ĐTC Phanxicô gặp gỡ Đức Thượng phụ Chrysostomos II và Thánh Hội đồng
Ngọc Yến - Vatican News
Toà Tổng Giám mục
Toà Tổng Giám mục nằm ở trung tâm Nicosia, được xây dựng từ năm 1956 đến năm 1960, theo kiến trúc tân Byzantine. Toà nhà được trang trí với các cột trắng, mái vòm cao, cửa sổ lớn. Trong sân, ngay trước lối vào, có một bức tượng bằng đá cẩm thạch của Đức Thượng phụ Makarios III, Tổng Giám mục tiên khởi của Sýp. Các tòa nhà bằng đá tinh luyện gồm các văn phòng, bảo tàng Byzantine - nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập tranh thánh cổ xưa của thế giới - và thư viện Tổng Giám mục.
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Thượng phụ Chrysostomos II và đại diện của Thánh Hội đồng chào đón tại lối chính của Toà Tổng Giám mục.
Đức Thượng phụ Chrysostomos II
Đức Thượng phụ Chrysostomos II là Tổng Giám mục Chính thống của Nuova Giustiniana và toàn đảo Sýp, năm nay 80 tuổi (1941). Ngài được thụ phong phó tế năm 1963. Từ năm 1968 đến 1972 ngài theo học tại đại học Athen, và được thụ phong linh mục năm 1972. Từ năm 1972 đến 1978 ngài là viện trưởng của đan viện thánh Neophytos của Paphô. Năm 1978, ngài được bầu chọn là Tổng Giám mục Paphô. Năm 2006 ngài được chọn làm Tổng Giám mục Nuova Giustiniana và toàn đảo Sýp. Trong tư cách là Chủ tịch Thánh Hội Đồng Giáo hội Chính thống Sýp, Đức Thượng Phụ đã tham dự thánh lễ an táng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II và thánh lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI hồi năm 2005. Để đáp lễ, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi phái đoàn Tòa Thánh tham dự lễ Nhận toà của Đức Thượng Phụ.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Chrysostomos II được bắt đầu bằng việc giới thiệu các thành viên của hai phái đoàn. Sau đó Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ có cuộc hội kiến riêng. Và cuối cùng là phần ký sổ lưu niệm.
ĐTC Phanxicô gặp gỡ Thánh Hội đồng
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chrysostomos II, Đức Thánh Cha di chuyển đến Nhà thờ Chính toà Chính thống ở Nicosia cách đó 100 mét, để gặp gỡ Thánh Hội đồng.
Nhà thờ Chính toà Chính thống
Nhà thờ Chính Toà Chính thống, còn được gọi là Nhà thờ Thánh Gioan thần học, dâng kính Thánh Gioan Tông đồ và được xây dựng ở nơi trước đó là nhà nguyện của tu viện cũng mang tên Thánh Gioan, thành lập từ giữa thế kỷ 10 và 12. Công trình xây dựng kéo dài hơn 10 năm. Tòa nhà có mái vòm tròn theo phong cách Pháp-Byzantine và chỉ có một gian giữa với mái vòm nhọn. Bên ngoài đơn giản khác với nội thất được trang trí tỉ mỉ bên trong với những bức bích họa miêu tả những cảnh trong Kinh Thánh, đặc biệt cảnh Chúa Kitô bị đóng đinh với sự chứng kiến của Đức Mẹ và Thánh Gioan, đặc biệt có mộ của Thánh Barnaba ở Salamis, với những tấm gỗ sơn hoặc dát vàng, đèn chùm pha lê và các tác phẩm điêu khắc.
Thánh Hội đồng
Thánh Hội đồng là quyền bính cao nhất của Giáo hội Chính thống Sýp. Đứng đầu là Tổng Giám mục của Nuova Giustiniana và Toàn đảo Sýp, cùng với 9 Tổng Giám mục và 7 Giám mục của Sýp. Vị đứng đầu Thánh Hội đồng hiện nay là Đức Thượng phụ Chrysostomos II.
Được xếp đặt thành 12 Ủy ban, Thánh Hội đồng có nhiệm vụ bảo tồn giáo lý, giáo luật và phụng vụ của Giáo hội Chính thống Sýp, duy trì sự hiệp thông với Tòa Thượng phụ Đại kết và các Giáo hội Chính thống khác và để điều hành các mối quan hệ đại kết và liên tôn. Ngoài ra, Thánh Hội đồng giám sát việc cai quản về công lý Giáo hội, quản lý tài chính và hoạt động của Văn phòng Đại diện của Giáo hội Sýp tại Liên minh châu Âu và giám sát giáo dục tôn giáo. Đức Thượng phụ triệu tập Thánh Hội đồng 4 lần trong năm.
Buổi gặp gỡ bắt đầu với diễn văn chào mừng của Đức Thượng phụ Chrysostomos II dành cho Đức Thánh Cha trong buổi thăm Thánh Hội đồng này.
Diễn văn của ĐTC
Trong bài diễn văn đáp từ Đức Thượng phụ, trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui và cám ơn sự đón tiếp ngài đã nhận được từ Đức Thượng phụ và các thành viên của Thánh Hội đồng.
Nguồn gốc tông đồ chung
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói: “Hồng ân được hiện diện nơi đây nhắc tôi nhớ rằng chúng ta có một nguồn gốc tông đồ chung: thánh Phaolô đi qua Sýp và sau đó đến Rôma. Do đó, chúng ta thừa kế cùng một lòng nhiệt thành tông đồ và một con đường duy nhất kết nối chúng ta, đó là Tin Mừng. Vì vậy, tôi muốn thấy chúng ta tiến bước trên cùng một con đường, tìm kiếm tình huynh đệ ngày càng lớn hơn và sự hiệp nhất trọn vẹn. Trong phần Đất Thánh này, nơi lan toả ân sủng của những nơi thánh trên khắp Địa Trung Hải, một cách tự nhiên làm chúng ta ngẫm nghĩ đến biết bao trang và nhân vật Kinh Thánh. Trong những nhân vật này, một lần nữa tôi muốn đề cập đến thánh Banaba, và suy tư về một số khía cạnh cuộc sống của thánh Tông đồ có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình của chúng ta”.
Banaba: Người con của sự an ủi và khích lệ
Đi từ Sách Công vụ Tông đồ, Đức Thánh Cha giải thích: Tên “Banaba” vừa có nghĩa là “người con của sự an ủi” vừa là “người con của sự khích lệ”. Thật đẹp trong con người của thánh nhân kết hợp cả hai tính cách này, vốn là những đặc điểm không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng.
Thánh Banaba, người con của sự an ủi, khuyến khích chúng ta, những người anh em của thánh Tông đồ thực hiện cùng một sứ vụ là đem Tin Mừng đến cho nhân loại; mời gọi chúng ta hiểu rằng lời loan báo không thể chỉ dựa trên những lời khích lệ chung chung, lặp lại các giới luật và quy tắc phải tuân giữ, như thường lệ. Loan báo Tin Mừng phải đi theo con đường gặp gỡ cá nhân, chú ý đến câu hỏi của mọi người, đến nhu cầu hiện sinh của họ. Để trở thành những người con của sự an ủi, trước khi nói điều gì đó, cần phải lắng nghe, để được chất vấn, khám phá người khác, chia sẻ. Bởi vì Tin Mừng được thông truyền nhờ hiệp thông. Đó là điều mà, với tư cách là các tín hữu Công giáo, chúng tôi muốn trải nghiệm trong vài năm tới, tái khám phá chiều kích hiệp hành, xây dựng Giáo hội. Trong điều này, chúng tôi cảm thấy cần phải đồng hành mạnh mẽ hơn nữa với anh em, những người anh em quý mến, qua kinh nghiệm về sự hiệp hành của anh em có thể giúp chúng tôi.
Tôi chân thành hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, để hiểu nhau hơn, để xóa bỏ những định kiến và ngoan nguỳ lắng nghe những kinh nghiệm đức tin của nhau. Đó sẽ là một sự khích lệ cho mỗi chúng ta và sẽ mang lại cho chúng ta niềm ủi an thiêng liêng.
Từ bỏ quá khứ chia rẽ tiến đến hiệp nhất
Đức Thánh Cha nói đến đặc tính thứ hai của thánh Banaba: Thánh Banaba là “người Lêvi, quê quán ở đảo Sýp” (Cv 4, 32). Bản văn không thêm chi tiết khác, không nói về dáng vẻ hay con người của ông, nhưng ngay lập tức cho chúng ta thấy Banaba là người như thế nào qua một trong những hành động của ông: “Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ”(câu 37). Cử chỉ tuyệt vời này gợi ý rằng, để được hồi sinh trong sự hiệp thông và sứ vụ, chúng ta cũng cần phải có can đảm từ bỏ tất cả những gì thuộc về thế gian, dù quý giá, để có được sự hiệp nhất trọn vẹn.
Đặt tất cả tài sản dưới chân các Tông đồ, Banaba đi vào con tim các Tông đồ. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi tái khám phá chúng ta là chi thể của cùng một Thân thể, để hạ mình xuống dưới chân anh em. Chắc chắn, trong tương quan của chúng ta, lịch sử đã mở ra những vết nứt lớn giữa chúng ta, nhưng Chúa Thánh Thần mong muốn rằng với sự khiêm nhường và tôn trọng, chúng ta một lần nữa đến gần nhau hơn. Thánh Thần mời gọi chúng ta đừng cam chịu những chia rẽ trong quá khứ và hãy cùng nhau vun trồng cánh đồng Nước trời với sự kiên nhẫn, siêng năng và cụ thể. Vì nếu chúng ta gạt bỏ những lý thuyết trừu tượng sang một bên và cùng làm việc, như trong các công việc bác ái, giáo dục và thăng tiến phẩm giá con người, chúng ta sẽ tái khám phá tình huynh đệ, và sự hiệp thông sẽ tự trưởng thành trước sự ngợi khen Thiên Chúa. Mỗi chúng ta sẽ duy trì phong cách riêng, nhưng theo thời gian, những việc làm chung sẽ gia tăng sự hòa hợp và sinh hoa trái. Như những vùng đất Địa Trung Hải xinh đẹp này được tô điểm bởi sức lao động kiên nhẫn và tôn trọng của con người, thì với sự trợ giúp của Chúa và sự kiên trì khiêm tốn, chúng ta cũng có thể vun trồng sự hiệp thông tông đồ của chúng ta!
Vượt qua thử thách hướng đến hoà hợp
Đức Thánh Cha nói đến đặc tính thứ ba của thánh Banaba: Thử thách. Khía cạnh này đã gắn liền với công cuộc loan báo Tin Mừng ban đầu ở vùng đất này. Khi trở về Sýp cùng với Phaolô và Máccô, Banaba thấy Êlyma, “một người phù thuỷ và mạo xưng là ngôn sứ” (Cv 13, 6), người đã ác ý chống lại họ, tìm cách bẻ cong những đường lối ngay thẳng của Chúa (xem c. 8,10). Ngày nay cũng vậy, không thiếu sự giả dối và lừa gạt mà quá khứ có thể đặt ra trước mắt để cản trở con đường của chúng ta. Nhiều thế kỷ chia rẽ và xa cách đã khiến chúng ta đồng hóa, ngay cả không chủ tâm, chống đối và có thành kiến với người khác, những định kiến thường dựa trên thông tin ít ỏi và xuyên tạc, và được lan truyền bởi một nền văn chương công kích và luận chiến. Tất cả những điều này làm sai lệch con đường của Thiên Chúa, vốn hướng đến sự hòa hợp và hợp nhất.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan và can đảm để đi theo đường lối của Người. Ngài nói: “Chúng ta cầu xin qua sự chuyển cầu của các thánh. Vô số các thánh hợp nhất trong một Giáo hội trên trời, thúc giục chúng ta cùng nhau chèo thuyền về bến, nơi tất cả chúng ta đều khao khát. Từ trên cao, các thánh mời gọi chúng ta làm cho Sýp, vốn đã là một cầu nối giữa Đông và Tây, trở thành một cầu nối giữa trời và đất. Như thế, vì vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, vì thiện ích chúng ta và của tất cả mọi người.”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.