Tìm kiếm

ĐTC Phanxicô: Vui mừng chào đón người ăn năn thống hối

Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/3/2022, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu biết bày tỏ sự gần gũi với những người hối lỗi cũng như tìm kiếm những người đang lạc xa, và vui mừng vì điều tốt của người khác, không chăm chú vào sai lỗi của họ.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một vài suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ IV mùa Chay - dụ ngôn người con hoang đàng. Sau khi nhắc lại lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta, Đức Thánh Cha lưu ý đến vấn đề của người con lớn: sống tương quan với người Cha như một nô lệ với ông chủ, chỉ tuân giữ các mệnh lệnh; và hậu quả là anh ta trở nên nghiêm khắc với đứa em. Như Người Cha trong dụ ngôn - hình ảnh của Chúa Cha, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu biết bày tỏ sự gần gũi với những người hối lỗi cũng như tìm kiếm những người đang lạc xa, và vui mừng vì điều tốt của người khác, không chăm chú vào sai lỗi của họ.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ Chúa Nhật này thuật lại câu chuyện được gọi là Dụ ngôn người con hoang đàng (x. Lc 15,11-32). Dụ ngôn dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cách thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta; dù chúng ta mệt mỏi khi xin Thiên Chúa tha thứ, nhưng Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một người Cha không chỉ chào đón chúng ta trở về, mà còn vui mừng và mở tiệc vì đứa con đã trở về nhà sau khi tiêu xài hoang phí tất cả tài sản của mình. Chúng ta là người con ấy, và thật xúc động khi nghĩ đến việc Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta biết bao và luôn chờ đợi chúng ta.

Vấn đề của người con lớn: chỉ theo bổn phận nhưng không cảm thấy tình cha con

Nhưng trong dụ ngôn cũng có người con trai lớn; đứa con này bị khủng hoảng trước cách hành xử của người Cha này. Dụ ngôn cũng có thể khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, người con này cũng ở trong lòng chúng ta và chúng ta bị cám dỗ đứng về phía anh ta, ít nhất là một phần: anh ta đã luôn làm tròn bổn phận của mình, anh ta không bỏ nhà ra đi, và vì vậy anh ta trở nên phẫn nộ khi nhìn thấy người Cha lại ôm lấy đứa con của ông sau khi nó đã hành xử rất tồi tệ. Anh ta phản đối và nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Ngược lại, đối với “đứa con của cha đó”, cha thậm chí còn mở tiệc! (xem cc. 29-30). Anh không hiểu được người cha.

Do không cảm thấy tình cha con, người con lớn không nhìn nhận người em của mình

Những lời này cho thấy vấn đề của người con lớn. Anh ta đặt mối quan hệ của mình với Cha mình hoàn toàn chỉ dựa trên việc tuân giữ các mệnh lệnh, trên tinh thần nghĩa vụ. Đây cũng có thể là vấn đề của chúng ta với Thiên Chúa: chúng ta không còn xem Chúa là Cha và chúng ta sống một tôn giáo xa cách, bao gồm những điều cấm và bổn phận. Và hậu quả của sự xa cách này là chúng ta trở nên nghiêm khắc đối với tha nhân mà chúng ta không còn coi là anh chị em nữa. Thực ra, trong dụ ngôn, khi nói với Cha, người con lớn không gọi người em là em của con nhưng gọi là đứa con của cha. Cuối cùng, chính anh ta có nguy cơ ở lại bên ngoài ngôi nhà. Trên thực tế, bản văn viết: “anh ta không muốn vào nhà” (câu 28).

Hai nhu cầu của trái tim người cha

Thấy vậy, người Cha đi ra năn nỉ với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (c. 31). Ông cố gắng giúp cho anh ta hiểu rằng đối với ông mỗi đứa con là cả cuộc đời của ông. Người hiểu rõ điều này là các bậc cha mẹ, những người rất gần với tình cảm Thiên Chúa. Có một câu nói rất hay của một người cha trong một cuốn tiểu thuyết: “Khi tôi trở thành cha, tôi đã hiểu Thiên Chúa” (H. DE BALZAC, Il padre Goriot, Milan 2004, 112 ). Ở điểm này trong dụ ngôn, người Cha mở lòng với người con lớn và bày tỏ hai nhu cầu, không phải là mệnh lệnh, mà là những nhu cầu của trái tim: “Chúng ta phải ăn mừng, phải hân hoan, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (câu 32). Chúng ta hãy xem liệu trong lòng chúng ta cũng có hai nhu cầu của người Cha không: ăn mừng và hân hoan.

Ăn mừng: gần gũi với người ăn năn

Trước hết, ăn mừng, nghĩa là thể hiện sự gần gũi của chúng ta với những người ăn năn hoặc đang trên đường ăn năn, với những người đang gặp khủng hoảng hoặc đang lạc xa. Tại sao chúng ta nên làm điều này? Bởi vì điều này sẽ giúp vượt qua nỗi sợ hãi và chán nản có thể có khi họ nhớ lại những sai lầm của mình. Những người mắc lỗi thường cảm thấy bị chính lòng mình trách móc; sự xa cách, sự thờ ơ và những lời nói chua chát không giúp ích được gì. Vì vậy, giống như người Cha, cần phải dành cho họ sự chào đón ấm áp, điều động viên họ tiến bước. Còn chúng ta có làm điều này không? Chúng ta có tìm kiếm người lạc xa, chúng ta có muốn ăn mừng với họ không? Một trái tim rộng mở, biết lắng nghe thực sự, một nụ cười trong suốt có thể làm được bao nhiêu điều tốt; ăn mừng để giúp họ không cảm thấy ngại ngùng!

Hân hoan vì điều tốt của người khác

Và rồi, giống như người Cha, chúng ta cần phải vui mừng hân hoan. Khi một người có trái tim chung nhịp đập với Thiên Chúa thì sẽ nhìn thấy sự ăn năn của một người, cho dù lỗi lầm của người đó có thể nghiêm trọng đến đâu, và vui mừng. Đừng chỉ chú ý vào những sai lỗi, đừng chỉ vào những gì họ đã làm sai, nhưng hãy vui mừng vì điều tốt bởi vì điều tốt của người khác cũng là của tôi! Và chúng ta, chúng ta có biết cách vui mừng vì người khác không?

Minh hoạ cho trái tim người cha, Đức Thánh Cha kể một câu chuyện: một người con ăn năn hối hận muốn trở về nhưng sợ bị cha từ chối. Anh ta được khuyên gửi thư cho cha, xin ông nếu tha thứ cho anh, hãy treo một chiếc khăn tay trên cửa sổ. Nhưng khi anh về đến gần nhà, thật ngạc nhiên, anh nhìn thấy mọi cửa sổ đều có những chiếc khăn trắng. Người cha hết sức vui mừng chào đón người con.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta cách đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa để nó có thể trở thành ánh sáng nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy những người lân cận của mình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

27 tháng ba 2022, 16:14

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >