ĐTC mời các lãnh đạo Ki-tô giáo Li-băng đến Vatican cầu nguyện cho hoà bình
Hồng Thuỷ - Vatican News
Đức Thánh Cha thông báo rằng các vị lãnh đạo của các cộng đồng Ki-tô giáo chính ở Li-băng sẽ “cùng nhau cầu nguyện cho ơn hòa bình và ổn định.” Ngài nói: “Tôi phó thác ý định này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, rất được tôn kính tại đền thánh Harissa, và từ giờ phút này, tôi xin anh chị em đồng hành với việc chuẩn bị sự kiện này bằng sự liên đới trong lời cầu nguyện, khẩn cầu một tương lai hòa bình hơn cho đất nước thân yêu này.”
Đã có 4 vị lãnh đạo Kitô giáo thông báo tham dự ngày cầu nguyện
Cho đến sáng ngày 31/5/2021 đã có 4 vị lãnh đạo Ki-tô giáo xác định sẽ tham gia cuộc gặp gỡ cầu nguyện do Đức Thánh Cha chủ sự. Ngoài Đức Hồng y Bechara Boutros Rai, lãnh đạo Công giáo Maronite ở Li-băng, còn có Đức cha Ignazio Giuseppe III Younan, Thượng Phụ Antiochia của Syria, Đức Thượng phụ Mor Ignatius Afram II Karim, của Giáo hội Chính Thống Syria ở Antiochia và toàn Đông phương, và Đức Thượng Aram I của Giáo hội tông truyền Armenia.
Tình hình bất ổn tại Libăng
Libăng đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị trong nhiều tháng, khi các nhà lãnh đạo chính trị không thể thành lập chính phủ để thực hiện cải cách sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut vào ngày 4/8 năm ngoái khiến gần 200 người thiệt mạng, 600 người khác bị thương và thiệt hại 4 tỷ đô la.
Trước vụ nổ, Li-băng đã phải đối mặt với áp lực kinh tế nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt và đồng tiền nước này đã mất ít nhất 80% giá trị so với đô la Mỹ kể từ năm 2019.
Hôm 22/4 Đức Thánh Cha đã gặp Thủ tướng được chỉ định của Li-băng, ông Saad Hariri. Ông Hariri được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới vào tháng 10 năm ngoái sau khi các nhà lãnh đạo Hassan Diab từ chức vào tháng 8 và Mustapha Adib vào tháng 9. Diễn biến này diễn ra chưa đầy một năm sau khi ông Hariri từ chức Thủ tướng vào ngày 29/10/2019, trong bối cảnh của các cuộc biểu tình lớn.
Sự quan tâm của Giáo hội
Đức Hồng y Bechara Boutros Rai, lãnh đạo Công giáo Maronite ở Li-băng, đã nhiều lần thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước “vượt qua lý luận lợi ích đảng phái” và thành lập một chính phủ để giải cứu đất nước.
Trong diễn văn nói với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hồi đầu tháng 2 Đức Thánh Cha cũng kêu gọi một cam kết chính trị mới để thúc đẩy sự ổn định của Li-băng. (CNA 30/05/2021) & Sismografo 31/05/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.