ĐTC Phanxicô: Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời

Trưa Chúa Nhật 20/6, vào lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trước sự hiện diện của khoảng gần 4.000 tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn, trong đó ngài khuyên nhủ, khi chúng ta bị sóng biển cuộc đời nhấn chìm làm chúng ta sợ hãi, thay vì tập trung vào con sóng, hãy chú tâm vào Chúa Giêsu.

Ngọc Yến - Vatican News

Đức Thánh Cha mở đầu bài huấn dụ bằng việc tóm tắt Tin Mừng Chúa nhật XII thường niên năm B (Mc 4,35-41): “Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa làm cho sóng biển yên lặng. Con thuyền, trên đó có các môn đệ đang vượt biển hồ, bị một trận cuồng phong đe dọa, các môn đệ sợ bị chìm. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào gối và ngủ. Các môn đệ sợ hãi đánh thức Người dậy và nói: ‘Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?’”.

Chúa luôn chia sẻ với chúng ta mọi điều xảy đến trong cuộc sống

Đức Thánh Cha nói: “Trước những thử thách, nhiều khi chúng ta cũng giống như các môn đệ, chúng ta kêu lên với Chúa: ‘Lạy Chúa, tại sao Chúa im lặng và không làm điều gì đó cho con?’. Điều này đặc biệt xảy đến khi chúng ta đã đặt tình yêu và hy vọng lớn vào một dự án, nhưng đã bị tan biến; hoặc khi chúng đang lo âu buồn phiền; hay khi chúng ta cảm thấy đang bị chìm ngập trong những vấn đề, hoặc lạc lõng giữa biển đời, cảm thấy không có hướng đi, không có bến đỗ. Hoặc thậm chí, trong những lúc chúng ta cảm thấy không đủ sức để tiếp tục bước đi, hoặc khi chúng ta hay người thân nhận được  một chẩn đoán bất ngờ về một căn bệnh, làm cho chúng ta lo lắng đến sức khỏe của chính mình và người thân”.

Theo Đức Thánh Cha, trong những tình huống này và trong nhiều hoàn cảnh khác, chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt vì sợ hãi, và giống như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ mất đi điều quan trọng nhất. Thực tế, trên thuyền, ngay cả khi Chúa Giêsu ngủ, Người vẫn ở đó, và chia sẻ với các môn đệ mọi điều đang xảy ra. Một mặt, việc Chúa ngủ làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng ở khía cạnh khác việc Chúa ngủ lại đưa chúng ta vào thử thách. Thật vậy, Chúa đang đợi chúng ta mời Người chiến đấu với chúng ta, đặt Người vào trung tâm của những gì chúng ta đang trải qua. Giấc ngủ của Chúa làm cho chúng ta thức giấc. Bởi vì, để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, tin Thiên Chúa hiện hữu thôi chưa đủ, chúng ta phải bước ra khỏi chính mình và ở với Người, kêu lên với Người.

Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: những cơn gió nào đang ập đến với cuộc đời tôi, những con sóng nào cản trở hành trình vượt biển của tôi? Chúng ta hãy thưa tất cả những điều này với Chúa Giêsu. Chúa khao khát điều đó, trước những cơn sóng gió bất thường của cuộc đời, Chúa muốn chúng ta chạy đến tìm trú ẩn nơi Người”.

“Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Người và nói với Người. Đây là sự khởi đầu của đức tin: nhận biết rằng một mình chúng ta không thể đứng vững, chúng ta cần Chúa Giêsu như những thủy thủ  cần những vì sao để tìm đường đi. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tự sức mình chúng ta không thể làm được gì, đến việc  cảm nhận chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua cám dỗ đóng kín chính mình, khi chúng ta vượt qua một tôn giáo sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, khi chúng ta kêu lên với Người, Người có thể làm nên điều kỳ diệu trong chúng ta. Đó là sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của cầu nguyện, đưa đến phép lạ”.

Xin ơn không mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa

Với câu hỏi của Chúa Giêsu “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có đức tin sao?”, Đức Thánh Cha nói rằng, câu hỏi này Chúa cũng dành cho chúng ta. Các môn đệ đã để cho nỗi sợ hãi xâm chiếm, bởi vì các ông tập trung vào con sóng hơn là chú tâm vào Chúa Giêsu. Chúng ta cũng như thế: biết bao lần, thay vì đến với Chúa và phó thác nơi Người những khó khăn của chúng ta, chúng ta lại chú tâm vào các vấn đề! Biết bao lần chúng ta để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, chỉ đánh thức Người trong lúc cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng đức tin không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa, đến gõ cửa Trái Tim Người.

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời mời gọi các tín hữu hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trong cuộc đời không ngừng tin cậy nơi Thiên Chúa, xin Mẹ khơi dậy trong chúng ta nhu cầu thiết yếu là phó thác nơi Chúa mỗi ngày.

*********************

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói ngài hiệp nhất với các Giám mục Myanmar, trong lời kêu gọi gửi đến cộng đồng quốc tế trong tuần qua. Các Giám mục kêu gọi thế giới chú ý đến trải nghiệm đau lòng của hàng ngàn người đang phải di dời và đang chết đói. Các vị chủ chăn kêu gọi để các nhà thờ, đền thờ, tu viện, trường học và bệnh viện được tôn trọng như những nơi ẩn náu trung lập.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ đến Chúa nhật 20/6 là Ngày Tị nạn Thế giới, do Liên Hiệp Quốc tổ chức, với chủ đề “Cùng nhau chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt”. Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy mở lòng đón tiếp người tị nạn, chúng ta hãy làm cho nỗi buồn, niềm vui của người tị nạn trở thành của chúng ta. Chúng ta hãy học nơi họ lòng can đảm và như thế, tất cả chúng ta cùng nhau phát triển một cộng đồng nhân văn hơn, một cộng đồng duy nhất, một đại gia đình”.

Sau khi chào các nhóm đặc biệt hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa nhật an bình, một bữa trưa ngon miệng, và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

20 tháng sáu 2021, 13:06

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >