ĐTC Phanxicô (14/4): Lòng trung tín không phải là một nhân đức rẻ tiền
Ngọc Yến - Vatican
Sáng thứ Ba 14/4, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong thời điểm khó khăn của đại dịch. Bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hiệp nhất, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này, giúp chúng ta khám phá sự hiệp thông giữa chúng ta; một sự hiệp nhất luôn vượt lên trên bất kỳ sự chia rẽ nào”.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha trích lời của Thánh Phêrô trong Bài đọc I để nói về sự trung tín của người tín hữu đối với Thiên Chúa: “Thánh Phêrô nói rất rõ ràng: Anh em hãy sám hối: hãy thay đổi lối sống. Anh em đã nhận được lời hứa của Thiên Chúa và anh em đã quay lưng lại với lề luật Chúa. Anh em hãy sám hối, hãy trở về trung tín với Chúa. Sám hối là trở về trung tín với Chúa. Thái độ trung tín không được con người thể hiện thường xuyên trong cuộc sống. Phải trung tín trong lúc thuận tiện và cả trong những lúc không được như ý muốn”.
Tới đây, Đức Thánh Cha trích dẫn Sách Sử Biên Niên II, trong đó có đoạn đã đánh động Đức Thánh Cha rất nhiều về lòng trung tín với Thiên Chúa: “Củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, vua Rơkhápam bỏ Lề Luật của Đức Chúa, khiến toàn thể Israel cũng theo nhà vua làm như vậy” (2Sb 12,1). Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đây là một thực tế chung, nhiều lần chúng ta cảm thấy tự tin, chúng ta bắt đầu thực hiện các kế hoạch của chúng ta, dần dần chúng ta rời xa Thiên Chúa, không còn trung tín. Chúng ta thể nói rằng: Thưa cha con không quỳ gối trước thần tượng. Không, có thể anh chị em không quỳ gối trước thần tượng nhưng anh chị em tìm kiếm thần tượng và nhiều lần anh chị em tôn thờ thần tượng trong tâm hồn anh chị em”.
Để giúp mọi người hiểu đúng về sự an toàn, yên ổn, Đức Thánh Cha giải thích thêm bằng cách đặt câu hỏi: “Nhưng sự an toàn của chúng ta có phải là một điều xấu không? Không, đó là một ân sủng, anh chị em cảm thấy yên ổn khi tin chắc Chúa ở cùng anh chị em, nhưng chúng ta cũng có thể cảm thấy an toàn nhưng lại xa rời Thiên Chúa như trường hợp vua Rơkhápam, lúc đó chúng ta không còn trung tín”.
Đức Thánh Cha nhận định: “Trung tín không dễ, tất cả lịch sử Israel và lịch sử Giáo hội đầy những bất trung, đầy những ích kỷ, tin vào sự an toàn do mình tạo ra. Tất cả những điều này làm cho dân Chúa rời xa Thiên Chúa, đánh mất lòng trung tín”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Lòng trung tín không phải là một nhân đức rẻ tiền. Hãy sám hối, trở về với Chúa. Hôm nay, chúng ta xin Chúa ân sủng trung tín để biết tạ ơn khi Chúa ban cho chúng ta sự yên ổn, ơn trung tín dù phải đứng trước ngôi mộ, trước những đau khổ và trước sự sụp đổ của những thần tượng ảo tưởng."
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.