Các Giáo hội Kitô kêu gọi tổng thống Biden và Putin quan tâm đến hòa bình và công lý
Ngọc Yến - Vatican News
Không chỉ thế giới, các Giáo hội Kitô trên toàn thế giới cũng mong chờ những điều tốt lành diễn ra trong Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/6, tại Genève giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin, bằng việc mời gọi mọi người khắp nơi trên thế giới cầu nguyện để hai nhà lãnh đạo thế giới được dẫn dắt trong việc tìm kiếm "những con đường cho hòa bình và công lý”.
Hội đồng các Giáo hội Kitô thế giới là một tổ chức đại kết có trụ sở tại Genève với 350 Giáo hội Kitô - Tin lành, Chính thống, Anh giáo và các hệ phái Kitô khác - của 120 quốc gia trên thế giới, đại diện cho 550 triệu Kitô hữu.
Trong một lá thư gửi đến hai tổng thống vào ngày 14/6, Ioan Sauca, Tổng Thư ký của Hội đồng các Giáo hội Kitô thế giới viết: "Từ trụ sở của chúng tôi, và khắp nơi trên thế giới, nơi các Giáo hội thành viên của chúng tôi đang thi hành sứ vụ, chúng tôi dõi theo và cầu nguyện để các dấu hiệu hy vọng xuất hiện từ cuộc họp của quý vị. Trong khi chúng ta vẫn đang vật lộn để vượt qua đại dịch Covid-19, thế giới được kêu gọi phải đối diện với những thách thức lớn hơn nữa để đối phó với những tác động kinh tế và xã hội rộng lớn hơn của đại dịch".
Trong thư, các Giáo hội cũng nói về "bóng ma dai dẳng và vẫn đang gia tăng của một cuộc xung đột hạt nhân thảm khốc, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác kiểm soát vũ khí suy giảm và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng". Tổng Thư ký viết tiếp: "Là lãnh đạo của hai quốc gia, với lịch sử cụ thể và vai trò hiện tại trong các vấn đề thế giới, quý vị có trách nhiệm đặc biệt để làm giảm căng thẳng và đạt được một mối quan hệ ổn định, theo một cách thức nhằm cải thiện chứ không làm suy giảm viễn tượng hợp tác toàn cầu cách hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng và phức tạp mà thế giới phải đối mặt ngày nay. Chúng tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa của sự sống và hòa bình truyền cảm hứng và hướng dẫn quý vị trong nhiệm vụ thiết yếu này, vì lợi ích cho người dân của quý vị, cộng đồng nhân loại và cho công trình sáng tạo".
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, hai nhà lãnh đạo giải quyết một loạt các vấn đề cấp bách nhằm khôi phục sự ổn định và quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị và chạy đua vũ trang hạt nhân là những vấn đề phụ thuộc vào chính phủ của hai nhà lãnh đạo thế giới và đặc biệt gần gũi với trái tim của các Giáo hội. (Sir. 15/6/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.