Đền Thờ thánh Gioan Laterano Đền Thờ thánh Gioan Laterano 

Bế mạc năm kỷ niệm 1.700 năm Đền Thờ thánh Gioan Laterano

Giáo phận Roma vừa trải qua một năm với nhiều sinh hoạt về tôn giáo, lịch sử, văn hóa, với mục đích canh tân đức tin và lòng yêu mến, gắn bó với Giáo Hội. Đó là năm kỷ niệm 1.700 năm cung hiến Đền Thờ thánh Gioan Laterano, nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma và cũng là "Mẹ và Đầu của các thánh đường trên thế giới”.

 G. Trần Đức Anh, O.P.

 Thực vậy, lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Bảy ngày 9/11, cũng là lễ cung hiến Đền Thờ Thánh Gioan Laterano theo lịch phụng vụ của Giáo Hội, Đức Hồng Y tân cử Baldo Reina, Giám quản Giáo phận Roma, đã chủ sự Thánh lễ trọng thể để bế mạc năm kỷ niệm 1.700 năm cung hiến Đền Thờ này.

 Cách đây đúng một năm, cũng vào chiều ngày 9/11, Đức Hồng Y giám quản Roma bấy giờ là Angelo De Donatis cũng đã cử hành Thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm.

 Thánh lễ hôm qua (ngày 9/11) được Đức Ông Marco Frisina, Ca trưởng của Ca đoàn giáo phận, giúp linh hoạt với những thánh ca do chính ngài sáng tác cho dịp kỷ niệm này.

 Hôm trước đó, thứ Sáu ngày 8/11, lúc 19 giờ 45, đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên trong một loạt "các cuộc lắng nghe bậc thầy”, với sự tham dự của 3 linh mục, đứng đầu là Đức Ông Andrea Lonardo, Giám đốc Văn phòng mục vụ huấn giáo của giáo phận Roma và hai vị khác, kể lại lịch sử 17 thế kỷ của Đền thờ với những biến cố và nhân vật nổi bật liên hệ tới thánh đường này.

 Thoáng nhìn lại lịch sử

 Đền Thờ thánh Gioan tại khu Laterano là thánh đường đầu tiên của Giám Mục Roma, Đền thờ này cũng tượng trưng sự chiến thắng của Kitô giáo trên ngoại giáo. Tại đây, lần đầu tiên, sau chiếu chỉ tha bắt đạo của Hoàng đế Costantino ở Milano, một cộng đoàn Kitô được xuất đầu lộ diện, công khai cử hành đức tin. Đền thờ này tượng trưng cho chính Giáo Hội: Giáo Hội không loan truyền những lời riêng của mình, nhưng tiếp tục rao giảng Lời Chúa, trong lịch sử, qua tiếng nói và chứng tá của các thừa tác viên và các tín hữu.

 Cũng vì tầm quan trọng này, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano này, vào ngày 9/11, hằng năm được cử hành với bậc lễ kính (bậc hai), quan trọng hơn lễ cung hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Phaolô, cử hành với bậc lễ nhớ (bậc ba) vào ngày 18/11. Đền thờ thánh Phêrô được xây 13 năm sau Đền thờ Thánh Gioan ở Laterano.

 Trong 10 thế kỷ, từ thứ 4 tới thứ 14, Đền thờ thánh Gioan ở Laterano, cũng như tòa nhà cạnh đây là trung tâm của Giáo Hội Roma, là trụ sở và là biểu tượng của Đức Giáo Hoàng. Các nhà nguyện, đan viện, nhà trọ và khách sạn được thiết lập chung quanh Trung Tâm này, như con tim của đời sống Giáo Hội thời đó, giống như Vatican hiện nay.

 Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano hiện nay dài 130 mét, ở mặt tiền có ghi hàng chữ: "Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium Urbis et orbis ecclesiarum mater et caput”, nghĩa là "Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ ở Roma và trên thế giới”.

 Ở giữa mặt tiền đền thờ, có bao lơn, các vị Giáo Hoàng thường ban phép lành cho dân chúng trong dịp Năm Thánh, bắt đầu từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1.300. Cũng tại đây, Đức Hồng Y Gasparri, nhân danh Chân phước Giáo Hoàng Piô 11, ký hiệp định Laterano với nước Ý, thành lập nước Vatican vào ngày 2/11/1929, tái lập sự độc lập pháp lý và lãnh thổ của Tòa Thánh. Từ lúc đó, vị Giáo Hoàng mới long trọng nhận Đền Thờ, Nhà thờ chính tòa của ngài, trong tư cách là Giám Mục Roma.

 Lịch sử chi tiết của Đền Thờ

 Đi vào chi tiết hơn: cuối thế kỷ thứ ba, đế quốc La Mã theo chế độ "tứ đầu chế” có 4 hoàng đế trị vì: Nocomedia (Diocleziano), Sirmium (Galerio), Massimio (Milano) và Costanzo Chlore (Trevi).

 Ngày 28/10/312, Hoàng đế La Mã Costantino (306-337), con của Costanzo Chlore, chiến thắng quân của Hoàng đế Massenzio (306-312), con của Massimio, ở cầu Milvio, và khải hoàn tiến vào Roma, trở thành hoàng đế của đế quốc Tây Phương. Năm sau đó, năm 313, ông ra chiếu chỉ tại Milano, ngưng bách hại các tín hữu Kitô, cho tự do hành đạo, truyền trả lại tài sản đã tịch thu của Giáo Hội trong thời kỳ bách hại trước đó. Sau cùng, Hoàng đế ấn định Chúa Nhật là ngày nghỉ hằng tuần.

 Trước khi xây đền thờ thánh Phêrô, và đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Hoàng đế Costantino đã ra lệnh xây Đền thờ Chúa Cứu Thế ở khu vực Laterano từ năm 313 tới 318. Đây là khu vực của gia tộc Laterano rất giàu có đã bị hoàng đế Nero (54-68) tịch thu tài sản sau khi đã giết người cuối của gia tộc này là Plauzio Laterano và gán cho ông tội âm mưu phản loạn.

 Hoàng đế Costantino ra lệnh san bằng doanh trại rộng lớn của đoàn quân cận vệ (equites singulares) của hoàng đế Massenzio để lấy đất xây Đền thờ Chúa Cứu Thế. Qua việc làm này, một đàng ông muốn phá hủy dấu tích sự hùng vĩ của đối phương, nhưng đồng thời tái khẳng định ý chí nâng đỡ Kitô giáo. Trong cuộc khai quật hồi năm 1934-38, người ta còn tìm thấy nhiều di tích về doanh trại cũ của hoàng đế Massenzio đó.

 Theo các sử gia, sở dĩ Hoàng đế Costantino chọn khu vực ngoại ô này của thành Roma hồi đó để xây nhà thờ đầu tiên của Kitô giáo, cạnh tường thành Aurelia, là để khỏi đụng chạm đến sự nhạy cảm của nhiều người dân Roma hồi đó còn theo ngoại giáo.

 Nguồn gốc

 Về nguồn gốc Đền thờ này có một lưu truyền kể lại rằng: Hoàng đế Costantino bị bệnh phong cùi. Một đêm kia, trong giấc mộng, Hoàng đế được thánh Phêrô và thánh Phaolô hiện ra và hứa chữa khỏi nếu ông lãnh nhận bí tích rửa tội. Hoàng đế ra lệnh tìm kiếm Đức Giáo Hoàng Silvestro I (314-335), và ngài rửa tội cho ông vào năm 314, chữa ông khỏi bệnh phung. Và để tỏ lòng biết ơn, Hoàng đế đã ra lệnh xây cất đền thờ này.

 Đền thờ Chúa Cứu Thế ở khu Laterano được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến vào năm 324. Theo lưu truyền có ảnh Chúa Cứu Thế "achiropita”, nghĩa là không do tay người phàm vẽ ra, xuất hiện lạ lùng trong lễ thánh hiến. Về sau, ảnh này được vẽ lại trên mặt tiền và được coi là phép lạ suốt trong thời Trung Cổ.

 Dinh Giáo Hoàng ở Laterano

 Hoàng đế Costantino cũng ở trong dinh thự ở Laterano, dinh thự mà ngày nay là tòa giám quản Roma như chúng ta thấy ở cạnh đền thờ. Đến năm 314, thì ông dời về dinh Palatino và nhường lại cho Đức Giáo Hoàng Melchiade (311-314). Nhưng cùng năm đó, thì vị Giáo hoàng này qua đời và Đức Giáo Hoàng Silvestro I lên kế vị. Bút tích cổ nhất liên hệ tới Giáo Hội Roma là vào năm 313 có Công nghị các Giám Mục tại nhà của bà Fausta (”in domum Faustae in Laterano”). Bà Fausta trở lại Kitô giáo, là em của Massenzio, và là vợ thứ hai của Costantino. Bà Fausta đã cho Đức Giáo hoàng Melchiade mượn nhà để làm nơi họp Công đồng các Giám Mục vào năm 313.

 Tước hiệu Đền Thờ

 Đền thờ này ban đầu được dâng kính Chúa Cứu Thế, và sau đó dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) thì được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. Dân Roma có lòng kính mến đặc biệt đối với Thánh Gioan Tông Đồ vì theo truyền thống, có nhiều sử liệu chứng minh, trong đó có Tertulliano, thánh nhân đã thoát khỏi cuộc tử đạo một cách lạ lùng tại thành Roma: tại đây, ngài bị dìm vào một chảo dầu đun sôi (cách cửa Latina vài mét; tại nơi hành hình, ngày nay có đền thờ nhỏ kính thánh Gioan ở trong chảo dầu - San Giovanni in Oleo). Việc tôn kính thánh Gioan được Đức Giáo Hoàng Ilaro (461-468) khuyến khích, trong biến cố Công đồng chung Epheso (449) và chính ngài đã dự Công đồng này trong tư cách là Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng. Đức Ilaro thoát khỏi cuộc bạo động của những người rối đạo, bằng cách nấp trong một cửa Đền thờ Tthánh Gioan. Để ghi ơn, ngài dựng một nhà nguyện cạnh giếng rửa tội hiện nay ở Laterano, và dâng kính Đền thờ ở đây cho Thánh nhân.

 Thăng trầm

 Đền thờ Thánh Gioan ở Laterano chịu nhiều phá hủy qua dòng thời gian, lần đầu do quân Rợ man di Genserico vào năm 455: họ tàn phá và cướp bóc kho tàng quí giá được lưu giữ tại Đền Thờ.

 Từ thế kỷ 7 đến 16, đã có 5 công đồng chung được nhóm họp tại đây. Đặc biệt Công đồng Laterano 4 năm 1215, với hơn 400 Giám Mục, 800 viện phụ và tất cả các triều đình Âu Châu đều có đại diện: trong đó Đức Innocenzo III ban hành một loạt các qui luật liên quan tới các dòng mới, trong đó có dòng Phanxicô, và ngăn chặn sự lan tràn của các dòng mới rối đạo, ấn định những điểm cố định của đạo lý Giáo Hội. Công đồng cũng ra luật mỗi tín hữu Công Giáo phải xưng tội hàng năm và rước lễ trong mùa Phục Sinh. Đức Giulio II triệu tập Công đồng Laterano 5 vào năm 1512, trong đó tái khẳng định quyền tối thượng của Giáo Hội Roma.

 Khu vực Laterano nhiều lần bị tàn phá, và bị hỏa hoạn vào năm 1308, và trước đó, từ năm 1305 đến 1376, các Giáo Hoàng di chuyển giáo đô sang Avignon bên Pháp. Khi Đức Gregorio XI (1370-1378) từ Avignon trở về Roma vào năm 1377, ngài thấy dinh thự Giáo Hoàng ở đây chỉ còn là một tòa nhà bị hỏa hoạn tàn phá sau 70 năm vắng chủ (1304-1377), nên phải di chuyển, trước hết về Đền thờ Đức Mẹ Maria ở khu Trastevere, rồi tới Đền thờ Đức Bà Cả, và sau cùng về Vatican và dần dần biến khu Vatican thành trung tâm của giáo đô như chúng ta thấy ngày nay.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng mười một 2024, 09:48