Tìm kiếm

2024.09.27  i volontari di caritas libano forniscono assistenza agli sfollati

Dự án tái chế quần áo cũ của Caritas Tây Ban Nha

Vừa qua, tổ chức Caritas của Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha đã được hoàng hậu Sofia vinh danh vì sáng kiến thu gom quần áo đã qua sử dụng, tái chế thành những bộ trang phục mới, tạo nhiều việc làm cho những người đang thất nghiệp.

Vatican News

Những con số của sáng kiến: 44 triệu kg quần áo đã qua sử dụng, được 8.200 xe tải thu gom ở các thành phố của Tây Ban Nha, tại 170 cửa hàng đồ cũ và tạo ra 1.400 việc làm, hơn một nửa trong số đó có nguy cơ bị xã hội loại trừ. Những con số làm cho rất nhiều người ngạc nhiên của sáng kiến có tên gọi Moda.

Moda quản lý toàn bộ quần áo đã qua sử dụng bằng cách tổ chức hiệu quả, nhằm thu gom, tái sử dụng, tái chế và bán ra thị trường.

Trong một tuyên bố, tổ chức bác ái của Giáo hội Tây Ban Nha tuyên bố: “Dự án nhằm giải quyết vấn đề ngày càng tăng tác động của ngành dệt may đối với môi trường và đưa ra các giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy sự hoà nhập xã hội”.

Và thực tế, sáng kiến đã đạt được mục đích: mang lại vòng đời thứ hai, thứ ba và thứ tư cho những bộ quần áo mà mọi người không còn dùng nữa.

Trong quá trình này, tổ chức của Caritas sử dụng các kỹ thuật sinh thái tân tiến, với bốn nhà máy phân loại hiện đại, giúp tiết kiệm được gần 3 triệu tấn khí thải C02 và hơn 400 triệu mét khối nước.

Tổ chức cũng tuyển dụng những người có nguy cơ bị loại ra khỏi xã hội, giúp họ hoà nhập vào thị trường lao động thông qua các chương trình đào tạo và việc làm. Ngoài ra, sáng kiến cùng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái sử dụng quần áo, như đưa cửa hàng Moda với các sản phẩm được sản xuất từ quần áo cũ đến các vùng nông thôn, khuyến khích người dân tiêu dùng có trách nhiệm.

Moda còn tổ chức các sự kiện thời trang bền vững, như trình diễn các thiết kế từ quần áo cũ, hội thảo tái chế sáng tạo và các chiến dịch thu gom quần áo cũ với sự cộng tác của các công ty và trường học.

Theo Caritas, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất hành tinh, và thời trang nhanh đã làm tăng cả số lượng quần áo được sản xuất lẫn số quần áo bị bỏ đi. Tổ chức Công giáo tố cáo: “Để làm ra một chiếc áo thun cotton, người ta cần 2.700 lít nước. Thuốc nhuộm và các sản phẩm hoàn thiện khác là nguyên nhân gây ra 20% tình trạng ô nhiễm nước uống trên toàn thế giới”.

Chủ tịch Caritas than phiền: “Với mô hình sản xuất hàng loạt, ngành thời trang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn cả các chuyến bay quốc tế và vận tải hàng hải cộng lại”.

Ông cho biết thêm: “Tại Liên minh châu Âu, với việc tiêu thụ hàng dệt may vào năm 2020, trung bình mỗi người đã tạo ra khoảng 270 kg khí thải CO2, bổ sung tổng cộng 121 triệu tấn khí nhà kính”.

Ông kết luận: “Hơn nữa, phần lớn rác thải dệt may được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc được đốt, trong khi chỉ có 1% được tái chế thành sợi mới”.

Với sáng kiến thiết thực này, vào ngày 08/10/2024, tại thủ đô Madrid, hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha đã trao giải thưởng trị giá 40 ngàn euro cho tổ chức Caritas, vì đã đóng góp cho xã hội một dự án đem lại thiện ích cho nhiều người, và góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Từ lâu tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo được biết đến là một thực thể luôn ở tuyến đầu trong các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, cho các nạn nhân của hậu quả thiên tai, chiến tranh, xung đột. Và sau đó, là những dự án lâu dài cho những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội. Nay Caritas của Giáo hội Tây Ban Nha đã mở rộng thêm hoạt động bác ái của mình với sáng kiến thu gom quần áo đã qua sử dụng, một sáng kiến đáng khích lệ và là một mô hình cho các tổ chức Caritas của các Giáo hội địa phương khác noi theo. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

07 tháng một 2025, 11:59