Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin (31/10): Lời Chúa phải được “nghiền ngẫm”

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 31/10/2021, như thường lệ, Đức Thánh Cha hiện diện tại cửa sổ dinh Tông toà để chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật XXXI thường niên và đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài giáo lý trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha tập trung vào hai điều răn quan trọng nhất và mời gọi áp dụng Lời Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày.

Ngọc Yến - Vatican News

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một ông kinh sư đến gần Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28). Chúa Giêsu trả lời vị kinh sư bằng cách trích dẫn Kinh Thánh và khẳng định rằng điều răn đứng đầu là yêu mến Thiên Chúa; từ đó, theo lẽ tự nhiên, đến điều thứ hai: yêu thương người thân cận như chính mình (câu 29-31). Khi nghe câu trả lời này, ông kinh sư không chỉ nhận ra rằng điều đó là đúng, nhưng khi làm như vậy ông còn lặp lại chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (câu 32-33).

Lời Chúa phải được “nghiền ngẫm”

Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao khi bày tỏ đồng ý với Chúa Giêsu, ông kinh sư cảm thấy cần phải nói lại chính những lời của Chúa Giêsu? Việc lặp lại này dường như còn gây ngạc nhiên hơn nếu chúng ta biết chúng ta đang đọc Tin Mừng theo thánh Maccô, thánh sử viết theo một văn phong rất ngắn gọn, súc tích. Vậy ý nghĩa của sự lặp lại này là gì? Việc lặp lời này là một bài học cho chúng ta, những người đang lắng nghe. Bởi vì Lời Chúa không thể được đón nhận như bất kỳ tin tức nào. Lời Chúa phải được lặp đi lặp lại, được gìn giữ. Truyền thống đan tu sử dụng một thuật ngữ rất cụ thể: Lời Chúa phải được “nghiền ngẫm”. Chúng ta có thể nói rằng chính vì sự bổ dưỡng của Lời Chúa cho nên Lời Chúa phải được nghiễn ngẫm trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói hôm nay, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực (câu 30). Lời Chúa phải vang vọng trong chúng ta. Khi có tiếng vọng nội tâm này, có nghĩa là Chúa đang hiện diện trong tâm hồn. Và Người nói với chúng ta, như với ông kinh sư thông thái trong Tin Mừng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (câu 34).

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Kinh Thánh giỏi giang, nhưng là những tâm hồn ngoan nguỳ, đón nhận Lời Người, để mình được thay đổi bên trong. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải làm quen với Tin Mừng, luôn mang Tin Mừng, đọc đi đọc lại, say mê Tin Mừng. Khi chúng ta làm như thế, Chúa Giêsu, Lời Chúa Cha, bước vào tâm hồn chúng ta, trở nên thân thiết với chúng ta và chúng ta sinh hoa trái trong Người. Hãy theo gương của Tin Mừng hôm nay: nếu chỉ đọc thôi thì chưa đủ, cần phải hiểu rằng chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Điều cần thiết là điều răn này, “điều răn hàng đầu”, vang vọng trong chúng ta, được đồng hóa, trở thành tiếng lương tâm chúng ta. Như thế sẽ không có lời chết, vì Thánh Thần làm cho hạt giống Lời nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu (xem Dt 4, 12). Như thế, mỗi người chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của Lời yêu thương duy nhất mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Không phải là một sự lặp lại, nhưng là “một bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của Lời yêu thương duy nhất mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta thấy điều này trong cuộc đời của các thánh: không ai giống ai, tất cả đều khác nhau, nhưng tất cả đều sống cùng Lời Chúa.

Hãy làm cho Lời Chúa vang trọng trong tâm hồn

Do đó, hôm nay chúng ta hãy theo gương ông kinh sư. Chúng ta hãy lặp lại những lời của Chúa Giêsu, hãy làm cho chúng âm vang trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: điều răn này có thực sự định hướng cuộc đời tôi không? Nó có được phản ánh trong những ngày sống của tôi không? Sẽ rất tốt cho chúng ta nếu tối nay, trước khi đi ngủ, hãy xét mình về Lời này, để xem hôm nay chúng ta có yêu mến Chúa và đã trao ban một chút điều tốt cho những người mà chúng ta đã tình cờ gặp hay không. Xin Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Lời Chúa đã trở thành xác phàm, dạy chúng ta đón nhận những lời sống động của Tin Mừng trong tâm hồn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

31 tháng mười 2021, 16:03

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >