Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha là vị lãnh đạo thế giới duy nhất luôn nhớ đến đau khổ của tất cả mọi người, và nhắc nhở chúng con về sự cần thiết không buông xuôi, ngay cả trong những thảm kịch của nhân loại”.
Đức Hồng Y nhắc lại rằng, trong thư, Đức Thánh Cha không chỉ bày tỏ sự gần gũi mà còn cho các Kitô hữu những chỉ dẫn quý giá để tiếp tục sống trong đêm dài, dường như không bao giờ kết thúc, nhưng mọi người biết một ngày nào đó sẽ chấm dứt.
Thực vậy, những lời của Đức Thánh Cha đã khích lệ một số suy tư giữa các Kitô hữu, và do đó trở thành phát ngôn viên của tư tưởng, sự lo ngại và hy vọng của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Thư của Đức Hồng Y được tiếp tục với những nhận định về tình hình hiện nay của khu vực. Đã một năm trôi qua, vòng xoáy bạo lực bùng phát bởi ngòi nổ hận thù, một lần nữa đẩy các quốc gia vào một cuộc chiến dường như không có hồi kết, và đang gieo rắc sự chết và huỷ diệt, không chỉ trong các cấu trúc vật chất, nhưng còn cả trong cuộc sống của người dân, trong các tương quan ở mọi cấp độ.
Mặc dù thực tế như vậy, nhưng thay mặt các Kitô hữu, Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem thưa với Đức Thánh Cha rằng mọi người sẽ không nản chí, tiếp tục cố gắng trở thành những người xây dựng hoà bình và công lý. Chính mẫu gương của các tín đồ thuộc mọi tôn giáo trong những tháng qua đã truyền cảm hứng cho mọi người tiếp tục dấn thân. Các tín đồ này dù bị ảnh hưởng bởi bạo lực và cái chết, với sức mạnh nội tâm không chấp nhận luận lý của cái ác, nhưng có khả năng nói lời tha thứ và đưa ra những cử chỉ thấu hiểu và hy vọng. Đó chính là “phần nhỏ còn lại” để bắt đầu lại.
Trong thư, Đức Hồng Y còn nhận định rằng, khu vực này cần một sự hướng dẫn có tầm nhìn mới, cần những người có khả năng thể hiện sự phong phú, cái đẹp vẫn còn ở đây và chiến tranh vẫn chưa làm cho nó hoàn toàn biến dạng. Ý tưởng cho rằng các chiến lược quân sự có thể mang lại điều mới tích cực cho khu vực là ảo tưởng. Thực tế, bạo lực sẽ tạo ra thêm bạo lực, hận thù trong các thế hệ. Trái lại, cần phải phát triển, đầu tư vào giáo dục vì hoà bình, mang đến cho thế hệ trẻ một môi trường sống hoà bình.
Cuối thư, Đức Thượng Phụ hứa với Đức Thánh Cha rằng mặc dù còn hạn chế, nhưng các Kitô hữu sẽ cố gắng trở thành tiếng nói bình an, cương quyết và tự do cho những người bé nhỏ không có tiếng nói. Cố gắng không bỏ rơi bất cứ ai gõ cửa nhả mình và gần gũi với những người đau khổ, thiếu thốn và cô đơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.